Tạp chí Sông Hương -
Hollywood xích lại Moscow
14:17 | 18/08/2011
Hollywood đang ngày càng gần Nga. Số lượng khán giả của Hollywood tại Nga tăng kỷ lục trong những năm gần đây. Phim Hollywood được chiếu tại các rạp của Nga cũng nhiều hơn hẳn phim nội.
Hollywood xích lại Moscow

Hollywood
nhận thấy rất rõ Nga là một thị trường tiềm năng và tranh thủ nhiều sự kiện văn hóa tại đây để đưa các ngôi sao tiếp cận thị trường, làm vui lòng khán giả cuồng nhiệt. Trong buổi chiếu ra mắt Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides (Cướp biển vùng Caribbe: Trên những thủy triều lạ), trực tiếp hai ngôi sao Johnny Depp và Penelope Cruz đã có mặt tại Nga. Một sự kiện đáng chú ý khác là buổi chiếu ra mắt Transformers: The Dark of the Moon (Người máy biến hình: Khoảng tối của mặt trăng), phiên bản 3D, 80 tên tuổi của Hollywood đã đến xứ sở bạch dương, trong đó có đạo diễn Michael Bay. Trước buổi chiếu ra mắt Transformers: The Dark of the Moon, đạo diễn Bay chia sẻ: “Moscow là một thị trường mới nổi của Hollywood, đóng vai trò quan trọng trên thị trường quốc tế”. Bộ phim đã thu về 22 triệu USD trong tuần chiếu đầu tiên tại Nga, chiếm 3,3% tổng doanh thu tại tất cả các rạp trên thế giới.


Hai thập kỷ trở lại đây, lượng khán giả đến rạp tại Nga tăng nhanh. Năm ngoái, doanh thu từ các rạp lên tới 1 tỷ USD, lượng khán giả tăng 15,2%. Yevgeny Nadorshin, nhà kinh tế học đồng thời là cựu cố vấn chính phủ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một xu hướng thay đổi tích cực trong đời sống người dân Nga. Họ đang tiến gần tới lối sống và cách tiêu dùng của người dân các nước phát triển”.
Hai năm nay, phim nước ngoài trở thành món ăn tinh thần được người Nga chào đón nhất, xuất chiếu nhiều hơn phim Nga. Năm ngoái, phim Mỹ được chiếu tại Nga nhiều gấp 5 lần so với phim Nga. Theo đạo diễn phim độc lập Johnny O’Reilly, phim Nga mất lợi thế ngay trên sân nhà là do “các nhà sản xuất của Nga không hợp tác tốt với đồng nghiệp quốc tế hoặc giữa họ với nhau. Nhiều người nhận được sự đầu tư tài chính quá dễ dàng. Họ không khao khát như các nhà sản xuất nước ngoài, cho ra đời những tác phẩm thiếu chất lượng”. 
Đầu tư tài chính không chiến lược của Chính phủ Nga là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất thu từ thị trường điện ảnh nội địa. Năm 2010, Nga chi kỷ lục 4,5 tỷ rúp (159 triệu USD) cho điện ảnh, gần gấp đôi năm 2009. Năm 2011, số tiền tương tự được đầu tư vào ngành này. Tuy nhiên, số tiền đó chủ yếu là để phát triển rạp chiếu phim lên gấp đôi con số 2.246 rạp hiện nay, chứ không phải cho các công ty sản xuất phim như trước đây. Có thể việc đầu tư này sẽ góp phần tăng doanh thu từ điện ảnh Nga nói chung nhưng nó không hề có ý nghĩa với sự phát triển của điện ảnh nước này.
Hầu hết các nhà làm phim, các công ty sản xuất truyền hình tư nhân Nga đều đang gặp khó khăn về tài chính. Gần đây, tại Nga, xu hướng kêu gọi đầu tư trực tiếp từ ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân đang thu hút các nhà làm phim. Điển hình là Russian World Studios, công ty sản xuất truyền hình tư nhân lớn nhất Nga hiện nay vừa ký hợp đồng vay của ngân hàng ING 42 triệu USD. Tập đoàn Bazelevs cũng đã bắt tay với nhà môi giới Troika Dialog để gây vốn cho bộ phim hoạt hình Smeshariki, phát hành tháng 12 tới. Giám đốc điều hành Bazelevs Nikita Trynkin cho biết: “Trong lịch sử điện ảnh Nga, lần đầu tiên nhà làm phim có cơ hội kêu gọi đầu tư trực tiếp và được làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư”.


Theo Minh Nguyễn - ĐBND













Các bài mới
Các bài đã đăng