Tạp chí Sông Hương -
Phim “Huyền sử thiên đô” làm sai lệch lịch sử(?)
08:05 | 07/07/2011
Trong số các phim lịch sử- cổ trang được làm nhân sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Huyền sử thiên đô là 1 trong 3 phim thực hiện hoàn toàn tại VN.
Phim “Huyền sử thiên đô” làm sai lệch lịch sử(?)
Công Dũng vai Lý Công Uẩn và Thu Quỳnh vai công chúa Cúc Phương

Chính vì không bị “lai Tàu” nên khi phát sóng trên kênh VTV3 vào giờ vàng, bộ phim này ít nhiều chiếm cảm tình của người xem. Riêng người dân làng Kim Văn (phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) thì lại bức xúc. Họ cho rằng bộ phim đã làm sai lệch sự kiện và nhân vật lịch sử.

Theo bản Đại Kim Bản “thần tích thần sắc” lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội, mã số Q 4 18/11,9 thìcông chúa Lê Cúc Phương (nhân vật xuất hiện với tần suất dày đặc trong phim) sinh ngày mùng 9 tháng Giêng năm Ất Sửu, niên hiệu Thiên Phúc triều Lê, là con vua Lê Đại Hành và hoàng hậu Dương Thị Mai. Công chúa mới 13 tuổi thì đã hình dung yểu điệu, da trắng tóc trơn, đúng là tuyệt thế giai nhân. Vua muốn kén phò mã nhưng nàng chưa ưng thuận, vì nghĩ rằng mình còn nhỏ tuổi.

Chưa kịp lập thái tử, vua Lê Đại Hành đã băng hà, triều thần thấy Long Hàn tài đức hơn người, định tôn lên ngôi báu nhưng hoàng tử chối từ, triều thần bèn lập hoàng tử Long Việt lên ngôi, lấy hiệu là Trung Tông. Được ba ngày, vua Trung Tông bị em cùng mẹ là Long Đĩnh giết và sát hại (tức vua Lê Ngọa Triều).

Khi họa lớn xảy ra, mọi người trong cung đều hoảng sợ tìm cách lẩn tránh, riêng công chúa Cúc Phương vẫn ôm xác Long Việt khóc lóc thảm thiết và nhiếc mắng Long Đĩnh thậm tệ. Quá tức tối vì bị sỉ nhục, Long Đĩnh liền sát hại công chúa.

Hôm ấy, một vị quan nhỏ trong triều là Lý Công Uẩn, chẳng ngại liên lụy, đã đem thi hài vua Trung Tông đi mai táng. Long Đĩnh thấy thế cho là người trung nghĩa liền phong Lý Công Uẩn chức Điện tiền đô chỉ huy sứ. Sau khi Lê Ngọa Triều chết, Lý Công Uẩn được Đào Can Mộc cùng triều thần tôn lên ngôi báu, tức vua Lý Thái Tổ.

Vua Lý đổi niên hiệu là Thuận Thiên và cho dời đô ra thành Đại La, sau gọi là Thăng Long. Bấy giờ có giặc quấy phá vùng Diễn Châu, Lý Thái Tổ dẫn quân đi chinh phạt. Lúc trở về đến cửa Biện Loan thì trời đất tối tăm mù mịt, quan quân lo ngại, vua thắp hương cầu khấn. Bỗng từ trên trời có đám mây trắng bay là là mặt đất, trong đám mây vua thấy có một người con gái.

Người ấy tâu rằng: “Bệ hạ với tôi cùng gặp nạn Long Đĩnh, nay ngài làm vua còn tôi không nhà cửa thân thuộc, xin cho lập công để rửa điều oan khiên thưở trước”. Vua Lý nói: “Xin đa tạ tấm lòng của công chúa”.

Vừa dứt lời thì biển lặng sóng yên. Nhớ công của nữ thần, về đến kinh đô, vua sai triều thần sắc phong cho công chúa bốn chữ “Linh quang thánh ý”, và cấp cho 22 làng làm thang mộc ấp, cho dân cày cấy lấy hoa lợi để bốn mùa đèn hương phụng thờ công chúa.

Trong số này có làng Kim Văn (nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai). Kế tiếp vua Lý Thái Tổ, các đời vua sau đều ban tặng sắc phong cho công chúa. Hiện nay, ở đình Kim Văn còn giữ được 6 sắc phong thần, đạo sớm nhất đề năm Cảnh Hưng thứ 44 (1784); đạo muộn nhất đề năm Khải Định thứ 9 (1924).

Đình Kim Văn có tam môn nhìn về phía tây. Kiến trúc gồm đại đình 5 gian nối với hậu cung 3 gian. Chính giữa hậu cung, ở vị trí cao nhất có tượng công chúa Lê Cúc Phương đặt trong ngai thờ. Đình còn giữ được nhiều hoành phi, câu đối trong đó có câu (tạm dịch nghĩa):

Nền xưa đất cũ, sự tích linh thiêng còn để lại
Cung cấm nguy nga, trông lên đèn sáng khói hương thơm

Từ bao đời nay, hai làng Kim Lũ, Kim Văn có tục kết chạ; hằng năm cùng mở hội vào ngày 9 tháng 2, có rước giao hiếu giữa hai làng.

Lịch sửlàthế, nhưng khi vào phim Huyền sử thiên đô, công chúa Lê Cúc Phương cùng với Đào Can Mộc, Lý Công Uẩn cưỡi ngựa nhong nhong từ Hoa Lư ra Thăng Long. Không biết vào năm nào? Dựa vào tư liệu nào?

Chúng ta đều biết làm phim thì phải hư cấu để mang lại tính hấp dẫn cho khán giả. Điều đó có thể xảy ra ở phim dã sử hoặc thể loại khác. Còn những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử có thật thì cần cẩn trọng kẻo sẽ bóp méo lịch sử, có tội với tiền nhân. Thế hệ con cháu sau này biết tin vào đâu? Tin tư liệu chính sử hay phim truyền hình?

Vả lại, về phong tục tập quán nước ta ảnh hưởng tư tưởng phong kiến “tam tòng tứ đức” và “nam nữ thụ thụ bất thân”, vậy mà từ thời Tiền Lê cách đây hơn một nghìn năm lại có một vị công chúa cấm cung cưỡi ngựa cùng hai người đàn ông suốt bao chặng đường?
Hay là phim truyền hình do sản xuất nhanh chỉ cần đủ thời lượng phát sóng nên không cần quan tâm đến điều gì khác nữa?

Khán giả rất cần câu trả lời của các nhà làm phim vì các cụ trong Ban quản lí di tích đình Kim Văn đang bị con cháu chất vấn chưa biết trả lời như thế nào? Lớp trẻ rất tin truyền hình - vì truyền hình cho ta nhìn thấy, còn tư liệu thành văn hiện nay người ta đang ngại đọc.

                                                                                                 Theo Đào Tố Uyên - VH















Các bài mới
Các bài đã đăng