Tạp chí Sông Hương -
Phát ngôn&Hành động: Minh bạch chủ quyền và con tim lập lờ...
09:03 | 22/07/2011
Con tim minh bạch và tim đen lập lờ... chỉ là những câu chuyện xoay quanh con tim. Rất bé nhỏ, nhưng nó, hoặc có quyền quyết định tới sinh tử một dân tộc, hoặc xô đẩy đời người vấp ngã. Đó cũng là những lát cắt hỉ nộ ái ố mà Phát ngôn và hành động tuần này- mong được sự chia sẻ, đồng cảm của quý bạn đọc
Phát ngôn&Hành động: Minh bạch chủ quyền và con tim lập lờ...
Cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988

Con tim minh bạch....

Chủ quyền Biển Đông, sự dấn thân vì Tổ quốc của những người lính, của những ngư dân Việt Nam là thông điệp, là sự tri ân sâu sắc của cả xã hội chúng ta trong những ngày tháng 7 nóng bỏng này.

Đó là sự dấn thân của những con tim yêu nước và minh bạch.

Sự dấn thân đó được kế tục và kế thừa từ các bậc
 tiền nhân can đảm và kiêu hãnh trước kẻ xâm lược. Sứ thần Giang Văn Minh của Đại Việt đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh, năm 1638), từng cất lên khẩu khí: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"(Sông Đằng từ  xưa máu còn đỏ).

Khẩu khí đó nhắc nhở vua Minh Tư Tông (Hoàng đế Sùng Trinh) rằng, người Việt đã 3 lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, khi vua Minh ngạo mạn:
 "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"(Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ, tức Đại Việt - bị diệt vong).

Sứ thần Giang Văn Minh đã bị vua Minh hành hình dã man. Nhưng chí khí nước Việt và sự minh bạch của một con tim yêu nước còn thấm đẫm đến hậu sinh.

Minh bạch, và dấn thân như "sói biển" Mai Phụng Lưu, thuyền trưởng Lê Văn Chiến, thuyền trưởng Nguyễn Thừa... cùng hàng nghìn ngư dân, kiên cường tấc biển, tấc vàng. Như "Những ngôi mộ gió ở Bình Châu" (Thanh Niên, 21/7/2011), của những ngư dân đi Hoàng Sa và mãi không về.

Bỗng nhớ tới bức ảnh đã khiến người viết bài phải cay mắt. Bức ảnh chụp một ngôi mộ của một liệt sĩ, với dòng chú thích: "Nhớ nhà". Trên khắp dải chữ S này, có bao nhiêu ngôi mộ "nhớ nhà" như thế?

Minh bạch và dấn thân như những cán bộ, chiến sĩ những nhà giàn DK1- những cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông. 13 cán bộ, chiến sĩ trong số họ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Như 64 người chiến sĩ công binh Việt Nam, đã hy sinh trên bãi đá Gạc Ma trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988.

Nhân dân xin mãi biết ơn họ, những người lính Việt quả cảm đã nằm lại dưới biển xanh, để đất nước mãi trường tồn. Nhân dân cũng xin tri ân những đồng bào của mình, những ngư dân ở Hoàng Sa- Trường Sa. Họ mưu sinh, nhưng cũng là sự dấn thân để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ai đó đã nói rất ý nghĩa rằng, Biển Đông đã là một nghĩa trang đặc biệt. Nơi ấy, những người lính Việt, những ngư dân Việt đã trở về Đất Mẹ.

Và minh bạch, như con tim những nhạc sĩ trẻ Trần Lê Quỳnh, Tuấn Khanh, với khúc quân hành: "Tổ quốc gọi ta. Hoàng Sa- Trường Sa. Sẽ đến lúc chúng ta giành lại. Nổi sóng Biển Đông. Con cháu Tiên Rồng. Nàỳ người anh em nắm tay cùng tôi" (Này người anh em). Cùng nhiều ca khúc khác của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư, đập một nhịp những ngày tháng 7 sục sôi huyết quản.

Lịch sử dân tộc là lịch sử những cuộc chiến chống xâm lược phương tây, phương bắc. Giống nhau về mục đích bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, nhưng lại khác nhau bởi hoàn cảnh, và đặc điểm thời đại.

Nhưng trong họa lớn vẫn có phúc lớn.

Đó là Việt Nam có chính nghĩa, có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và quan trọng nhất- lòng dân Việt Nam luôn là bức tường vững chãi bảo vệ chủ quyền đất nước.

Và minh bạch chủ quyền

Ngày 20/7/2011, trên báo Đại Đoàn Kết đăng bài  "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam". Đây chính là Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng (lúc đó), ký ngày 14/9/1958.

Đây cũng chính là văn bản lâu nay Trung Quốc lấp lửng, biện minh cho cái gọi là Việt Nam công nhận chủ quyền của họ với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Phải nói, chính sự tung hỏa mù đó, đã khiến cho lòng người dân Việt Nam không ít phân vân, do không hiểu rõ nguồn cơn.

Nhưng thế giới phẳng, buộc mọi quốc gia, phải minh bạch chủ quyền của mình giữa thanh thiên bạch nhật, trên cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế. Khi có sự minh bạch, thì lòng dân sẽ tĩnh trí, biết cách ứng phó hơn. Và cũng phải thấy  được cái hoàn cảnh lịch sử quá đặc biệt chằng chéo nhau của sự ra đời Công hàm 1958.

Điểm 'mạnh" mà lâu nay Trung Quốc thường đem ra hù dọa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nếu soi kỹ lại chính là điểm "yếu"  nhất và thiếu cơ sở pháp lý nhất của họ.

Đó là
 "Công hàm 1958 không hề đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi theo Hiệp định Genève 1954, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại 2 quần đảo này theo luật pháp quốc tế".

...Và cũng bởi
 "Hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội..."

Rõ ràng, Công hàm 1958 cho thấy, VNDCCH  không thể công nhận, hoặc "cho" Trung Quốc cái mà VNDCCH chưa có quyền hạn quản lý.

Tại cuộc họp báo mới đây, trước phiên họp đầu tiên của Kỳ họp QH khóa XIII, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết, tại kỳ họp này, QH sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông: Làm thế nào để đảm bảo chủ quyền quốc gia, đảm bảo hoà bình để đất nước phát triển?

Con tim minh bạch gặp sự minh bạch?

Sự dấn thân sẽ gặp sự dấn thân?


Theo KỲ DUYÊN - Vietnamnet






































Các bài mới
Các bài đã đăng
Học từ di tích (20/07/2011)