Nhà văn Sơn Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động
10:02 | 18/07/2011
Ngày 14.7.2011, Chủ tịch Nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho nhà văn Sơn Tùng, sinh năm 1928, tại làng Kim Luỹ (nay là xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An).
Nhà văn sơn Tùng (ảnh chụp vào tháng 5.2007 tại Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Trên thế giới và trong nước có nhiều tác giả viết về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, riêng nhà văn Sơn Tùng có tới 14 đầu sách về Bác: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Bác về, Hoa râm bụt, Trái tim quả đất, Búp sen xanh, Bông sen vàng...
Là phóng viên Báo Tiền Phong, năm 1965 ông được biệt phái vào miền Nam để điều hành hoạt động của chi nhánh Báo Tiền Phong tại chiến trường. Năm 1971, địch tập kích vào căn cứ của ta, Sơn Tùng bị thương sọ não, vỡ xương vai, được chuyển ra điều trị tại Hà Nội, kết quả giám định thương binh 4/4 hạng đặc biệt. Anh cán bộ Bùi Sơn Tùng đã có 27 năm (1944-1971) tham gia 2 cuộc kháng chiến giữ nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Năm 1975, ngay khi đất nước vừa thống nhất, nhà văn Sơn Tùng cùng vợ là bác sĩ Hồng Mai - người trực tiếp điều trị, chăm sóc anh thương binh đặc biệt trong năm tháng bất động trên giường bệnh, rồi gắn bó với anh trọn đời - đã có mặt ở Cao Lãnh, Sài Gòn, Phan Thiết, Huế... để gặp những bạn bè, người thân thu thập tư liệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ. Trong 14 đầu sách về Bác Hồ, cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” là một hiện tượng của đời sống văn học nước nhà. Sau khi ra mắt đến nay, cuốn “Búp sen xanh” được các NXB trong nước tái bản nhiều lần, được dịch ra tiếng Anh, đến nay lượng ấn hành của tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã lên tới gần một triệu bản.
Dù căn nhà của ông (tại khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) còn đơn sơ, nhưng nhờ có nhiều sách viết về Bác Hồ nên các bạn nước ngoài coi ông là nhà Hồ Chí Minh học và tìm đến rất đông. Qua đó, hiểu biết của ông về Bác Hồ đã giúp các bạn nước ngoài hiểu đầy đủ hơn, gần gũi hơn, gắn bó hơn với nhân dân và đất nước Việt Nam.
Giữa năm 2010, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến não, vào cấp cứu tại bệnh viện (BV) Bạch Mai. Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm nhà văn tại khu điều trị cấp cứu A9 BV Bạch Mai. Tại đây, nói chuyện với các bác sĩ và gia đình, Chủ tịch Nước nói: “Anh Sơn Tùng và tôi là những người đồng chí gắn bó keo sơn từ khi ở chiến trường Nam Bộ. Anh Sơn Tùng là nhà văn được nhân dân yêu mến. Các đồng chí hãy cố gắng hết sức để cứu chữa cho nhà văn Sơn Tùng”.
Chủ tịch Nước nắm chặt bàn tay bị thương của nhà văn - bàn tay chỉ còn 3 ngón mà vẫn cầm bút viết hơn ba chục cuốn sách, hàng ngàn bài báo. Như cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của đồng đội từng vào sinh ra tử, mặc dù chưa nói được, nhưng nhà văn gật gật đầu đồng cảm, hai người lại siết chặt tay nhau. Thời gian sau, nhà văn được chuyển sang điều trị tại BV Đông y Trung ương và đã qua cơn hiểm nghèo. Và theo tôi biết, ông là nhà văn VN đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.