Tạp chí Sông Hương -
Quanh chuyện Giải thưởng văn hóa-nghệ thuật - Cần xem lại quy trình, tiêu chí xét tặng
14:20 | 22/07/2011
Thời gian qua, dư luận ồn ào quanh việc đề cử và xét tặng đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Hôm qua, 21-7, bên lề kỳ họp Quốc hội, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Quanh chuyện Giải thưởng văn hóa-nghệ thuật - Cần xem lại quy trình, tiêu chí xét tặng
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

- Phóng viên: Ông có bình luận gì về việc năm nào việc đề cử và xét tặng đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước của giới văn nghệ sĩ cũng gặp phải những ồn ào, tranh cãi?

- Ông ĐÀO TRỌNG THI: Tôi cho rằng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nên rút kinh nghiệm của các lĩnh vực khác như KH-CN, giáo dục. Các lĩnh vực đó hàng năm họ đều tổ chức việc xét tặng các công trình, danh hiệu nhưng gần như không xảy ra những tranh cãi ồn ào như lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật.

Việc xét tặng các danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú chẳng hạn, không bao giờ xảy ra tranh cãi mặc dù danh hiệu đó của nghề giáo và lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật rất gần nhau, việc xét tặng đều tác động đến một bộ phận đông đảo những người làm nghề. Bộ VH-TT-DL nên rút kinh nghiệm và các cơ quan hữu quan cũng cần quan tâm xây dựng quy trình xét tặng, bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đề cử rõ ràng, lấy ý kiến rộng rãi và có sự đồng thuận cao của người trong giới. Khi đã có quy trình chuẩn, bộ tiêu chí chuẩn thì sẽ không còn những tranh cãi khi tiến hành xét tặng.

- Ông có cho rằng những tranh cãi đó là xuất phát từ việc “săn giải thưởng” như dư luận lo ngại?

- Nhiều người cho rằng giải thưởng là “xin - cho”. Theo tôi đây không phải là vấn đề “xin - cho”. Để xét tặng danh hiệu thì người muốn có danh hiệu nếu thấy mình xứng đáng phải làm bản đăng ký, có hồ sơ trình lên, trên cơ sở hồ sơ Hội đồng xét duyệt sẽ xét. Không thể nói thích ai thì trao cho người đó. Tôi thấy trong lĩnh vực giáo dục, khoa học họ đã làm như thế rất bài bản và không có tranh cãi nào. Nếu có nhiều tranh cãi trong việc xét tặng giải thưởng ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chứng tỏ quy trình còn có điều chưa phù hợp. Vậy thì Bộ VH-TT-DL phải xem lại, rút kinh nghiệm trong vấn đề quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí đề cử, không thể mỗi người một ý, xét đi xét lại.

- Việc Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở thuộc Hội Nhạc sĩ tiến hành bỏ phiếu lại và bổ sung thêm 6 nhạc sĩ trong danh sách đề cử xét tặng giải thưởng Nhà nước, trong đó có 5 nhạc sĩ vừa tiến hành khiếu nại. Điều này theo ông liệu có thuyết phục không vì chính các nhạc sĩ này cũng không thích việc tên mình bị gạt ra rồi lại đưa vào?

- Theo tôi, đã có quy trình, đã có tiêu chí, tiêu chuẩn thì cần công khai, ai đủ tiêu chuẩn thì được đưa vào. Ai đã không bảo đảm tiêu chí thì không thể đưa vào theo kiểu bổ sung. Càng không thể vì có khiếu nại mà đưa thêm vào danh sách bởi sẽ vi phạm nguyên tắc. Nhưng nếu khiếu nại là đúng, quy trình xét tuyển có vấn đề thì phải sửa. Nếu không sửa mà tự ý đưa ra đưa vào thì chắc chắn dẫn đến lộn xộn, không thuyết phục.

- Theo ông, cần làm gì để hạn chế việc tranh cãi hàng năm xung quanh việc xét tặng giải thưởng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?

- Tiêu chí xét tặng phải được xác định thống nhất từ trước. Cần xem xét lại quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí, cũng như cách thức tổ chức để thực hiện việc trao giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Theo Phan Thảo - SGGP







Các bài mới
Các bài đã đăng