Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn trẻ và những cuộc chạy đua ngầm
15:54 | 03/08/2011
Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 chỉ còn hơn tháng nữa sẽ diễn ra. Việc Hội Nhà văn Việt Nam chưa công bố thông tin về danh sách những người tham dự cho báo giới thể hiện sự cân nhắc cẩn trọng, tránh những ồn ào đáng tiếc... nhưng hình như lại càng khiến dư luận quan tâm hơn?
Nhà văn trẻ và những cuộc chạy đua ngầm
Minh họa - Internet
Ẩn số đại biểu

Trước khi Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 3 vào cuối tháng 5. Dù thông tin về Hội nghị văn trẻ của thành phố phương Nam này được đưa ra ngay sau Ban chấp hành mới nhận nhiệm vụ cùng với nhiều cuộc họp bàn về cách thức tổ chức Hội nghị cũng được đưa ra sau đó. Thế nhưng, cũng phải gần đến thời điểm cuối thì danh sách đại biểu mới được công bố. Quan sát tinh ý có thể nhận ra, ban đầu, trên website của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đưa ra danh sách 70 đại biểu và khách mời tham dự, nhưng chỉ vài hôm sau, danh sách đó đã có một chút thay đổi ở đại biểu chuyên ngành thơ, văn xuôi và văn học dịch khiến tổng số đại biểu xê dịch ở con số 72. Vì vừa tổ chức xong Hội nghị cộng với một trại sáng tác trẻ mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh là nơi công bố rộng rãi danh sách giới thiệu đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc sớm nhất với tổng số 18 người, trong đó 15 đại biểu và 3 khách mời.

Tuy nhiên, thông tin mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí  Minh công bố, theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà - trưởng ban nhà văn trẻ thì đó chỉ là danh sách giới thiệu của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chứ chưa phải là danh sách chính thức đã được Hội Nhà văn Việt Nam duyệt. Điều này đồng nghĩa, 15 đại biểu mà Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu chỉ là một kênh tham khảo, cân nhắc cho Hội Nhà văn Việt Nam. Con số đại biểu có thể giữ nguyên 15 hoặc tăng lên hay giảm đi cụ thể thế nào phải do Hội Nhà văn Việt Nam quyết định và hiện giờ vẫn chưa có.

Riêng Hội Nhà văn Hà Nội, qua trao đổi ngắn với chủ tịch Hội - nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên thì được biết, Hội đã gửi danh sách giới thiệu đại biểu lên Hội Nhà văn Việt Nam với số lượng tương đương Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Hà Nội là một hội đặc thù, vừa có tính thủ đô, vừa có tính toàn quốc. Có nhà văn vừa nằm trong sự giới thiệu của Hội Nhà văn Hà Nội, lại vừa được Ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp giới thiệu như trường hợp của Cao Việt Dũng và một số nhà văn khác. Sau khi xếp riêng những nhà văn bị “trùng” sự giới thiệu của Ban văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, thì Hội Nhà văn Hà Nội còn lại danh sách giới thiệu là … 2 đại biểu (Trần Hoàng Thiên Kim và Bế Kim Loan).

Khu vực Hà Nội còn được nhắc đến khoa Viết văn thuộc trường Đại học văn hoá với khoảng 60 học viên đang theo học. Và dù gì thì vẫn có thể coi đây là ngôi trường gần như quy tụ những gương mặt trẻ triển vọng của các địa phương lại đều nằm trong diện… đủ tuổi tham dự Hội nghị - dưới 35 tuổi, nhưng chỉ 4 gương mặt được giới thiệu. Khi được hỏi, vậy số học viên đang theo học trong trường được giới thiệu theo khối Hà Nội, trường học hay được đưa về địa phương thì Nhà văn Văn Giá - chủ nhiệm khoa cho biết là khoa có công văn và được giới thiệu trực tiếp lên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng không rõ Hội Nhà văn sẽ xếp họ vào diện nào. Tuy có 4 gương mặt được giới thiệu nhưng rất có thể chỉ có 2 gương mặt được chọn chính thức. Kết quả cuối cùng thế nào thì vẫn phải chờ từ Hội Nhà văn Việt Nam.

Khoa Viết văn ban đầu cũng được phía Hội Nhà văn Hà Nội dự định lựa chọn nhân sự - như cách làm của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Và nếu dự định này được thực hiện thì số lượng chắc chắn nhiều hơn con số 4 mà khoa đã giới thiệu lên Hội Nhà văn. Tuy nhiên, Hội Nhà văn Hà Nội đã thay đổi cách thức lựa chọn nhân sự, là chỉ lấy Hội viên chứ không lấy những cây bút trẻ ngoài Hội nên đối tượng học viên của khoa Viết văn nằm ngoài chỉ tiêu. Có hai cây bút trẻ là Hồng Thuỷ Tiên (Kon Tum) và Quyên Quyên (Ninh Bình) đang là sinh viên của trường nhưng cũng là Hội viên của địa phương (đã có thành tích) là trường hợp đáng tiếc. Khi Hội Nhà văn Hà Nội đề xuất vấn đề nhân sự tham dự Hội nghị với trường, thì nhà văn Văn Giá tin chắc toàn khoa được khoảng từ 6 -10 người và sẽ có hai cây bút trẻ trên. Do vậy Hội văn học của Kon Tum và Ninh Bình đã để hai học viên này cho trường giới thiệu và giới thiệu nhân sự khác của địa phương lên Hội Nhà văn. Việc Hội Nhà văn Hà Nội thay đổi lựa chọn nhân sự và Hội Nhà văn Việt Nam thì hạn chế số lượng khiến sự góp mặt của khoa Viết văn trong Hội nghị văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 thưa thớt một cách ngạc nhiên. Có chăng, sự thay đổi số lượng trong phút cuối chỉ trông chờ vào hai trường hợp đáng tiếc trên thuộc dạng “ưu tiên” địa phương vùng sâu vùng xa!.

Quay trở lại với Hội Nhà văn Hà Nội để bàn thêm về tiêu chí chọn nhân sự, có cứng nhắc quá không khi nhất thiết phải là Hội viên - Hội viên dưới 35 tuổi? Với đặc thù của thủ đô mà không ít cá nhân vừa là lựa chọn của Hội địa phương vừa là lựa chọn của Hội trung ương thì Hội Nhà văn Hà Nội chỉ có thể dừng lại ở con số 2 cho vấn đề nhân sự? Nhìn sang Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh thì thấy, Hội đã chọn cả đối tượng sinh viên, các cây bút trẻ chưa phải Hội viên là đại biểu tham dự Hội nghị.

Tất nhiên mọi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Hội Nhà văn Việt Nam. Mọi phán xét, bình luận, khen chê chỉ có khi danh sách nhân sự được công khai. Thế nhưng, sự quan tâm của công chúng hướng về Hội nghị thời điểm này là có lý do và không hề sớm, bởi đây đã là lần tổ chức thứ 8 sau 5 năm mới có.


Và … danh hiệu Nhà văn trẻ!

Như trên đã nói, dù không có chuyện bầu bán với chức tước bổng lộc trong văn chương, nhưng tại sao vấn đề nhân sự của Hội nghị những người viết văn trẻ luôn là tâm điểm chú ý của công chúng?

Trong bài phỏng vấn gần đây trên báo Tổ Quốc, ba gương mặt trẻ là Trương Anh Quốc, Đoàn Văn Mật và Nguyễn Quang Hưng khi nói về mong muốn Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc sắp diễn ra đem đến điều gì cho văn học trẻ và bản thân thì đa phần câu trả lời là dịp để gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu… và không tham vọng điều lớn lao như một phép nhiệm màu đến với văn học trẻ thay vì nỗ lực tự thân đã được mặc định từ xưa đến nay trong lao động viết văn. Nói thế không có nghĩa là các cây bút trẻ của chúng ta thiếu không gian giao lưu gặp gỡ văn chương mà họ đã ý thức và chừng mực được những gì một Hội nghị văn trẻ mang lại.

Một cây bút trẻ có tên tham dự Hội nghị đồng nghĩa với việc họ được hưởng những quyền lợi vật chất trong vài ngày. Nhưng sự háo hức không phải chỉ đơn giản bởi được chu toàn chỗ ăn ở trong một chuyến đi xa, vì như thế thì tất cả những ai có điều kiện đều thực hiện được chứ không phải chờ đợi 5 năm.

Có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất khiến chiếc vé tham dự Hội nghị văn trẻ có giá chính là được khoác danh hiệu… Nhà văn trẻ!.

Các cây bút trẻ sau vài năm miệt mài theo đuổi con đường văn chương với lưng vốn một vài đầu sách, một vài giải thưởng… đâu đó có những lời khen ngất ngưởng và cũng không thiếu lời chê. Đánh giá cùng một tác phẩm, một giải thưởng nảy sinh những đối lập khiến những cây bút trẻ hoang mang. Lập trường vững và biết mình đang ở đâu thì họ không nao núng và dần tìm lối đi cho mình, ngược lại thì rơi vào cảnh “đẽo cày giữa đường” hoặc lao vào những cuộc tranh luận không đầu không cuối với lý lẽ bảo vệ còn non nớt. Vì thế, nếu như được có mặt tham dự Hội nghị có thể coi là sự công nhận (dù ở mức độ nào đó) thành quả đầu tiên, một bước gặt hái đầu tiên những gì mà các cây bút trẻ đã và đang có được. Sự ghi nhận này là một thứ “lửa” đem lại hào hứng, nhiệt huyết rất cần thiết cho những người trẻ cầm bút dấn thân vào con đường viết văn đầy thử thách.

Trong vài năm gần đây, Ban Nhà văn trẻ đã phát hiện và giới thiệu được một số cây bút trẻ có triển vọng. Với chuyên môn, sự năng động và kinh nghiệm họ đã tạo ra uy tín nghề nghiệp với các cây bút trẻ. Nên việc được chọn tham dự Hội nghị văn trẻ không chỉ là sự công nhận mà là cánh cửa để các cây bút trẻ mang trong mình danh hiệu Nhà văn trẻ. Nhiều người đã mặc định danh hiệu Nhà văn trẻ cho những ai có mặt tham dự Hội nghị văn trẻ. Một danh hiệu ngắn ngủi, không cần phải chờ đến kết nạp và sẽ tự mất đi theo thời gian. Vì khi trở thành nhà văn thực thụ sẽ không còn chữ trẻ và ngược lại chẳng ai muốn cả đời đứng trong hàng ngũ Nhà văn trẻ.

Nhà thơ Văn Công Hùng khi nói về “Văn trẻ - một thời không quên” đã có một quan sát khá thú vị: “Chả thể mà khối người ghi vào lý lịch đã đành, còn ghi lên cả bìa 4 của sách khi in: Là đại biểu hội nghị nhà văn trẻ năm..., hoặc: Đã dự hội nghị những người viết văn trẻ..., như một thương hiệu, một cái mốc trên con đường sáng tác vất vả nhọc nhằn của mình”  thể hiện phần nào sức hấp dẫn của Hội nghị những người viết văn văn trẻ.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà trong bài trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ có nói: "Tôi nghĩ đã là người viết thì ai cũng có tự trọng. Hội nghị toàn quốc có đại diện của 63 tỉnh thành, và chỉ được giới hạn số lượng đại biểu nên sẽ có trường hợp người đi dự, người không đi dự. Người này không đi thì sẽ mở ra cơ hội cho người khác, đều là bạn bè văn chương của mình cả. Hơn nữa, cái còn lại của người viết là tác phẩm chứ đâu có phải là số lần dự Hội nghị. Nếu có bị sót hay phải nhường, tôi tin các tác giả trẻ có năng lực, có bản lĩnh và ý chí sẽ không bao giờ có biểu hiện tiêu cực".  Đó là mong muốn chính đáng không chỉ của riêng nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Tuy nhiên dù có cầm bút, họ vẫn là những người trẻ, sẽ không tránh khỏi nôn nóng, bốc đồng, sẽ không loại trừ cuộc chạy đua ngầm… Tất cả điều này có xảy ra hay không, hoặc xảy ra ở mức độ nào đòi hỏi sự công bằng cũng như cách giải quyết của những người đứng mũi chịu sào.


Theo Hiền Nguyễn - Vanhocquenha





















Các bài mới
Các bài đã đăng