Tạp chí Sông Hương -
Cuộc đời bà Cầu qua lời Xẩm đỏ
14:17 | 08/08/2011
Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.
Cuộc đời bà Cầu qua lời Xẩm đỏ

Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.

Không lời bình, không dẫn dắt, toàn bộ phim là những bài bà Cầu hát cùng một vài bộc bạch của bà với đạo diễn. Không màu mè, không cách điệu. Thời gian không được nhắc đến nhưng người xem có thể cảm nhận được thông qua con đường về Yên Mô, từ khi nó còn là đường đất bụi mù mịt, rồi rải sỏi, rồi tráng nhựa. Hoặc từ khi tiếng nhị của bà Cầu còn réo rắt, có lúc nghịch ngợm và cuối cùng là sầu não, xế chiều. Toàn bộ cuộc đời bà Cầu đã được lồng ghép trong những lời hát của bộ phim Xẩm đỏ.

Bà hát những chuyện ngược đời:
 Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba. Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông. Người nằm xuống để cho lợn cạo lông. Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi. Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười. Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao. Lươn nằm để cho ống bò vào. Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô. Thóc giống đương giữ chuột trong bồ. Lòng đong, cân cấn để mổ cò xôn xao. Thớt kia mày định nghiến con dao. Một đàn con cóc chực đớp ông sao giời trên giời.

Trở thành vợ lẽ của ông trùm Mậu. Lang thang rày đây mai đó. Nghiện rượu. Bà Cầu không một lời oán thán, nhưng tiếng hát của bà cất lên thì:
 Ðau đớn thay chút phận đàn bà. Vất vả xa gần, ai vò mà rối, ai giần mà đau. Một mình đứng tủi ngồi sầu, than thân, trách phận bạc rầu với hoa.

16 tuổi lấy chồng, 17 tuổi sinh con, liền tù tì bảy lần sinh, còn lại được ba người, đói quá đành cho đi một:Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai. Âm dương nhị khí để nào ai biết gì. Nơi trong lòng thì con ơi mẹ chịu sầu bi. Trong lòng con ơi mẹ chịu sầu bi. Mẹ thời cay đắng, vất vả, mẹ thời héo hon, bữa cơm ăn không biết miếng ngon. Con ơi lòng mẹ chua xót về con đêm ngày.

Chợ Yên Mô, một ngày sau mưa. Chiếu xẩm của bà Cầu đặt giữa chợ. 10 năm? 20 năm, 30 năm? Người dân Yên Mô mới thấy lại hình ảnh ấy. Bà Cầu miệng hát, chân dập phách, tay kéo nhị, những lời hát nỉ non: Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo, đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa. Vợ lìa chồng, con phải xa cha. Bơ vơ nào biết có nhà là đâu. Biển trời con ơi ảm đạm một màu. Biển với trời ảm đạm một màu. Cha con bồng bế bước mau, ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương, lạc loài đất khách khói sương quê người. Kể ra càng cay đắng xót xa...

Xung quanh chiếu xẩm, người ta xúm đen xúm đỏ, một phụ nữ luống tuổi nhớ lại: “Hay lắm, tối 30 hai ông bà hát ở cổng đình kia kìa, trải cái chiếu rồi ngồi hát. Bà thì gõ phách, ông thì hát”.

Những người từng chứng kiến mà mê giọng hát xẩm của bà Cầu đều còn nhớ rất rõ hình ảnh gia đình hát xẩm ấy đã từng sinh sống, đã từng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của những người dân nông thôn.

Trở về từ chiếu xẩm ở chợ, bà Cầu thẫn thờ nhìn ra con đường trước cửa. Cuộc đời bà, cũng như những lời xẩm. Cũng đã xế chiều: “Ai muốn học thì tôi đều muốn dạy cho. Tôi chết thì cũng mang đi, nhưng dạy được cho mấy cô, học xong các cô ấy lên tỉnh”.

Lên tỉnh. Vừa hay lúc đó có chiếc xe phát tờ rơi một chương trình ca nhạc tạp kỹ tại nhà văn hóa. Người đi trên chiếc xe ấy không biết, những người dân đi nhặt tờ rơi quảng cáo cũng không để ý, bóng bà Cầu héo hắt, nhỏ bé, lẻ loi sau đám bụi đường.

Xẩm đã gắn bó với cả cuộc đời bà Cầu. Và rồi tiếng hát ấy, tiếng nhị vô tiền khoáng hậu ấy vẫn ai oán trong khi những hình ảnh cuối cùng khép lại:
 Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Ðã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Ðời người mấy lúc.

Những câu hát buồn đến thế, đa đoan đến thế, như chính cuộc đời bà nay đã ở tuổi 94: Vất vả gian truân, trời cao vất vả gian truân. Ðời người mấy lúc, đời người mấy lúc gian truân mà già.


Theo HOÀNG ĐIỆP - TTO










Các bài mới
Các bài đã đăng