Tạp chí Sông Hương -
Tập truyện Lê Minh Khuê bằng tiếng Đức - Giải thưởng cho bản dịch hay
08:18 | 19/07/2011
Bản dịch tiếng Đức tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Lê Minh Khuê vừa mới đoạt giải thưởng bản dịch xuất sắc cho hai dịch giả là giáo sư Guenter Giesenfeld và bà Marianne Ngo.
Tập truyện Lê Minh Khuê bằng tiếng Đức - Giải thưởng cho bản dịch hay
Nhà văn Lê Minh Khuê

Nét mới ở bản dịch tuyển tập truyện của Lê Minh Khuê là lần đầu tiên một cuốn sách Việt Nam được dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Đức. Trước đó một chút là tập truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, cũng được dịch từ tiếng Việt. Lâu nay những tác phẩm của Việt Nam khi đến với độc giả Đức đều phải qua ngôn ngữ trung gian như tiếng Anh, tiếng Pháp…

Tập truyện của Lê Minh Khuê mang tên
 Những bi kịch nhỏ (rút từ tên một truyện vừa ở trong tập là Bi kịch nhỏ) do nhà xuất bản Miền Trung nước Đức (Mitteldeutscher Verlag, Halle) ấn hành tháng 3-2011, dày 290 trang. Tuyển tập gồm mười sáu truyện tiêu biểu, bắt đầu từ truyện ngắn viết trong chiến tranh Những ngôi sao xa xôi (1968) đến những tác phẩm gần đây nhất như Một mình qua đường, kèm theo là lời bạt của giáo sư văn học Guenter Giesenfeld.

Hai dịch giả của tập truyện đã nhận được Giải thưởng cho những tác phẩm dịch đạt chất lượng cao. Ban giám khảo bao gồm đại diện của Hội chợ sách Frankfurt (Hội chợ sách quốc tế lớn bậc nhất, Việt Nam bắt đầu tham gia từ 1982), đại diện Hiệp hội xuất bản và kinh doanh sách báo Đức (một tổ chức nghề nghiệp lâu đời tại Đức, có quy mô quốc gia), đại diện của Đài truyền hình Arte (một đài truyền hình lớn trong toàn quốc) và đại diện một số tờ báo hàng ngày như báo Toàn cảnh Frankfurt (Frankfurter Rundschau)… Giải thưởng hàng năm này do tổ chức Litprom đứng ra thực hiện. Đây là một hội chuyên lo cổ súy cho việc dịch tác phẩm văn học của các nước đang phát triển. Hàng quý hội cho công bố các tác phẩm dịch tốt nhất và việc được ghi tên trong danh sách bình chọn sẽ giúp thu hút sự chú ý của độc giả đối với tác phẩm vì danh sách này được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin.

Giải thưởng dành cho dịch giả là 5.000 euro. Hai dịch giả tập truyện của Lê Minh Khuê đã hiến tặng toàn bộ số tiền trên cho nhà xuất bản để NXB có điều kiện quảng cáo tốt hơn cho cuốn sách.

Dịch giả chính, giáo sư Guenter Giesenfeld là người đồng sáng lập Hội hữu nghị Đức – Việt (1976). Làm chủ tịch Hội từ gần ba mươi năm nay, ông đã tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết và hữu nghị với Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là người có đóng góp to lớn bậc nhất vào việc quảng bá văn học Việt Nam tại Đức. Việc quảng bá trước hết thông qua tạp chí của Hội
 Viet Nam Kurier, xuất bản ba tháng một kỳ, do chính ông là chủ biên. Ngay từ số đầu tiên của bộ mới (1992) tạp chí đã có chuyên mục Văn học - Nghệ thuật Việt Namvà bắt đầu từ số 2/1993, gần như số nào tạp chí cũng dịch in truyện ngắn của các tác giả Việt Nam. Đến nay tạp chí đã đăng tác phẩm của các nhà thơ: Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Dương Tường và các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư...

Giáo sư Giesenfeld đã vượt qua nhiều khó khăn (rào cản về ngôn ngữ, khả năng hạn hẹp về tài chính của Hội Hữu nghị, sự bận rộn giảng dạy và công tác của Hội...) để trực tiếp dịch và xuất bản bằng tiếng Đức các tác phẩm văn học của một số tác giả Việt Nam. Bộ sách
 Văn học hiện đại Việt Nam sẽ được ông tiếp tục trong những năm tới. Về mối quan tâm đến văn học Việt Nam, GS Giesenfeld cho biết Việt Nam có một số nhà văn nữ như Lê Minh Khuê: viết rất sâu sắc về những vấn đề đặt ra trên đất nước mình và thế giới đương đại.

Ở CHLB Đức trước đây (Tây Đức) cũng như ở nước Đức sau khi thống nhất có không ít nhà Việt Nam học, trong đó có những người giỏi tiếng Việt, nhưng hiếm có ai am hiểu văn học Việt Nam như GS Giesenfeld. Ông là người quan tâm nhất, tâm huyết và bền bỉ nhất  trong việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam với công chúng Đức và đạt được kết quả to lớn hơn cả. Năm 1998 GS Giesenfeld đã được nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và năm 2010 được Hội Nhà văn Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học Việt Nam.


Theo Trần Ngọc Quyên - ĐBND














Các bài mới
Các bài đã đăng