Sinh năm 1930 tại Thừa Thiên - Huế, năm 24 tuổi ông sớm giác ngộ cách mạng tập kết ra Bắc học tập, rồi nhận nhiệm vụ phóng viên ảnh của Thông tấn xã Giải phóng. Xông xáo cầm máy ảnh ra mặt trận, nhà báo trẻ Minh Trường làm nên một loạt tác phẩm góp phần cổ vũ quân dân chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc như: Em bé học dưới chiến hào, Hoa lửa, Qua vùng trọng điểm, Đường ngầm theo lòng suối, Những bước chân vạn dặm...
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường - Ảnh tư liệu |
Năm 1966, khi ngược đường số 7 lên đồn biên phòng Cha Lo, đặt ở chân đèo Mụ Giạ (Quảng Bình) dưới nắng trưa hè tháng 8, với tấm lòng sâu nặng với đồng đội, ông đã ghi được thời khắc đoàn bộ đội đang hành quân leo dốc len giữa hai vách núi hiểm trở, hùng vĩ. Ba năm sau, khi xem ảnh, nhà thơ Tố Hữu đã sảng khoái ngâm lại câu thơ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Từ đấy, ảnh và thơ sóng đôi, quyện vào nhau làm một, tạo nên một hình tượng hùng tráng - bất tử về anh bộ đội Cụ Hồ.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, với chiếc máy ảnh Praktica trên tay, ông vẫn dành nhiều thời gian cùng bạn ảnh lang thang trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, dọc ngang kênh rạch chung sống với Lão nông Đồng Tháp Mười, về Miệt thứ U Minh, xuống Rừng đước ấp Ông Trang Năm Căn (Cà Mau), Ngược lên Bạc Liêu, rồi đến Miệt vườn Long Mỹ, Phụng Hiệp... ghi lại những sinh hoạt nông thôn dân dã ở đồng bằng sông Cửu Long.
Với tâm hồn mẫn cảm, lại khéo khai thác những cung bậc đẹp của ánh sáng, vận dụng tốt các nhịp điệu trong đời sống nên bản trường ca về đất nước bằng ảnh của ông luôn giàu tính chân thực, tinh tế và sâu sắc. Vốn sở trường về ảnh đen trắng, ông luôn tự tay chăm chút rọi từng bức ảnh của mình trong phòng tối và vẫn còn hàng trăm bức ảnh có giá trị tư liệu chưa khai thác...
Theo LÊ XUÂN THĂNG - TTO
|