Tạp chí Sông Hương -
Người miệt mài “nhặt sạn” cho tiếng Việt
11:13 | 16/08/2011
Hơn 30 năm đứng trên giảng đường về ngôn ngữ, quen thuộc với nhiều thế hệ sinh viên ở khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, nhà giáo Phan Hồng Liên (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH quốc gia Hà Nội) vừa cho ra mắt độc giả cuốn sách Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa. 
Người miệt mài “nhặt sạn” cho tiếng Việt
Cuốn sách của tác giả Phan Hồng Liên
Ngôn ngữ có đời sống riêng của nó; nhưng nó cũng rất dễ bị “lái” sang những hướng không có lợi. Tiếng Việt gần đây hay bị “lái” như vậy. Ngôn ngữ biển hiệu, ngôn ngữ chat, ngôn ngữ báo chí... đều có vấn đề, tác động đến sự thanh khiết của tiếng Việt.

Là nhà giáo, nhà ngôn ngữ học, Phan Hồng Liên tự thấy không thể làm ngơ trước những biến động, những yếu tố có thể tác động tiêu cực tới sự trong sáng của “tiếng quê hương” thân yêu nên chị đã miệt mài “nhặt sạn” trong cách sử dụng tiếng Việt hiện hành, trên báo chí, trên cả băng rôn, khẩu hiệu, quyết liệt trong cách uốn nắn học trò, thậm chí cả với người đối thoại. 

Cuốn Để tiếng Việt ngày càng trong sáng (NXB Văn học, 2002) là cuốn sách đầu tay của chị về đề tài này, và giờ đây cả Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa, hầu hết đều mang tính thị phạm bởi tác giả đã có hơn 30 năm gắn bó với bục giảng. 

Với Tiếng Việt - Những dấu ấn văn hóa, độc giả có thể tìm thấy những vấn đề rất thiết thực trong đời sống ngôn ngữ hiện đại: Hiện tượng nói ngọng nhìn từ chuẩn ngôn ngữ văn hóa, Biển hiệu:“Ấn tượng” hay sự lai căng cần uốn nắn?, Ngôn ngữ chợ xưa, ngôn ngữ chợ nay... Phan Hồng Liên còn chăm chú “nhặt tỉa” cho đến những chi tiết trong lời ăn tiếng nói của người Việt thế kỷ 21 này: Hãy dùng mẫu giáo, không dùng mầm non, Dùng từ gia truyền đâu dễ, Tiền túi và tiền chùa... Có thể nói, với cuốn sách này, người đọc như được thưởng thức một “mâm cỗ” phong phú, “nấu nướng” vừa miệng. 

Về cuốn sách này, GS-TS ngôn ngữ học Hoàng Trọng Phiến đánh giá: “Tác giả không lý sự dài dòng, cũng không tham gia tranh luận những vấn đề “dĩ Âu, dĩ Ngã” trong nghiên cứu tiếng Việt hiện thời. Bằng tình yêu tiếng mẹ đẻ và một tinh thần trách nhiệm cao của một công dân có nghề, Phan Hồng Liên đã cho chúng ta những thông tin thú vị về tiếng Việt và việc trau dồi, xây dựng tiếng Việt văn hóa”.

 Theo Trà Giang -TT&VH


















Các bài mới
Các bài đã đăng