Tạp chí Sông Hương -
Không chỉ học sử trong nhà trường
14:23 | 02/08/2011
Học sử, tìm hiểu lịch sử, bổ sung kiến thức về lịch sử dân tộc mình, cũng như thế giới - có thể từ việc đi bảo tàng, xem phim ảnh… - chuyện không mới. Vấn đề là lịch sử được thể hiện thế nào trong, trên những sản phẩm văn hoá ấy… Và, để có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, cần có kỹ năng tiếp nhận, phân tích thông tin…
Không chỉ học sử trong nhà trường
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Tường trong vai thiền sư Vạn Hạnh - Ảnh: Hà Phương
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cũng là một cách học sử

Ngày 29.7, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TPHCM) tổ chức giao lưu “Những mối tình không thể chia ly” - một cuộc gặp gỡ, lắng nghe cảm động những câu chuyện tình yêu của những người từng tham gia phong trào HSSV Sài Gòn Gia Định, chiến sĩ tình báo.... - những đôi lứa giữ lòng son chờ đợi nhau, dù trải qua bao nghịch cảnh thời chiến. Bảo tàng TPHCM, cũng ngày 29.7, trong khuôn viên rất đẹp của mình, trưng bày ngoài trời bộ ảnh “Sài Gòn xưa”. Trước đó, tháng 6, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức hai hoạt động ý nghĩa: “Món ăn thời kháng chiến” và “Ông, bà, cháu với bảo tàng” - những người từng tham gia kháng chiến kể cho con cháu nghe về những năm tháng họ chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Hơn tháng nay, Báo Tuổi Trẻ TPHCM tổ chức một phong trào ý nghĩa: “Góp đá vì Trường Sa”. Tuần qua, nhân kỷ niệm ngày 27.7, nhiều báo đưa loạt bài về những chiến sĩ hải quân hy sinh bảo vệ Trường Sa trong năm 1988. Những ngày cuối tháng 7.2011, VTV, HTV đều phát sóng phim tài liệu về những cán bộ, chiến sĩ tham gia Đoàn tàu không số. HTV đang phát sóng phim “Cuộc vượt ngục thần kỳ” về cựu tù Côn Đảo. VTV tiếp tục phát sóng phim “Huyền sử thiên đô”.

Tại Hà Nội, từ giữa tháng 7, một số nghệ sĩ, diễn viên mở lớp đào tạo diễn viên đóng phim cổ trang. Lịch sử hiển hiện ở những hoạt động trên. Trong số những người đi bảo tàng dự các cuộc giao lưu, xem phim, bình phim qua mạng, có nhiều các bạn trẻ...

Đặt một giả định, có những bạn trẻ tích cực tham gia các hoạt động trên, nhưng lại đạt điểm kém môn thi lịch sử trong kỳ thì đại học mới đây. Rõ ràng, chuyện thi cử và tham gia hoạt động (tạm gọi) ngoại khóa là khác nhau. Nhưng có thể nói bạn trẻ đó không biết, vô tâm với lịch sử không?

Kỹ năng tiếp nhận và phân tích

Ngày 31.7, tại “Ngày hội sử học 2011” do Hội Khoa học lịch sử TPHCM tổ chức, trong bài phát biểu “Thi tuyển sinh đại học và môn lịch sử trong thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam ngày nay”, PGS-TS Hà Minh Hồng - Uỷ viên BCH Hội Khoa học lịch sử TPHCM, Trưởng khoa Sử - ĐH KHXHNV - ĐHQG TPHCM - đã đề xuất: “...Đưa môn sử trở lại đúng vị trí cần thiết của nó là khoa học chuyên ngành và liên ngành. Đó là sự tiếp tục trên cơ sở nền kiến thức về lịch sử bậc phổ thông đã đạt mức cơ bản.

Thế nào là cơ bản ? Từ năm 1942 mở đầu “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ đã viết: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Làm sao để tường ? Phải: Bố trí lại chương trình; sách giáo khoa phải điều chỉnh lại; phải coi quốc văn - quốc sử - quốc đồ là 3 trong 9 môn học chính thức trong chương trình phổ thông...” .

Xung quanh kết quả thi môn sử trong kỳ thi đại học vừa qua, mấy ngày nay, rất nhiều bàn luận, góp ý, phê phán, lo lắng... về việc dạy sử từ chuyện dạy sử không nên chỉ cung cấp những con số khô khan, lan sang việc lớn hơn là đề nghị các vấn đề lịch sử nên được đưa “hai chiều”...

Những nỗi lo lắng đó cũng hợp lý. Nếu đọc kỹ, trong một số cách đề nghị đổi mới cách cung cấp kiến thức lịch sử (trong nhà trường), lại thấy một biểu hiện thực ra là “(tôi) muốn người khác tiếp thu sự kiện (lịch sử) theo ý mình hiểu, theo cách mình muốn”. Về nguyên tắc, bất cứ một quốc gia nào cũng có những bí mật chỉ có thể công khai sau những thời gian nhất định, ngoài chuyện bí mật quốc gia, đó còn là chuyện thể diện quốc gia, tới một thời điểm nào đó. Hơn thế, thời buổi thông tin như hiện nay, rất nhiều vấn đề, trong đó có lịch sử, chỉ cần vào mạng Internet, đã có thể nhận được nhiều thông tin...

Đổi mới phương pháp học - dạy sử, thiết nghĩ, làm sao cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để có thể “học nhanh, nhớ lâu, hiểu đúng bản chất vấn đề”, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa, tự tìm thêm thông tin...

Có ý kiến cho rằng, một trong những cách để học sinh thích học môn sử là trình bày sử theo hướng câu chuyện có nhân vật. Hình thức này, cũng như việc xây dựng các hình tượng lịch sử (văn chương hóa) cũng dễ tạo “bẫy” đối với người tiếp nhận câu chuyện-bị động, “ngả” theo quan điểm riêng của một cá nhân hay một nhóm người gây dựng hình tượng lịch sử.

Ký ức về những thời đoạn đã qua của các nhân chứng lịch sử (hãy còn sống) qua năm tháng nhiều khi còn chập chờn, nói chi những giai đoạn còn ít , “trắng” thông tin. Kiến thức có thể được bổ túc qua sản phẩm văn hóa, phim ảnh? Còn nhớ, giới thiệu về việc làm phim về nhân vật Lý Công Uẩn, những người tham gia làm phim truyền hình (biên kịch Văn Lê, Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn...) có cho biết, nhìn chung tư liệu sử học về thời kỳ này không còn nhiều, chẳng hạn “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chỉ vài dòng ngắn gọn... Họ - những người làm phim - cũng nói rõ, dựa trên hồn cốt có sẵn của lịch sử, họ làm phim theo quan điểm của họ nhìn nhận về một giai đoạn lịch sử...

Cách nay vài năm, một công ty truyền thông có đưa ra sáng kiến, nhân những sự kiện lịch sử trong năm, giới thiệu về những sự kiện ấy, treo trên những băngrôn treo ngoài phố. Cách làm này cũng mang lại chút hiệu quả, nhưng sau đó kiến thức đưa trên băngrôn cũng có sai sót. Như vậy, tiếp nhận kiến thức lịch sử cơ bản, tự tìm hiểu và thông qua các sản phẩm văn hóa, từ phim ảnh tới các sản phẩm gốm sứ, văn hoa in trên vải áo dài... nhưng những kiến thức ấy đều phải được đưa cẩn thận, chính xác ở mức cao nhất, càng sát sự thật bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Và người tiếp nhận, cũng nên hiểu, nhìn theo cách đó là chỉ gợi ý - những gợi mở kích thích tự đi tìm hiểu sâu thêm vấn đề. Và như thế, đây là vấn đề kỹ năng sống, tự học, tự tìm hiểu tra cứu và tự phân tích thông tin với những suy nghĩ độc lập trước một sự kiện. Lại quay về với xuất phát điểm ban đầu vô cùng quan trọng của đời người là-giáo dục của gia đình và giáo dục ở trường những năm đầu tiên...

Theo Thuỳ Ân - LĐ








Các bài mới
Các bài đã đăng