Tạp chí Sông Hương -
Nếu trăm năm sau con người vẫn còn cười…
08:28 | 07/07/2011
Cái “hành tinh bừa bộn” hay “cái đống lộn xộn” này đang lấy mất của con người tiếng cười? Trong cuốn sách của mình, Kurt Vonnegut không trầm tư triết gia với những truy vấn nặng nề, mà với tư cách nhà văn, ông báo động về sự khủng hoảng của tinh thần hài hước nơi con người.
Nếu trăm năm sau con người vẫn còn cười…

“Nếu một trăm năm nữa con người vẫn còn cười, lúc ấy nhất định tôi sẽ mãn nguyện lắm” – ông viết. Ông chỉ ra bản chất của sự khủng hoảng tiếng cười trong thời đại thông tin đang có nguy cơ gây nhiễu đạo lý và sự thật: “Óc hài hước là một cách tránh xa cuộc sống tệ hại, để bảo vệ bản thân bạn. Cuối cùng thì bạn cũng quá đỗi mệt mỏi, còn tin tức thì quá đỗi tệ hại, rồi óc hài hước cũng không còn hoạt động nữa”.

Bằng một sự phản thân, tự trào, ông viết về chính tiếng cười đang trên bờ vực suy thoái: “Có lẽ tôi không còn có thể bông đùa được nữa – đó không còn là một cơ chế tự vệ làm chúng ta thoả mãn nữa. Một số người thì hài hước, còn một số thì không. Trước đây tôi thường hài hước mà giờ có lẽ hết rồi. Có lẽ đã xảy ra nhiều việc gây sửng sốt và thất vọng đến nỗi cơ chế hài hước không còn tác dụng nữa. Có lẽ tôi đã trở nên cau có vì đã chứng kiến quá nhiều thứ làm phật ý tôi mà tôi không thể đối phó nổi bằng tiếng cười”.

Vậy, những sự thật mà suốt những năm cuối đời Kurt Vonnegut chứng kiến, với nỗi “sửng sốt và thất vọng” ấy là gì? Đó là một khung cảnh xã hội nhiều ung nhọt. Nhất là sự mị dân của đám chính trị gia, cụ thể là Tổng thống G. W. Bush đang xây dựng trên một thiết chế độc tài quân sự nguỵ trang bằng lớp áo lộng lẫy của dân chủ văn minh. Kurt Vonnegut chỉ trích thẳng thừng rằng vị tổng thống này chỉ là “một con rối” đẩy những người dân Mỹ đến bên bờ vực thẳm. Sự khinh bạc với giới chức chính trị ở nhà văn này được bộc lộ một cách cương trực và độc lập (dĩ nhiên, có thể cũng vì ông là một nhà văn ở nước Mỹ!): “Chỉ có mấy thằng khùng mới làm tổng thống”. Trong mắt ông, lãnh đạo chính phủ là “một lũ vi trùng”, “những con tinh tinh say quyền lực”… Cười nhạo sâu cay về những tham vọng của cánh chính trị gia Mỹ, ông lật lại những cuộc chiến tranh “vô tích sự” ở Việt Nam, Trung Đông để cảnh báo sự xói mòn nhân văn, lý lẽ và sự thật đang diễn ra nơi đất nước mà ông đang sống với tâm thế của kẻ không thuộc về nó – không quê hương.

Trong cuốn sách mỏng này, Kurt Vonnegut cũng hướng tiếng cười vào cái thực tế cuộc sống hiện sinh hời hợt của con người đương đại khi tranh thủ vơ vét nguồn tài nguyên cho bữa tiệc hiện tại. Và ông nhìn thấy hệ quả bi hài thuộc về tương lai: “Đừng làm hỏng bữa tiệc, nhưng đây là sự thật: chúng ta đã phí phạm tài nguyên của hành tinh chúng ta, bao gồm không khí và nước, như thể không có ngày mai, cho nên bây giờ sẽ không có ngày mai nữa”, “Sự thật lớn nhất phải đối mặt bây giờ – thứ có lẽ sẽ làm cho tôi thôi không hài hước nữa từ giờ cho đến cuối đời – chính là việc tôi nghĩ người ta cóc thèm biết hành tinh này có tiếp tục tồn tại nữa hay không”, “Tôi biết rất ít ai đang mơ về một thế giới cho con cháu họ”.

Mang tư duy khoa học vào trong văn chương, Kurt Vonnegut nhận ra một sự thật nực cười về văn chương thời ông đang sống: trong thời kỹ nghệ thống trị nhưng đa số các tác gia Mỹ “chẳng biết gì về công nghệ”, giới phê bình đa số là sản phẩm của khoa ngữ văn nên ra sức hoài nghi những ai quan tâm đến công nghệ. Còn tác phẩm văn học thì: “Tôi nghĩ rằng tiểu thuyết mà bỏ sót công nghệ thì phản ánh cuộc sống sai lệch tồi tệ chẳng kém gì người thời Victoria phản ánh cuộc sống sai lệch vì đã bỏ sót yếu tố tình dục”. Nhưng, là một kẻ quá hiểu sự điều khiển trở lại của công nghệ lên đời sống con người, ông lại viết: “Mấy cái cộng đồng điện tử chẳng làm nên được thứ gì. Rốt cuộc bạn chẳng có gì. Chúng ta là những con vật nhún nhảy”.

Còn tinh thần tôn trọng sự thật thì sẽ còn tiếng cười. Cuốn sách mỏng được viết đầy phóng túng, ý tưởng văn chương, loạt tranh biếm hoạ đầy hài hước của chính tác giả đã đạt tới một sự tự do, tự nhiên tuyệt đối trong lối viết mà văn chương cần hướng tới.

“Mark Twain và Abraham Lincoln đang ở đâu khi chúng ta cần họ?” Còn ai giúp chúng ta tự cười nhạo mình và quý trọng những câu chuyện đùa thực sự quan trọng, thực sự đạo lý trong cái hành tinh bừa bộn không còn biết đến ngày mai này?


KURT VONNEGUT (1922 – 2007)

Nhà văn Kurt Vonnegut.

Sinh ra ở bang Indiana nước Mỹ trong một gia đình khá giả, ông theo học ngành sinh hoá đại học Cornell. Cuộc đời Kurt Vonnegut trải qua nhiều biến cố chi phối tư tưởng, lối viết của ông về sau: cơn đại khủng hoảng kinh tế 1929; tham chiến và bị bắt làm tù binh ở Dresden (Đức), chứng kiến cảnh 135.000 dân thành phố này trúng bom của lực lượng đồng minh; thoát chết nhờ trốn trong nhà tù Slaughterhouse... Sau chiến tranh, ông học tiếp đại học Chicago và trở thành nhà giáo, nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, biên kịch danh tiếng… Ông cũng là diễn viên thủ những vai phụ, thoáng qua trong các tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ chính tác phẩm của mình.

Kurt Vonnegut là tác giả của 14 tiểu thuyết, 3 tập truyện, 5 tập tiểu luận, hồi ký, 5 vở kịch và hơn 10 tác phẩm phóng tác nổi tiếng, có tác phẩm được đưa vào giáo khoa, giáo trình nhiều trường trung học, đại học tại Mỹ. Những tựa sách tiêu biểu của ông: Player Piano, The Sirens of Titan, Mother Night, Cat’s Cradle, God Bless You, Mr. Rosewater, Slaughterhouse-Five, Welcome to the Monkey House, Breakfast of Champions, Slapstick, Timequake… Ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách của nhiều nhà văn đương đại của thế giới. Giả tưởng, hài hước đen là những đặc trưng độc đáo trong tác phẩm của nhà văn hậu hiện đại hàng đầu nước Mỹ này.

A man without a country – A memoir of life in George W. Bush’s America (Người không quê hương – Hồi ký về nước Mỹ thời George W. Bush – Nguyễn Khánh Toàn dịch, Nhã Nam & NXB Thông Tấn, 2011) là cuốn sách được viết trong những năm cuối đời của Kurt Vonnegut, cũng là cuốn sách đầu tiên của Kurt Vonnegut được dịch sang tiếng Việt.



                                                                             Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT.VN






















Các bài mới
Các bài đã đăng