Tạp chí Sông Hương -
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1975 – 1991
11:09 | 06/07/2011
Kể từ tháng 4-1975, Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản toàn bộ quần đảo Trường Sa và các đảo khác trên Biển Đông. Sau đó, nước Việt Nam thống nhất với tên gọi Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), với tư cách kế thừa quyền sở hữu các đảo và quần đảo từ các chính quyền trước theo luật pháp quốc tế và sự liên tục của lịch sử, có trách nhiệm tiếp tục khẳng định và duy trì việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1975 – 1991
Cùng với các bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12-11-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12-11-1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trước sau như một đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng sẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam công bố các Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này đã chứng minh hết sức rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về tất cả các khía cạnh lịch sử, pháp lý và thực tiễn.

Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngày 09-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII nước CHXHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai để sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Nghị quyết ngày 06-11-1996 kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước CHXHCN Việt Nam tách huyện đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, để sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Các chính quyền tại hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đó đến nay vẫn liên tục thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của mình.

Trong suốt thời gian thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi thống nhất đất nước đến nay, bên cạnh việc ban hành các văn bản hành chính để quản lý nhà nước về lãnh thổ trên hai quần đảo này, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể, kịp thời nhằm khẳng định chủ quyền và kiến quyết đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 30-12-1978, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong Tuyên bố trước đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất đồng bằng giải pháp thương lượng hòa bình. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, càng khiến cho quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng và tình hình trên Biển Đông càng gia tăng sự phức tạp. Mặc dù ngay sau đó, quân Trung Quốc đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Việt Nam buộc họ phải lui quân và chịu nhiều tổn thất, thế nhưng hậu quả lâu dài do cuộc chiến tranh và sự cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước khiến cho các cuộc trao đổi thương lượng hòa bình về vấn đề biên giới và hải đảo bị gián đoạn trong một thời gian khá dài.

Công binh Việt vận chuyển vật liệu xây dựng căn cứ trên quần đảo Trường Sa trước năm 1988


Trong thời gian đó, Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố và tài liệu xuyên tạc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Ngày 30-7-1979, Trung Quốc cho công bố tài liệu mà phía Trung Quốc cho là để chứng minh Việt Nam đã "thừa nhận” chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 7-8-1979 bác bỏ sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc đối với văn bản ngày 14-9-1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tinh thần và ý nghĩa của văn bản này chỉ trong khuôn khổ công nhận giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc chứ không hề nói tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế đang thuộc quyền quản lý tạm thời của chính quyền Việt Nam Cộng hòa phía Nam vĩ tuyến 17 theo Hiệp dịnh Genève năm 1954. Chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cách bất hợp pháp bằng vũ lực, Trung Quốc đã xâm phạm vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và trái với tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc kêu gọi giải quyết tất cả các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Sau khi phát động một cuộc chiến xâm lược Việt Nam trên quy mô lớn, phía Trung Quốc lại nêu ra vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo ra tình trạng càng ngày càng căng thẳng dọc theo biên giới phía bắc Việt Nam và từ chối việc thảo luận những giải pháp cấp thiết để bảo đảm hoà bình và ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước.

Ngày 28-9-1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách Trắng đưa ra thêm nhiều tài liệu tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện đòi hỏi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Tây Sa và Nam Sa) Ngày 5 tháng 2 năm 1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố vạch trần thủ đoạn xuyên tạc của Trung Quốc trong văn kiện ngày 30 tháng 1 năm 1980 của họ về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí tượng Khu vực Châu Á II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm thuộc hệ thống quốc tế như cũ. Ngày 13 tháng 6 năm 1980, Việt Nam yêu cầu OMM (Tổ chức Khí tượng Thế giới) đăng ký trạm khí tượng Trường Sa vào mạng lưới OMM. Tháng 12 năm 1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam điện cho Chủ tịch Ủy ban đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách Trắng: "Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”. Tháng 6 năm 1982, Tân Hoa Xã loan tin một hải cảng lớn được xây dựng tại đảo Hoàng Sa. Tháng 10, tại Hội nghị Toàn quyền của UIT (Hiệp hội Quốc tế Vô tuyến Viễn thông), Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève. Ngày 12 tháng 11 năm 1982 Việt Nam công bố đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải? Tháng 1-1983 Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến đồng ý sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới. Cũng tháng 01 năm 1983 tại Hội nghị Hàng không Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương họp ở Singapore. Trung Quốc muốn mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng. Tại Hội nghị Tổ chức Thông tin Vũ trụ Quốc Tế (INTU SAT) lần thứ 13 họp tại Bangkok, đại biểu Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc sử dụng những bản đồ ghi Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, Nam Sa) là của Trung Quốc. Việt Nam phản đối việc ngày 1 tháng 6 năm 1984 Quốc hội Trung Quốc tuyên bố việc thiết lập khu hành chính Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Đầu năm 1985, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa. Tháng 5 năm 1987, Đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa.

                      Nụ cười lính đảo ở Trường Sa năm 1988


Từ 16 tháng 5 đến tháng 10 năm 1987, Hải quân Trung Quốc liên tục diễn tập quân sự tại vùng nam Biển Đông và tây Thái Bình Dương. Ngày 10 tháng 11 năm 1987, Hải quân Trung Quốc đổ bộ lên bãi đá Louisa. Tháng 1 năm 1988, một lực lượng lớn tàu chiến, có nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa của Trung Quốc, đi từ đảo Hải Nam xuống quần đảo Trường Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động của các tàu vận tải Việt Nam trong khu vực bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Quân lính Trung Quốc cắm cờ trên hai bãi đá trên, đồng thời cho tàu chiến thường xuyên ngăn cản, khiêu khích các tàu vận tải Việt Nam đang tiến hành những hoạt động tiếp tế bình thường giữa các đảo do Hải quân Việt Nam bảo vệ. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến đấu gồm sáu chiếc, trong đó có ba tàu hộ vệ số 502, 509 và 531 trang bị tên lửa và pháo cỡ 100mm, vô cớ tấn công bắn chìm ba tàu vận tải Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc tấn công vào các tàu vận tải của Việt Nam từ các tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc đã làm cho 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam cùng 3 tàu vận tải đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển của Tổ quốc. Các chiến sỹ Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã anh dũng xiết chặt hàng ngũ, giữ vững lá cờ Tổ quốc biểu tượng chủ quyền của Việt Nam trên đảo cho đến giây phút cuối cùng. Từ đó đến ngày 6-4-1988, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực các đảo: Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong năm 1988, Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc, gửi nhiều công hàm phản đối Trung Quốc và đặc biệt là các công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ trái phép các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (ngày 13 tháng 4 năm 1988). Tháng 4-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách Trắng khẳng định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Ngày 14-8-1989, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Cụm Kinh tế Khoa học Dịch vụ trên vùng bãi ngầm Tư Chính, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên thuộc thềm lục địa Việt Nam. Ngày 2-10-1989, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ luận điệu trong bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 28-4-1989. Ngày 18-3-1990, nhiều tàu Trung Quốc đến đánh cá ở Trường Sa. Ngày 16-4-1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi bản ghi nhớ cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc cho nhiều tàu quân sự, tàu khảo sát, tàu đánh cá đến hoạt động trong vùng biển Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Ngày 28-4-1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi Én Đất trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 10-11-1991, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc ký Thông báo chung về bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Thông báo chung của hai nước khẳng định việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước và cùng có lợi cho hoà bình, ổn định và sự phát triển của khu vực. Hai bên tuyên bố Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình. Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hoà bình vấn đề lãnh thổ, biên giới vv... tồn tại giữa hai nước.

Theo Nhóm PV Biển Đông - Đại Đoàn Kết





















Các bài mới
Các bài đã đăng