Tạp chí Sông Hương -
“Hãy chăm sóc mẹ”, chừng nào còn có thể yêu thương
10:29 | 01/08/2011
Chủ đề chính của Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung Sook, Hàn Quốc) được nêu rõ ngay từ đầu, câu đề từ lấy lại lời nhạc sĩ thiên tài Franz Liszt: “Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương”.
“Hãy chăm sóc mẹ”, chừng nào còn có thể yêu thương
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

1. Về văn hóa Hàn Quốc ngày nay, chúng ta chủ yếu tiếp cận qua con đường phim ảnh, lẽ dĩ nhiên là không chỉ qua những bộ phim truyền hình nhiều tập thường là đẫm nước mắt và có nhiều chứng bệnh kỳ lạ mà còn cả điện ảnh cao cấp như phim của Kim Di Duk. Xem các tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc điều dễ thấy là một nội lực mạnh mẽ, óc sáng tạo đặc biệt và sự can đảm của các nhà làm phim trong việc đối mặt với những vấn đề cuộc sống.

Nhưng còn văn học Hàn Quốc thì sao?

Ngoài rất ít cuốn tiểu thuyết được dịch trong vài chục năm trở lại đây với nỗ lực của một số cá nhân đơn lẻ như dịch giả Nguyễn Hiến L, ta mới chỉ thấy lác đác vài bộ sách viết về lịch sử văn học Hàn Quốc, thường là chú trọng vào mảng tác phẩm cổ điển.

Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung Sook do Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch từ nguyên bản tiếng Hàn (Nhã Nam & NXB Hà Nội) mới phát hành là một bổ khuyết quan trọng cho vốn hiểu biết văn hóa Hàn Quốc của chúng ta.

Cùng thuộc khối “đồng văn” chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo nhưng trong khi văn hóa cũng như văn học Trung Quốc và Nhật Bản được quan tâm cao độ và được nhiều người dồn tâm sức nghiên cứu, thì ở Việt Nam văn hóa Hàn Quốc vẫn bị đối xử như với một nền văn hóa xa xôi, ít quan trọng. Điều này dĩ nhiên là không thỏa đáng đối với một nền văn hóa lâu đời và nhiều giá trị như vậy.

2. Shin Kyung Sook sinh năm 1963 là một trong những nhà văn Hàn Quốc nổi tiếng nhất hiện nay, bà nổi bật trên văn đàn Hàn Quốc ngay từ khi xuất hiện vào giữa thập kỷ 1980, sau một quãng đời khó nhọc (sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn, bà không được học hành đầy đủ mà phải sớm lên thủ đô Seoul bươn chải kiếm sống bằng nhiều công việc tay chân nặng nhọc). Quãng đời khó khăn ấy hẳn đã để lại dấu ấn trên giọng văn buồn bã, chua chát, nhưng hẳn nó cũng giúp bà có được cái nhìn sâu sắc vào tình cảm con người và chui sâu được vào trong đầu óc những người bình thường. Chủ đề chính của Hãy chăm sóc mẹ được nêu rõ ngay từ đầu, câu đề từ lấy lại lời nhạc sĩ thiên tài Franz Liszt: “Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể yêu thương”.

Mở đầu câu chuyện là sự kiện bà mẹ bị đi lạc ở một bến tàu điện ngầm, cả gia đình bấn loạn lên với tìm kiếm và viết thông báo tìm người lạc, khi nhân vật chính bỗng nhận ra khả năng văn chương của mình chẳng giúp ích được gì nhiều cho những công việc như thế này. Rồi trong quá trình tìm kiếm, mỗi đứa con của bà mẹ đi lạc lần tìm lại trong ký ức của mình các kỷ niệm về mẹ; cuộc tìm kiếm trong ký ức nhiều khi để lộ ra những bất ngờ đáng kinh ngạc...

Nhưng trên hết, bầu không khí của Hãy chăm sóc mẹ là bầu không khí của cảm xúc, những suy nghĩ đầy cảm động. Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng đoạn nhân vật chính đối diện với bức tượng Đức Mẹ và câu cuối cùng: “Hãy chăm sóc mẹ” được thốt ra như một điều hiển nhiên, khép lại những trang sách của một niềm cảm xúc sâu lắng, nhẹ nhàng nhưng đầy thấm thía.

Theo Hân Thư - TT&VH






Các bài mới
Các bài đã đăng