Tạp chí Sông Hương -
Tranh chép có tội hay không?
14:36 | 08/08/2011
Người bình thường muốn sở hữu tranh của Dali, Van Gogh… thì chỉ có mua tranh chép chứ các tỉ phú hàng đầu thế giới mới có đủ tiền để treo tranh thật của các danh họa.
Tranh chép có tội hay không?

Nhu cầu tất yếu của thị trường

Phải khẳng định ngay rằng tranh chép không hề có tội mà là một nhu cầu tất yếu của thị trường. Vì, các tỉ phú đủ tiền treo tranh thật của danh họa thì rất ít. Hơn nữa, số lượng tranh thật có hạn mà các tài năng đã khuất núi lâu rồi nên không thể nào dựng họ sống lại để làm ra tranh thật.

Ngay chính các họa sĩ đương thời, cũng nhiều khi phải dùng biện pháp “chép” lại tranh của mình, để thỏa mãn nhu cầu và sự yêu mến của người mua tranh dành cho một bức tranh cụ thể nào đó. Rất khó để có thể khăng khăng mỗi sáng tạo hội họa chỉ là ‘độc bản’ để đảm bảo tính chất thủ công.

Tranh của danh họa Sanvador Dali


Trên thế giới, có những họa sĩ cực tài giỏi và nổi tiếng chỉ sống bằng nghề chép tranh, có điều, ở nước ngoài, khung luật pháp có những quy định rất rõ về bản quyền, cho nên tranh chép thì phải ghi rõ là tác phẩm chép chứ không mập mờ đánh lận con đen, họa sĩ vẫn còn sống sờ sờ nhưng lại bị “hút máu” bằng cách cứ ngang nhiên sản xuất tranh giả mang tên tuổi họ và bán ra đầy thị trường.

Người mua tranh cần phân biệt rõ, các sản phẩm “ăn cắp” chất xám kiểu này phải gọi tên là tranh giả, tranh nhái.

Rình mò “hút máu” họa sĩ

Khách hàng mua tranh của các danh họa Việt Nam - nhất là tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái - không sao tránh khỏi nỗi lo mắc lỡm - mua phải đồ dởm. Gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái nhiều phen buộc phải đứng ra làm giám định viên bất đắc dĩ để có thể nhận biết được tranh thật, và phải cấp một chứng nhận tranh thật cho mỗi tác phẩm của danh họa.

"Thiếu nữ bên hoa huệ" của danh họa Tô Ngọc Vân đã bị làm giả rất nhiều


Tất cả các họa sĩ Việt như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đinh Quân, Mai Anh, Đào Hải Phong… đều phải đau đầu vì chẳng biết làm sao với tình trạng lộn xộn và ý thức kém cỏi về bản quyền của người Việt: họa sĩ còn sống sờ sờ mà cứ vừa ra bức nào mới là ngay lập tức bị nhái ngay. Khi tranh giả bán đầy thị trường thì chắc chắn những người buôn có lợi, và vì hám lợi nên người buôn cứ tổ chức sản xuất tranh giả, người mua thì mù mờ nên chẳng thể phân biệt nổi thật giả.

Ở Việt Nam, hiện tại vẫn chưa có những chuyên gia giám định nghệ thuật được đào tạo chính qui để làm cơ sở cho công chúng. Mà thậm chí, vượt lên trên tình trạng đau lòng ấy, là nhiều trường hợp biết rõ là tranh giả, tranh nhái, nhưng người mua thiếu ý thức đến nỗi cứ “hồn nhiên” mua về treo, còn “vô tư” hỉ hả giới thiệu với khách đến chơi là mới mua được bức tranh giả, nhái tác phẩm của Thành Chương, Đinh Quân… để “chơi”; vì đối với họ, cứ na ná như nhau là được rồi, mua tranh thật (kể cả là chép thật) thì tiền đâu mà chi nổi?

Những góc phố đã rất nổi tiếng của danh họa Bùi Xuân Phái


Chẳng cứ gì các tên tuổi đình đám của làng mỹ thuật Việt mà thương hiệu đã vượt qua biên giới khiến các nhà buôn tranh chú ý bám sát và tham lam “ăn cắp” chất xám của họ, mà ngay cả các họa sĩ trẻ cũng hết sức lo sợ khi hễ cứ ý tưởng nào thông minh một chút, sáng tạo nào bán được một chút là lập tức lâm vào tình trạng bị “hút máu”.

Không có giá trị nào rẻ mạt

Bởi vì thị trường quá lộn xộn, cho nên người chơi tranh theo kiểu các nhà sưu tập thường buộc phải tin cậy vào một số phòng tranh để họ chủ động giới thiệu các tác giả “triển vọng”. Yếu tố hàng giả tràn lan khiến thị trường tranh trong nước bị thu hẹp đáng kể và cũng chính là điểm hạn chế khiến tranh Việt cực kỳ khó tiến ra nước ngoài.

"Đêm xanh" - Tranh của họa sĩ Thành Chương


Ngang nhiên “hút máu” các họa sĩ có chút tên tuổi lâu nay là một thực trạng nhức nhối con tim khối óc làng hội họa Việt, khiến sự sáng tạo bị thui chột. Người chơi tranh hoặc là sở hữu những sản phẩm hàng giả mà không hay biết, hoặc là biết rõ nhưng dễ dãi, xuê xoa, cổ suý cho tư tưởng ăn cắp chất xám rất đáng lên án.

Vẫn biết là tranh thật rất đắt, nhưng làm gì có giá trị nào rẻ mạt. Nếu cứ thản nhiên nhìn đống “tranh rác” tồn tại, sống sót, đi sâu luồn lách vào ngõ ngách từng nhà và ăn sâu vào đầu óc của nhiều lớp người Việt rằng đó là điều bình thường của cuộc sống, thì làm sao hy vọng có thể nảy sinh ra những tinh hoa nhân loại, các tuyệt phẩm hàng đầu với những giá trị đẳng cấp cao?

"Giấc mơ buổi chiều" - Tranh của họa sĩ Thành Chương


Để có thể nâng cao ý thức về bản quyền, giáo dục sự tôn trọng chất xám và nâng niu tinh hoa nghệ thuật, cần thực sự tẩy chay tranh nhái, tranh giả và làm sạch thị trường mỹ thuật Việt Nam.

                                                                                    Theo Hòa Bình - VietNamNet













Các bài mới
Các bài đã đăng