Tạp chí Sông Hương -
"Duyệt binh" - Một bài thơ độc đáo của nhà thơ Chính Hữu
09:47 | 03/08/2011
Chính Hữu là một “vị tướng” cầm đạo quân chữ nghĩa tài ba. Ông biết nguyên lý: Quân không cần nhiều, chỉ cần tinh nhuệ và được điều khiển bởi người tài giỏi.
Nữ chiến sĩ Binh chủng Thông tin - liên lạc duyệt binh- Internet

Thơ viết trong và liền sau cuộc kháng chiến chống Pháp thường nghiêng về phía tình cảm: Tố Hữu, Quang Dũng, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung... đều như vậy. Có lẽ đó cũng là thần thái chung của cả một dân tộc trong những ngày trăng mật của cách mạng, khi những tình cảm tự nhiên của con người vừa được giải phóng liền bột phát cất lên, vô tư, hồn nhiên, chưa kịp lắng lại để suy tư, nghiền ngẫm. Tuy nhiên, ít ra có hai nhà thơ trong số họ đã sớm đặt chân sang mảnh đất thứ hai này - đó là Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu. Trong bài này ta hãy thử tìm hiểu đôi nét về đặc thù "không chỉ duy cảm mà còn duy lý" trong thơ của một trong hai ông-nhà thơ Chính Hữu và cũng chỉ cần qua một bài: Duyệt binh.

Duyệt binh là hành vi có tính nghi thức, nhằm biểu dương sức mạnh toàn diện của một đạo quân, một lực lượng. Vẻ hùng tráng và hoành tráng của con người và vũ khí, nhất là con người, với những dáng dấp mạnh mẽ, oai phong đủ gây ra những ấn tượng mạnh cho người xem. Giá như một nhà thơ khác, chỉ cần chú mục vào miêu tả vẻ đẹp oai hùng ấy để mà run rẩy, mà ngợi ca thì cũng đã ra một bài thơ chẳng đến nỗi nào-mà thông thường thời ấy người ta vẫn làm như vậy. Chính Hữu không đi theo con đường quen thuộc, tầm suy nghĩ sâu sắc, tài nắm bắt bản chất của hiện tượng qua những chi tiết ngỡ như không đâu đã giúp ông “chộp” được một tứ thơ tuyệt vời, mà nếu táo gan tôi có thể đoán là ông phải sướng run lên khi phát hiện ra nó: Mô tả vẻ đẹp của một cuộc duyệt binh trong đó hình ảnh bước chân đi đều tăm tắp vốn chiếm vị trí then chốt mà lại thông qua một bàn chân đã mất của người thương binh đang chống nạng đứng trong đám người xem vô danh! Ngay cả một người không có tài lắm mà vớ được tứ thơ này chắc rồi cũng xoay xỏa ra một cái gì đó kha khá, vì bản thân ý tưởng đã rất độc đáo. Nhưng với một tài năng vốn thâm hậu, có thừa trí lực và bản lĩnh làm chủ ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu, lại nổi danh riết róng và chặt chẽ đến điều như nhà thơ Chính Hữu thì bài thơ dễ thường đã đạt đến độ toàn bích.

Trước hết, con người kỹ tính này đã không chịu bỏ sót một ý tưởng nhỏ nào mà tứ thơ cho phép: Những bàn chân đang nện bước vang lừng trên mặt Quảng trường kia sẽ chẳng là gì nếu không để tượng trưng cho vô số những bàn chân vô hình đã làm nên sức mạnh chiến thắng của cuộc trường chinh của dân tộc, mà tiêu biểu cho những bàn chân đã làm nên chiến thắng ấy lại không có gì khác hơn là những hy sinh vô giá - những bàn chân, hay nói rộng ra, những phần thân thể đã được hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, được:

Gửi làm hoa lá cỏ cây

trên mảnh đất này
 

Té ra, người anh hùng thực sự của cuộc duyệt binh kia lại chính là người thương binh đang đóng vai một khán giả vô danh khuất lấp bên lề đường và tiếng rầm rập của cuộc duyệt binh hùng tráng cũng chẳng có gì khác hơn là tiếng dội của những “tiếng bước của bàn chân đã mất” - thứ âm thanh mà phải là những người trong cuộc mới đủ sức nghe ra:

Bàn chân
mười năm
hành quân


từ câu thơ bị ngắt thành những nhịp ngắn, đều đặn như nhịp bước - như từng nhịp bước nhỏ nhoi, ngắn ngủi nhưng nối lại đã thành ra con đường trường chinh vạn dặm với những địa danh hun hút, xa xôi:

Thăm thẳm Chiềng Lề, Khâu Vác, Pha Đin...
Đâu quê hương là bàn chân bước đến.


Tiếp đó, tác giả cũng không quên cái ý này - chiến công của những bàn chân ấy không chỉ làm nên một quá khứ hào hùng mà còn quan trọng hơn, nó mở ra một hiện tại và một tương lai xán lạn:

Với những anh hùng hôm qua chân đất
Cả nước hành quân theo xe đại bác.


Vậy là, đâu chỉ có người thương binh nghe ra “tiếng bước chân mình - tiếng bước của bàn chân đã mất”, mà cùng với anh, cả nhà thơ, cả bạn đọc chúng ta đều cảm nghe được âm thanh âm thầm nhưng dữ dội và thiêng liêng ấy. Và sự cảm thông sâu thẳm đã làm cho tất cả bức tranh hoành tráng trước mắt chợt khoác một màu huyền thoại: Cuộc duyệt binh của con người và vũ khí vốn cũng chỉ là cảnh trí hữu hạn trước mắt bỗng thành ra “mười lăm năm lịch sử/đang xếp thành đội ngũ/đi đều”, nó khiến ta:

Hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay
hiểu được
vì sao những lá cờ bay
theo nhịp bước

vì sao những chân đi làm rơi nước mắt.

Lối triết lý bật lên từ đời sống cụ thể không hề gây cho ta cảm giác khô khan, bởi đó là thứ tư tưởng đầy sức nặng thuyết phục, chính xác và có sức khám phá. Trước mắt ta, hình ảnh của một cuộc duyệt binh vốn là một hành động có tính hình thức bỗng mang một chiều sâu tâm hồn thăm thẳm, nó khiến ta cảm động đến rơi nước mắt khi nghe tác giả đóng lại bài thơ bằng hai câu dưới dạng mệnh lệnh thức sang sảng như tiếng kèn đồng trước giờ xuất quân hùng tráng:

Này nghe: Mười lăm năm hùng vĩ tiến trên đường
Gió núi mưa ngàn những đêm hành quân.


Chính Hữu là một “vị tướng” cầm đạo quân chữ nghĩa tài ba. Ông biết nguyên lý: Quân không cần nhiều, chỉ cần tinh nhuệ và được điều khiển bởi người tài giỏi. Chỉ trong một bài như bài thơ này, ta thấy ông cùng lúc đã làm được hai việc: Vừa tiết kiệm từ ngữ đến cùng, quyết không cho một con chữ vô bổ lọt vào; vừa sắp đặt các con chữ vào những đội hình tối ưu - lúc chi tiết tỉ mỉ, lúc ôm trùm và bay bổng, lúc thiết tha tình cảm hay khi suy tư triết lý, tất cả đều bật lên từ những nội lực to lớn và do vậy, mạch thơ đi dài ngắn, mạnh nhẹ, đẩy đưa muôn hình vạn trạng như là để thách thức người đọc, người nghe về khả năng cảm thụ thơ của họ đã đạt đến cấp độ nào. Quả thật, có thể coi Chính Hữu là một trong những nhà thơ có những cách tân thành công nhất của thơ ca sau Cách mạng. Trong khát vọng đổi mới thơ ca hôm nay, tấm gương của ông rất đáng cho chúng ta suy ngẫm.


Theo Nhà thơ Anh Ngọc - Vannghequandoi    















Các bài mới
Các bài đã đăng