Tạp chí Sông Hương -
Tủ sách điện ảnh: Một cách nâng tầm điện ảnh Việt
08:35 | 09/08/2011
5 năm thực hiện với 12 tựa sách ra đời là nỗ lực không nhỏ của dự án Tủ sách điện ảnh do đạo diễn Việt Linh khởi xướng nhằm góp phần đưa những kiến thức điện ảnh hiện đại của thế giới đến với những người làm nghề và bạn đọc yêu điện ảnh tại Việt Nam.
Tủ sách điện ảnh: Một cách nâng tầm điện ảnh Việt
Ba tựa sách mới nhất của Tủ sách điện ảnh vừa ra mắt

Năm 2006, nữ đạo diễn Việt Linh, người thành danh với những phim như Nơi bình yên chim hót, Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng… đã có ý tưởng xây dựng tủ sách điện ảnh trên lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật, sản xuất điện ảnh với các tác giả và dịch giả là đạo diễn, nhà quay phim, biên kịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

Quyển sách đầu tiên của dự án là Dạo chơi vườn điện ảnh do chính Việt Linh chấp bút giới thiệu được NXB Văn hóa Sài Gòn tài trợ xuất bản. Sách như một cẩm nang đầu tay giới thiệu các công đoạn làm nên bộ phim; những chuyện vui buồn xoay quanh những ngày tháng rong ruổi làm phim của nữ đạo diễn này đã được bạn đọc, người làm nghề đón nhận nồng nhiệt.

Kể từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm xuất bản 3 cuốn, tủ sách đã có một danh sách các bộ sách điện ảnh bổ ích: Ý tưởng nghề nghiệp (Việt Linh), Mười bí quyết hình ảnh (Lê Minh), Lời hay trong phim (Yxine.com, giải nhì sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam), 20 bài học điện ảnh (sách dịch từ tiếng Pháp của tác giả Laurent Tirard - giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam 2010) Khi đạo diễn trẻ già dặn (Trịnh Đình Lê Minh thực hiện), Chơi cùng cấu trúc (Lê Hồng Lâm biên soạn) và Cẩm nang thư ký trường quay (Patt P. Miller, do Khải Hoàng, Dạ Thảo, Ngọc Châu, Vinh Sơn dịch).

Trong số này, một số tựa sách được đánh giá cao về tính ứng dụng nghề nghiệp như: Khi đạo diễn trẻ già dặn tập hợp ý kiến nghề nghiệp của 8 đạo diễn trẻ đang “hot” hiện nay: Bùi Thạc Chuyên, Charle Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung…; Chơi cùng cấu trúc - tuyển tập phê bình phim của 16 cây bút viết phê bình điện ảnh uy tín; Cẩm nang thư ký trường quay đề cập đến công việc của thư ký trường quay - người có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất tiền kỳ của phim.

Sau 4 lần ra mắt thành công ngoài mong đợi, lần ra mắt thứ 5 được tổ chức hôm 29.7.2011 vừa qua, tủ sách đã có thêm 3 bộ sách Từ vựng điện ảnh Anh - Pháp - Việt (tái bản); Khung hình tự sự (Peter Ettedgui) giới thiệu những kiến thức quý báu về nghệ thuật tạo hình trong điện ảnh thông qua việc phỏng vấn 16 nhà quay phim đương đại lừng danh thế giới; Tiếng gọi cho hình (David Sonnenschein), giới thiệu sức mạnh biểu đạt của âm nhạc, giọng nói và những hiệu ứng âm thanh trong điện ảnh.

Đánh giá về bộ sách, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, một thành viên mới tình nguyện tham gia ban biên tập tủ sách cho biết: Bộ sách thật sự đã bổ sung những khiếm khuyết về tư liệu tham khảo trong quá trình nâng cao nghề nghiệp, tay nghề của đội ngũ làm phim Việt Nam. Nó cũng bổ ích với bạn đọc yêu điện ảnh khi tiếp cận quyển sách có thể hiểu được từng công đoạn làm phim ra sao, các bộ phận làm phim có nhiệm vụ như thế nào; việc xây dựng bối cảnh, âm thanh, ánh sáng cho phim… từ đó giúp nâng cao hiểu biết khi theo dõi bộ phim”. Tiến sĩ Phan Bích Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng đánh giá cao tính ứng dụng của bộ sách: “Trước nay, sinh viên trường rất thiếu sách chuyên ngành cả trong nước lẫn sách dịch. Do đó, khi quyển sách chuyên ngành về điện ảnh nào mới ra đời, chúng tôi đều mua để trang bị cho thư viện giúp sinh viên có tài liệu tham khảo sâu chuyên ngành học của mình”.

Với tính ứng dụng nghề nghiệp cao, hầu hết các quyển sách có số lượng in trung bình 1.000 quyển/tựa đều được bán hết theo đơn đặt hàng từ các khoa đào tạo chuyên ngành về điện ảnh, đạo diễn, hãng phim... Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để bộ sách đều đặn ra đời và được bán với giá khá mềm, những người thực hiện bộ sách đã phải vất vả trong quá trình thực hiện, vận động tài trợ. Đạo diễn Việt Linh, chủ biên tủ sách cho biết chủ trương mỗi năm phát hành ba ấn phẩm, bao gồm sách viết, sách sưu tầm, sách dịch, sách biên khảo… trên mọi lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật, sản xuất điện ảnh. Với các sách trong nước, chi phí cho khâu in ấn, biên tập không cao, nhưng sách dịch bình quân, phí mua bản quyền không dưới 2.000 USD/tựa vì thế sẽ rất khó khăn nếu không có tài trợ.

Nhiều người nhìn nhận, trong nhiều cái thiếu của điện ảnh VN, sách điện ảnh là cái thiếu rõ rệt nhất. Trước nay, sách dạng này thường được xuất bản lác đác và phần lớn ở dạng tư liệu, thiếu hệ thống. Vì vậy, sự góp mặt của Tủ sách điện ảnh góp phần bù đắp phần nào khoảng trống, đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu kiến thức điện ảnh cho công chúng, lẫn giới chuyên nghiệp - đó cũng là một cách nhằm nâng tầm điện ảnh Việt đang trong quá trình hội nhập hiện nay.

                                                                                                         Theo Hải Đăng - VH














Các bài mới
Các bài đã đăng