Tạp chí Sông Hương -
Điểm của một thời
09:02 | 18/08/2011
Họa sĩ Sĩ Hoàng có lẽ là người đầu tiên không chịu bó tay trước việc “thả nổi” nhu cầu thưởng lãm văn hóa dân tộc VN chất lượng cao của du khách nước ngoài.
Điểm của một thời
Các nghệ sĩ trình diễn tại Điểm Một Thời - Ảnh: họa sĩ Sĩ Hoàng cung cấp

Từ một ý tưởng tạo dựng không gian may cắt và trưng bày áo dài sang trọng, có giá trị thẩm mỹ cao; Sĩ Hoàng đã tổ chức thêm chương trình biểu diễn ca nhạc dân tộc, kết hợp với giới thiệu áo dài VN các thời kỳ.

Cái duyên, cái tình và cả cái tầm suy nghĩ của những người có chung ý nguyện giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc đã giúp cho quán trà - sân khấu Điểm Một Thời ở đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) sống suốt sáu năm, từ 2002-2007.

Ở không gian chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100m2 những tưởng chỉ dành cho áo dài ấy, 90 phút trình diễn ca nhạc dân tộc đã thật sự hớp hồn người tham dự.

Đêm nào cũng thế, từ thứ hai đến chủ nhật, khách nước ngoài trong tour và ngoài tour mách nhau kéo đến Điểm Một Thời để nghe và xem nghệ thuật dân tộc VN thú vị đến thế nào. Đàn đá sống động và điêu luyện đến kinh người với Hữu Dũng, đàn đáy và đàn bầu rất chuyên nghiệp và cũng rất lý lơi với Anh Tấn, đàn cò với Nguyễn Thảo. Bên cạnh các trích đoạn cải lương và tuồng cổ, còn cả tiếng hát trù, hát quan họ, hát xẩm của Kim Luyên và Anh Tấn, ngọt ngào níu kéo người nghe mê mẩn đến quên về.

Không ánh sáng màu mè và chấp chới, không âm thanh vang vọng, không màn hình minh họa chói lóa, 90 phút ngồi xệp trên sàn gỗ hoặc ngồi xếp bằng trên sập gụ nghe hát đã trôi qua mà khách vẫn chưa muốn về. Họ nhớ cái tiếng rao của cô hàng chè gánh ra bán (vờ) cho khách ăn (thật) giữa giờ tạm nghỉ của diễn viên. Áo sống vẻ quê mùa mà đẹp đậm đà theo dáng người, tiếng rao ngọt ngào làm cho chén chè đã ngon còn ngon thêm.

250.000 đồng một suất như thế ở Điểm Một Thời. 90 triệu đồng tiền thuê nhà hằng tháng của một cơ quan nhà nước có nhà mặt tiền để trống. Hai năm chịu lỗ để từ năm thứ ba trở đi bắt đầu có khách, khách nườm nượp.

Vua và hoàng hậu Thụy Điển, thái tử Vương quốc Bỉ, bộ trưởng văn hóa Lào, nhiều vị khách danh giá khác ở trong nước và từ nước ngoài đã đến và hết sức quyến luyến, thán phục cái cách tổ chức không gian văn hóa tuyệt vời này.

Nhưng rồi đến năm thứ sáu, năm 2007, quán trà - sân khấu Điểm Một Thời phải tức tưởi đóng cửa. Tiền thuê nhà hằng tháng được đẩy giá lên tới 240 triệu đồng/tháng cũng chưa hẳn là lý do duy nhất để Điểm Một Thời ra đi. Ở đấy, sau đó mọc lên một nhà hàng yến sào. Ai đó bảo nhà hàng ấy nhất định cần hiện diện ở vị trí đắc địa đó.

Điểm Một Thời vắng bóng bốn năm nay trong sự nhắc nhở của không ít khán giả mộ điệu âm nhạc dân tộc VN. Các nhà hát dân tộc của Nhà nước bỏ vai trò biểu diễn hằng đêm, may thay còn có Điểm Một Thời.

 Và may hơn nữa, mừng hơn nữa, cuối năm nay Điểm Một Thời đang được hứa hẹn sẽ trở lại với khán giả của mình tại một trong những vị trí đẹp của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Không gian sắp đặt khéo léo để âm nhạc VN cất tiếng sang trọng, áo dài VN chuyển động huyền ảo, âu đó cũng là một cách làm cho di sản trong bảo tàng sống động hơn trong đời sống đương đại hôm nay.

Điều đáng phải nói là, trong sáu năm nay, cũng vẫn chưa có thêm điểm diễn nghệ thuật nào phục vụ du lịch suốt bảy đêm trong tuần như Điểm Một Thời.


Theo NGUYỄN THẾ THANH - TTO





















Các bài mới
Các bài đã đăng