Tạp chí Sông Hương -
Nguyễn Tuân: "Tôi chưa đau đẻ, sao lại cứ giục tôi viết?”
15:38 | 12/08/2011
Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục làm anh "phu chữ" lặc lè kéo "cỗ xe văn chương" ngược lên đỉnh dốc; vẫn tiếp tục nhọc lòng mất sức sửa sang, cắt tỉa chi ly từng câu, từng chữ trong vườn văn của mình. Bởi với ông, viết văn bao giờ trước tiên cũng là để vừa ý chính mình - vừa ý người độc giả - vị "thực khách"  lúc nào cũng vô cùng khó tính
Nguyễn Tuân:
Nguyễn Tuân (giữa) với Văn Cao và Bùi Xuân Phái

Văn chương và... gà mái

Đó là vào năm 1966. Dạo ấy tôi làm biên tập viên Tổ Lý luận - phê bình Tạp chí Văn học (Viện Văn học) do ông Nam Mộc phụ trách. Thời kỳ này, trong bối cảnh chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt ở miền Nam Việt Nam, không lực Hoa Kỳ liên tục ném bom, bắn phá miền Bắc, tòa soạn Tạp chí quyết định mở cuộc trao đổi rộng rãi về thể loại bút ký - phóng sự nhằm góp phần cổ súy các nhà văn tích cực sử dụng thể loại này để có thể kịp thời phản ánh hiện thực sôi động trên đất nước ta.

Tôi được phân công tới gặp bác Nguyễn Tuân, một bậc thầy của thể loại bút ký, để đặt bài. Bác vui vẻ nhận lời viết về những suy nghĩ nghề nghiệp của mình và hẹn lúc nào xong sẽ báo cho tôi đến lấy.

Hơn 3 tuần trôi qua, ông Nam Mộc bảo tôi đến gặp bác để giục bài vì đó được coi là "bài đinh" của số chuyên đề về thể ký. Tôi  đường đột đến nhà bác, vì thời đó đâu có điện thoại để xin phép trước.

- Có việc gì thế, anh bạn ? - Bác vừa hất hàm hỏi, đôi mắt nheo nheo như cười.

- Thưa bác, cháu đến để hỏi xem bài báo bác nhận viết hôm nọ đã xong chưa ạ.

- Cái anh này rõ hay thật! Chuyện văn chương mà lại cứ giục, chả ra làm sao cả!

- Dạ thưa bác, anh Nam Mộc nói rằng bài của bác sẽ là bài được chờ đợi nhất trong số Tạp chí đặc biệt về thể loại bút ký đấy ạ.

- Thế thì vinh dự cho tôi quá, nhưng tôi nói cho anh biết rằng trong văn chương điều tối kỵ là ép viết, người khác ép hay tự mình ép cũng thế cả...  Chuyện văn chương cũng như chuyện... gà mái đẻ trứng ấy, con gà nó có trứng trong bụng, nó đau đẻ, nó nhẩy ổ rồi cục ta cục tác mới ra trứng chứ! Tôi chưa đau đẻ, sao lại cứ giục tôi viết? Thôi thế nhé, anh bạn cứ về đi và nói lại với ông Nam Mộc đúng như vậy nhé.

Tôi thất vọng ra về. Cuối cùng thì bác Tuân cũng không viết cái bài suy nghĩ về thể ký, nhưng thay vào đó, bác đã cho độc giả được đọc những bài bút ký tuyệt vời như tập Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi.

Sau này, không ít lần tôi cũng lâm vào tình cảnh nhận lời viết rồi cũng lỡ hẹn và bị ... giục. Tôi lại lấy lời nói của bác Tuân để tự biện minh và có vẻ như lần nào cũng dễ được thông cảm.

Với tuổi nghề càng dầy thêm, dần dần tôi cũng vỡ ra một chân lý giản đơn có thể cứu văn chương thoát khỏi thảm- họa- nhạt- nhòa, -  một chân lý giản đơn mà cao diệu ẩn chứa sau ví von đầy tính khôi hài của bác Tuân: Nếu có thể không viết thì đừng viết! Chỉ viết khi nào không thể không viết!                                          

Cái gì quý nhất trên đời?                                                          


Năm 1969 tôi chuyển công tác về Hội Nhà văn Việt Nam, làm ở bộ phận Tạp chí Tác phẩm mới, dưới trướng các bậc đại danh sĩ như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tô Hoài.

Cơ quan Hội không mấy khi nghiêm ngặt về giờ giấc. Nhưng tôi thì vẫn đến cơ quan từ sáng sớm vì ngày nào cũng phải đưa con đi nhà trẻ ở phố Quang Trung, cách trụ sở Hội không xa. Nhà bác Tuân ở gần Hội, từ ngõ phố Trần Hưng Đạo đi bộ dăm mười phút qua Yết Kiêu là đến 65 Nguyễn Du, nên thỉnh thoảng bác vẫn đến Hội chơi. Sáng nào các chị Văn phòng cũng để sẵn ấm trà và phích nước nóng ở phòng khách. Một vài lần bên ấm trà sáng tình cờ chỉ có bác Tuân và tôi. Dù tuổi tác chênh lệch, bác vẫn đối xử rất thân tình, vui vẻ "bật mí" nhiều chuyện khá riêng tư... 
 

- Giang biết không, đối với tôi cái gì là quý nhất? Cái quý nhất với tôi là thì giờ - thì giờ chính là cuộc đời mình đó, chia sẻ thì giờ cho ai đó chính là chia sẻ cuộc đời mình cho họ mà không bao giờ lấy lại được. Có đúng thế không? Cho nên tôi chúa ghét mất thì giờ tiếp chuyện những anh cha vơ chú váo... Với những anh chàng như vậy, tôi không ngại mang tiếng "bất lịch sự"... Một lần, đâu vào năm 1958 gì đó, có một ông sĩ quan cao cấp được cấp trên phái về Hội Văn nghệ. Thời gian đầu ông này quyết định tỏ thiện ý, "vi hành" tới  thăm nhà một số văn nghệ sĩ cho có vẻ gần gũi . Có tôi trong số đó. Tôi thì đã biết mặt ông, còn ông, vì là dân "võ biền" ngoại đạo, nên lại chưa biết mặt tôi.

Ông đến ngõ nhà tôi và cất tiếng gọi với lên tầng trên: "Anh Tuân ơi, anh Tuân ơi!". Tôi thò đầu ra ngoài và điềm nhiên đáp: "Ông Tuân không có nhà!". Một thoáng ngờ vực hiện ra trên nét mặt vị khách không mời. Nhưng rồi  lát sau,ông ấy cũng bỏ đi... 

- Trước Giang làm ở Viện Văn học, chắc biết cậu V. chứ ? Anh này người miền Trung, trông cũng khá điển trai phải không. Anh ta học ở Liên Xô về, có vẻ thích con G. nhà tôi... Một hôm, không hẹn trước, anh ta tìm đến nhà tôi. Tôi ra mở cửa và mời anh ta vào phòng khách ngồi. Theo phép lịch sự, tôi pha nước mời anh ta. Được thể, anh ta sốt sắng, thao thao bất tuyệt nói với tôi về tầm vóc vĩ đại của văn nghiệp Maxim Gorki ... Tôi bèn ngắt lời anh ta và nói: "Nếu anh đến để gặp con G. nhà tôi thì G. đi vắng, còn đến để thuyết giảng về Gorki thì, xin lỗi anh, tôi đang bận!". Anh ta chưng hửng, vội vàng đứng dậy cáo lỗi và ra về... 

Có cần trau chuốt văn chương ?

Thời bao cấp, việc được xem những phim nổi tiếng nước ngoài nhưng không trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chính trị (?) là một may mắn hiếm hoi. Một lần, một Bộ khá oai phong được phép chiếu nghiên cứu (?) cho cán bộ của mình (và cả người nhà của họ!) cuốn phim do Liên Xô sản xuất dựa theo tiểu thuyết bất hủ của đại văn hào F. Đôxtôepxki Tội ác và sự trừng phạt. Không hiểu vì lý do gì mà tôi cũng kiếm được giấy mời tới dự buổi chiếu phim đó tại một kiểu "nhà hát nhân dân" (nghĩa là không có mái che!) ở bên cạnh tượng Vua Lê bên bờ Hồ Hoàn Kiếm.  Khi đã ổn định chỗ ngồi, tôi ngạc nhiên nhận ra bác Tuân ngồi hàng phía trên, tôi cất tiếng chào bác và bác gật đầu chào lại. Cuốn phim thật hay và theo khá sát nội dung tiểu thuyết. Phim đến đoạn cao trào xúc động nhất, khi nhân vật chính Raxcônnicôp quỳ xuống trước cô gái điếm Xônhia, hôn tay nàng và run rẩy  nói:

- Tôi quỳ trước em như quỳ trước nỗi thống khổ của loài người !... thì bất ngờ tiếng cười rộ lên (!) từ rất đông các khán giả đang "nghiên cứu" phim !... Bác Tuân quay lại nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán.

 Sáng hôm sau, gặp tôi ở bàn trà cơ quan, bác nói ngay, giọng đầy bức xúc :

- Đêm qua, xem xong phim về, tôi khó ngủ quá. Sao lại có thể hành xử ngu xuẩn đến thế với cụ Đốt?! Thật là một thứ đần độn được nâng lên tầm chủ nghĩa - một thứ idiotism! Tôi cứ phân vân tự hỏi mình, bấy lâu nay mình cứ  lao tâm khổ tứ trau chuốt từng câu, từng chữ trên từng trang viết của mình, thế rồi cái đám đông ấy đâu có biết phân biệt hay dở, có khi họ lại còn cười vào mũi những gì mình rưng rưng xúc động viết ra, như trong buổi chiếu phim tối qua. Anh đầu bếp loay hoay, cặm cụi nấu món ngon thế rồi thực khách đâu cần ngon, chỉ cần ăn cho no, cho chắc bụng! Thế thì có cần nhọc lòng mất sức trau chuốt văn chương không nhỉ? - Nói xong, không chờ tôi phản hồi, bác Tuân đứng dậy bỏ đi như để dấu sự bực bội đang  dâng trào...

Nhưng rồi, như chúng ta thấy đấy, Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục làm anh "phu chữ" lặc lè kéo "cỗ xe văn chương" ngược lên đỉnh dốc; vẫn tiếp tục nhọc lòng mất sức sửa sang, cắt tỉa chi ly từng câu, từng chữ trong vườn văn của mình. Bởi với ông, viết văn bao giờ trước tiên cũng là để vừa ý chính mình - vừa ý người độc giả - vị "thực khách"  lúc nào cũng vô cùng khó tính.

Viết văn cần để lại chữ                       

Hôm ấy là ngày thứ năm, mùng 9 tháng 7 năm 1987. Một ngày nắng oi ả. Trời đã về trưa. Tôi đang đứng trong sân cơ quan Nhà xuất bản Văn học (ở 49 Trần Hưng Đạo) thì  loáng thoáng thấy bác Tuân trong bộ đồ “âm lịch” sẫm màu quen thuộc. Tôi vội bước lại gần chào bác.

- May quá, gặp bác ở đây. Cháu đang định tới nhà bác để đưa tiền tạm ứng cuốn Vang bóng một thời…

- Cám ơn, cám ơn… trước là chuyện in sách, sau là chuyện tiền.

- Hôm nọ bác đã cầm năm trăm, năm trăm này anh bạn cháu gửi là nhờ đưa cho bác.

- Merci, merci… Anh em đi đâu cả mà cơ quan vắng như chùa Bà Đanh thế này?

- Anh em đi nghỉ mát bác ạ… đi Cát Bà, cái nơi mà bác đã viết bài bút ký Huyện đảo ấy…

Gương mặt bác bỗng chan hòa một nụ cười thật trẻ như chợt nghe ai nhắc đến tên một người con của mình ở xa. Bác hạ giọng như thì thầm một điều hệ trọng:

- Này Giang này, cậu thấy làm cái anh nhà văn mà để lại được một chữ cho người đời nhớ kể cũng thú đấy chứ! Có lần mình gặp cái đầu đề Huyện đảo Phú Quốc trên báo hàng ngày đấy. - Ngừng một lát, bác cười nói tiếp: - Có ối anh nhà văn viết hàng chồng sách mà chẳng ai nhớ được một chữ nào… hà, hà, hà…

Biết bác đang vui, tôi bắt chuyện tiếp:

- Bác còn có cái chữ phở bản vị nữa, người ta cũng hay dùng lắm…

- Đúng đấy, đúng đấy… Cái khoản năm trăm này là năm đơn vị phở mình tự mừng cho mình ngày mai lên cái lão bảy mươi bảy tuổi… Này, nghĩ mà giật mình: năm trăm này bằng đúng một đồng bạc ngân  hàng cái thời mình viết tùy bút phở.

- Bác viết từ Henxanhki hơn ba mươi năm rồi còn gì…

- Ờ, ờ… dạo ấy mình đi họp Đại hội hòa bình thế giới… Ở xa quê  hương nhớ cái gì? … nhớ cái mùi vị không nơi nào trên trái đất này có  - mùi vị phở - rồi viết ra, rồi được chụp cho cái mũ là “tủn mủn, đời thường”…

- Bác dự báo cái hướng sa sút của chất lượng phở là một vấn đề xã hội đấy chứ!

- Ờ, ờ… sau cái đận ấy, thôi thì đủ thứ phở cua, phở hến, phở đậu phụ, phở không người lái, bao nhiêu thứ phở quái dị ra đời… chỉ cái anh phở bò chín chính hiệu là thành hiếm hoi… hiếm hoi y như mọi thứ văn chương đích thực trên đời…

Bác cảm ơn lần nữa, lặng lẽ gật đầu chào, rồi lẫm lũi chống chiếc can bước đi như thể theo đuổi tiếp cái dòng ý nghĩ chẳng lấy gì làm thú vị vừa chợt đến trong đầu...

 Tôi không thể ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi dược hầu chuyện bác, bởi chỉ ít ngày sau - ngày 28/7, bác đã thành người thiên cổ...

*

Nguyễn Tuân đã rời xa chúng ta tròn 24 năm nay.Ông đã  đi qua cuộc đời này, đi qua nền văn học nước nhà mà đâu chỉ có để lại một vài chữ độc đáo, rất… Nguyễn!

Nguyễn Tuân đi qua nền văn học của chúng ta với dáng điệu ung dung khoan thai, tự tại của một con người đã đạt tới cái độ “tri thiên mệnh” từ tuổi ba mươi; với đôi mắt nheo nheo dường như lúc nào cũng cười - cười giễu cái xấu xa, hợm hĩnh (bởi cái xấu bao giờ cũng kệch cỡm!), cười độ lượng cái chưa hoàn thiện của con người, với khí phách ngang tàng, những cơn thịnh nộ khi lẽ công bằng - công bằng trong mối giao tiếp giữa con người và con người, công bằng trong nghệ thuật - bị chà đạp, rẻ rúng, bán rao.

Ông đã đi qua và để lại những trang sách thấm đượm một tình yêu nghiêm  khắc với cái đẹp bình dị của con người - cuộc sống - quê hương. Với Nguyễn Tuân, văn học đã làm được cái điều kỳ diệu là nối liền giá trị tinh thần của các thế hệ kế tiếp.

Bởi một lẽ giản dị trước khi là nhà văn, ông đã là một con người với nhân cách lớn.

Theo Phan Hồng Giang -  bee.net















Các bài mới
Các bài đã đăng