Tạp chí Sông Hương -
Trên quê hương Azit Nexin: Thành phố giữa 2 bờ Âu - Á
10:06 | 06/07/2011
Istanbul là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng là thành phố duy nhất nối liền 2 châu lục Á - Âu. Đây cũng là nơi gắn liền với nhà văn Azit Nexin và nhà văn đoạt giải Nobel Văn học Orhan Pamuk.
Trên quê hương Azit Nexin: Thành phố giữa 2 bờ Âu - Á
Cây cầu Bosphorus nối liền 2 châu lục Á - Âu - Ảnh: C.M.H

Bên bờ vịnh Bosphorus

Trong những trang ghi chép của nhà văn Orhan Pamuk, người đoạt giải Nobel Văn học năm 2006, Istanbul là những hồi ức đầy vinh quang nhưng vẫn vương vấn nỗi buồn về một đế chế. Cũng dễ hiểu vì có lẽ khó có thành phố nào trên thế giới là nơi thể hiện quyền uy của các đế chế, từ La Mã đến Ottoman như Istanbul (trước năm 1930 có tên là Constantinople). Orhan Pamuk yêu từng con đường, những ngóc ngách của Istanbul. Trong ông, Istanbul là những bức hình đen trắng của những vũ nữ múa bụng, những nhà thờ 2 bên bờ Bosphorus tưởng như đã cũ kỹ nhưng nó vẫn sống động vì đó là cuộc sống thật của Istanbul suốt 2.600 năm qua. Ông yêu Bosphorus vì khi còn trẻ mỗi lần học giỏi được mẹ thưởng cho một chuyến đi thuyền trên vịnh, để rồi nghe những câu chuyện về thời của các cung nữ thất sủng bị đem ra vứt xuống eo biển Kim Giáp (Goldel Horn) - nối từ vịnh Bosphorus ra biển Marmara, và trôi dạt về Địa Trung Hải xa xôi.

Giờ thì Orhan Pamuk vẫn sống ở Istanbul và ông vẫn chứng kiến hằng ngày thành phố này thay đổi. Từ những kinh thành của thời quá khứ ở Pamukkale, Kusadasi, tôi trở về với thực tại khi đặt chân đến Istanbul. Một thành phố có gần 15 triệu người với sự hiện đại của lối sống châu Âu xen lẫn với những giá trị truyền thống của phương Đông và đạo Hồi thì chắc hẳn nó không giống bất cứ nơi nào trên thế giới. Thành phố đẹp và thơ mộng, người ta như có một chút bồi hồi khi đứng dù ở bên này châu Á hay bên kia châu Âu theo tâm trạng của mỗi người. Chính vì vậy, dù trong những ngày lưu lại Istanbul chúng tôi được bố trí khách sạn ở phần đất châu Âu, nhưng “nỗi nhớ châu Á” vẫn làm chúng tôi quyết định có một cuộc dã ngoại “ngoài luồng” để đi bằng được trên cây cầu Bosphorus về phía châu Á. Con người ta tình cảm quả là lạ… Càng yêu hơn những trang viết của Orhan Pamuk về Istanbul, về Bosphorus.

Ấn tượng với tôi ở Istanbul còn chính là nghệ thuật bán hàng của các “quý ông”. Không có gì là lạ khi đàn ông đi bán hàng ở một đất nước Hồi giáo, nhưng có lẽ vì quá khứ Con đường tơ lụa đi qua đất nước này nên nghệ thuật chào mời của họ đã đạt đến… “đỉnh”. 10 người trong đoàn chúng tôi hễ bước vào cửa hàng nào thì y như rằng sẽ có một đội quân gấp 2 lần chúng tôi “bao vây” và rao hàng. Họ sẵn sàng chào mời tấm thảm mà theo họ nói có thể đến vài chục ngàn USD, nhưng nếu bạn cần một tấm thảm lót chân giá vài chục USD họ cũng sẵn sàng phục vụ. Nhưng có một chi tiết khá thú vị là chính người Thổ cũng dặn nhau rằng hãy trả giá thật thấp, nếu không sẽ “bé cái nhầm”. Một anh bạn trong đoàn đã từng hỏi một món hàng được chào mời với giá 1.540 USD, nhưng khi trả còn khoảng 300 USD là họ đã “OK” rồi. Nói thì nói vậy, dù họ có nói thách “bằng trời”, nhưng nếu mình không mua thì họ cũng cười… rất tươi và hẹn gặp lại.

Quả là đất nước Thổ!

Câu chuyện về Azit Nexin và cô gái Thổ

10 ngày trên đất Thổ Nhĩ Kỳ là 10 ngày cô hướng dẫn có cái tên thật khó nhớ, Ilknur Ozdemir, không rời chúng tôi một bước (dĩ nhiên là phải có chia tay nhau khi đi ngủ). Ilknur Ozdemir đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên về sự tự do của người Thổ. Cô bảo rằng cô không theo đạo Hồi, dù cô tôn trọng đạo. Ilknur Ozdemir đã từng có chồng và ly hôn, giờ cô làm hướng dẫn viên du lịch để nuôi con và sống cuộc sống yêu tự do và mê… rượu. Trong những ngày đi cùng đoàn cô cứ học theo cách của chúng tôi là “zvô, zvô” khi nâng những ly rượu vang sóng sánh nghĩa tình.

Thánh đường Blue Mosque - Đền thờ xanh, biểu tượng của Istanbul - Ảnh: C.M.H


Đêm chia tay, tôi và anh đồng nghiệp Hoài Nam của Báo Sài Gòn tiếp thị quyết mời Ilknur Ozdemir một “chầu” để hỏi về nhà văn Azit Nexin, mà cả gần 10 ngày nay chúng tôi không có dịp hỏi. Nghe đến tên Azit Nexin, Ilknur Ozdemir ồ lên một cách đầy thích thú. Cô ngạc nhiên khi biết Azit Nexin được nhiều người Việt Nam biết đến như vậy. Cô cho biết là thế hệ bố, mẹ cô cũng rất say mê những câu chuyện của Azit Nexin, nhưng bây giờ Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi, đôi khi có những câu chuyện mà Azit Nexin phê phán đã không còn hợp nữa. Dẫu vậy, cô cũng như nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ khác rất yêu mến Azit Nexin, bởi chính thái độ “nhìn thẳng” bản chất của người Thổ để tìm ra chân lý của cái đẹp thì không phải nhà văn nào cũng làm được như Azit Nexin hoặc Orhan Pamuk.

Có một điều mà cô không thể giúp gì cho chúng tôi là tìm nơi ở hoặc phần mộ của Azit Nexin ở Istanbul, có thể là do kết quả lời trăng trối của ông. Ông muốn mình trở về với cát bụi hay chính những cách nhìn của ông sẽ có một thế lực nào đó không chấp nhận? Ilknur Ozdemir nói rằng cô không hiểu, chỉ biết rằng phần mộ của ông nằm ở 1 trong 3 địa điểm là 3 ngôi trường tại Istanbul dành cho trẻ em mang tên ông, mà ông đã xây dựng khi còn sống vì ông vốn rất yêu trẻ con. Một chút tiếc nuối, nhưng thôi…, ông vẫn hiện hữu trong trái tim biết bao người yêu văn học Việt Nam khi những tác phẩm của ông vẫn tái bản thường xuyên và những câu chuyện Những người thích đùa, Con cái chúng ta giỏi thật vẫn còn nhiều người đọc đó thôi… Ông là cầu nối văn hóa giữa đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam.

Có lẽ chính vì vậy tôi càng yêu đất nước này hơn…

                                                                                              Theo Cao Minh Hiển - TNO















Các bài mới
Các bài đã đăng