Tạp chí Sông Hương -
Vỡ hoang thị trường truyện tranh Việt
15:14 | 07/07/2011
Tại hội thảo Truyện tranh: triển vọng và thách thức do phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ) và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định: truyện tranh cho lứa tuổi thiếu nhi ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận và đang dần định hình phong cách. Tuy nhiên, thị trường truyện tranh cho người lớn vẫn còn bỏ ngỏ và được ví như mảnh đất màu mỡ đang bị bỏ hoang.
Vỡ hoang thị trường truyện tranh Việt
Tác phẩm Cây nêu và em bé của họa sỹ Bỉ gốc Việt Vĩnh Khoa
Truyện tranh cho thiếu nhi: định hình phong cách

Điểm một số đầu truyện tranh được các em ưa thích xuất bản trong nước thời gian qua có thể thấy rất rõ sự thay đổi, phát triển theo chiều hướng tích cực của truyện tranh Việt Nam. Có thể kể một số tác phẩm của các tác giả Việt Nam được lứa tuổi thiếu nhi đón nhận như:Trạng Quỳnh, Thần đồng Đất Việt, Tý quậy… Phần lớn tác phẩm đều khai thác mảng đề tài từ kho truyện cổ tích, dân gian mang đậm văn hóa truyền thống nên được phụ huynh ủng hộ và bản thân các em khi đọc cũng tiếp nhận khá tự nhiên. Thế nhưng, mảng đề tài này đang dần đi vào lối mòn, trở nên nhàm chán khi các tác giả chưa thổi được vào đó không khí mới, không gian mới của đời sống đương đại. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những tích cũ, nhân vật cũ. Thậm chí có nhà xuất bản còn tái bản đi, tái bản lại những bộ truyện từng một thời ăn khách.

Họa sỹ truyện tranh người Bỉ Stephen Desberg cho rằng, với truyện tranh, điều quan trọng nhất là nhân vật. Nhân vật quyết định sự đón nhận của bạn đọc và quyết định sức sống của tác phẩm. Nhân vật không chỉ độc đáo, cá tính mà còn phải sinh động với những đối thoại hài hước. Tất nhiên, không có mô hình chung áp dụng cho tất cả nhưng hiện tại truyện tranh Việt Nam vẫn chưa có nhiều đột phá dẫu đang định hình phong cách, khi khai thác được nét văn hóa truyền thống độc đáo, gần gũi với đời sống xã hội.

Truyện tranh cho người lớn: thị trường tiềm năng

Không thể phủ nhận, ở Việt Nam người lớn chưa có thói quen mua và đọc truyện tranh. Và vì thế, nếu một tác phẩm dành cho lứa tuổi này được xuất bản, hy vọng thành công khá mong manh. Một điều quan trọng khác xuất phát ở chính đặc thù của thể loại này, đó là sáng tác cho tuổi mới lớn đã khó, cho lứa tuổi trưởng thành còn khó hơn rất nhiều. Bởi ở lứa tuổi trưởng thành, diễn biến tâm sinh lý của con người rất phức tạp, nhiều điều khó thể hiện bằng tranh vẽ.

Hiện tại số họa sỹ được coi là tiên phong sáng tác trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từng gây được chú ý với bộ truyện tranh Dũng sỹ Hesman và Siêu nhân Việt Nam cách đây hơn chục năm ở thị trường phía Nam, Công ty TVC mới ra mắt loạt truyện tranh made in Việt Nam, trong đó có một số sáng tác dành cho người lớn và lứa tuổi mới lớn như: Chuyện lớp mười A1, Xác ướp, Truyền kiếp... Chưa rõ hiệu quả của những tác phẩm này đến đâu nhưng điều này cũng cho thấy các nhà sản xuất truyện tranh ở phía Nam khá nhạy bén trong đánh giá thị phần truyện tranh đầy tiềm năng này. Trong khi đó, ở phía Bắc, sau khi ra mắt bộ truyện tranh dành cho tuổi thiếu niên Orange, họa sỹ Nguyễn Thành Phong cũng đang bắt tay thực hiện ý tưởng sáng tác truyện tranh dành cho người lớn. Tuy nhiên, ông thừa nhận, để truyện tranh chinh phục bạn đọc Việt ở mọi lứa tuổi là cả một quá trình.

Về vấn đề này, Phó giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng cho biết: ngoài các sáng tác của họa sỹ trong nước, NXB Kim Đồng đang tìm hiểu thị hiếu bạn đọc để trong thời gian tới xuất bản một số truyện tranh của nước ngoài. Trước mắt, ưu tiên lựa chọn các tác phẩm có đề tài phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều loại đối tượng và nhiều lứa tuổi. “Hiện người lớn ở Việt Nam chưa có thói quen mua, đọc truyện tranh nên cần phải có quá trình để họ dần tiếp cận và tạo dựng thói quen đó. Vì thế, trước mắt thị trường truyện tranh nên có những tác phẩm để cả trẻ em lẫn người lớn đều đọc được”.

Trước thực trạng phát triển của truyện tranh Việt Nam, phụ trách bản quyền quốc tế của Tập đoàn Mediatoon Je’Rome Baron chia sẻ kinh nghiệm: các nhà xuất bản nên kết hợp với các tờ báo, kênh truyền hình để tuyên truyền, qua đó sẽ giúp độc giả Việt Nam có cái nhìn thấu đáo hơn về giá trị giáo dục của truyện tranh nhằm xóa bỏ quan niệm cũ, để truyện tranh thực sự là một loại hình nghệ thuật cho mọi người. Đồng thời, chú trọng sáng tác dành cho giới trẻ, bởi đó sẽ là lớp kế cận, bạn đọc lớn tuổi của truyện tranh trong tương lai, giúp thị trường truyện tranh phát triển đa dạng, phong phú hơn.

Theo Nhữ Sơn - ĐBND























 
Các bài mới
Các bài đã đăng