Sẽ chẳng khó khăn gì nếu chúng ta quan tâm một chút tới hiện tượng văn học đồng tính để tìm ra những truyện ngắn và tiểu thuyết về đồng tính nữ. Tuy xuất hiện có phần muộn màng hơn so với truyện đồng tính nam nhưng vai trò của những tác phẩm ấy cũng khá quan trọng để nhìn nhận về một hiện tượng văn học mà chúng ta đang nói tới. Hàng loạt các truyện ngắn mà chúng ta có thể kể đến như Tôi là Les (tập Dị bản của Keng), Bầy thú bông của Quỳnh (Tập Mưa đời sau của Trần Thùy Mai). Những truyện ngắn trong tập Chuyện tình Lesbian và Gay của nhà nghiên cứu Nguyễn Thơ Sinh và đặc biệt là hai cuốn tiểu thuyết rõ nét nhất 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang và Les - vòng tay không đàn ông của Bùi Anh Tấn…Với số lượng kể trên, tuy không phải là nhiều nhưng với một đề tài nhạy cảm và mới được quan tâm những năm gần đây thì đó cũng được coi là một thành công. Những tác phẩm viết về đồng tính nữ hầu như đều mang một dấu ấn rất riêng và tồn tại trong môi trường vốn đầy khắc nghiệt của một đề tài văn chương mới. Nó đứng cạnh những truyện viết về thế giới đồng tính nam, song hành và bổ sung cho nhau tạo nên một diện mạo khá đầy đủ cho những tác phẩm văn chương về đề tài đồng tính. Tuy nhiên, cũng như sự khác biệt về đối tượng phản ánh, thế giới của những nhân vật trong truyện đồng tính nữ được viết với những yếu tố trái ngược với những tác phẩm viết về đồng tính nam. Những trang viết trong Chuyện tình Lesbian và Gay của Nguyễn Thơ Sinh phản ánh những câu chuyện về những mảnh đời có thực. Những trang viết của anh như những câu chuyện kí sự ghi chép về những số phận đầy nước mắt của những cô gái đồng tính. Họ có khao khát, ước mơ, hoài bão nhưng dường như tất cả đều chưa được nhìn nhận đúng và không ít người đã lầm đường lạc lối. Những nhân vật đồng tính trong cuốn sách của Nguyễn Thơ Sinh đều không có tên đầy đủ, nó chỉ như một cái kí danh để phân biệt. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, thân phận và con đường đi khác nhau, một cô giáo, một cô gái quán bar, một cô gái mắc căn bênh thế kỉ và thậm chí là một tội phạm giết người. Họ bước vào trang sách của anh rất tự nhiên như chính cuộc đời thực của họ. Những mẩu chuyện ngắn của Nguyễn Thơ Sinh mang đến cho người đọc những khắc khoải và uẩn khúc về cuộc đời của những nhân vật khiến cho độc giả không thể nguôi nỗi ám ảnh… Thế giới nhân vật đồng tính nữ cũng mở ra trước mắt độc giả một cách đầy cảm thông qua những trang viết của của các nhà văn nữ. Với một lối viết khá hiện đại, Nguyễn Quỳnh Trang đã phân thân nhân vật “tôi” trong hai thế giới, hai thời điểm khác nhau, một thế giới của cô bé Quỳnh ngây thơ trong sáng với những chuyển biến phức tạp của tâm lí và một “tôi” yếu đuối đáng yêu bên cạnh Nhi (một nhân vật nam chuyển giới). Thế giới của “tôi” không đơn thuần là thực tại mà còn được xen lẫn với quá khứ. Những biến cố thời đại, những biến chuyển trong cuộc sống cùng với những biến chuyển tâm lí đã được Nguyễn Quỳnh Trang miêu tả sắc nét. Cuộc sống của một Lesbian không ít sóng gió, khó khăn và cả những nỗi đau khổ, tủi nhục. Nhưng tất cả những điều đó đã được nhà văn trẻ của thế hệ 8x thể hiện khá thành công. Cái đọng lại trong 1981 không phải là những cái chết, không phải là những tầng thang tối trong tâm hồn, nhân vật cố giấu giếm mà đúng như nhà văn Phong Điệp đã nhận xét, “nó chỉ là cái cớ để tác giả trình bày cách tiếp cận và khám phá bản thể”, chính điều đó sẽ khiến không ít độc giả tìm thấy chính mình ở trong những trang sách mà họ đã đọc. Cũng như 1981 hay tập Những chuyện về Les và Gay, các tác phẩm về đồng tính nữ của Trần Thùy Mai hay Bùi Anh Tấn, đã đi sâu khám phá đằng sau vẻ bề ngoài của mỗi nhân vật là đời sống nội tâm đầy phức tạp. Trong mỗi con người ấy, dù là ai cũng mang trong mình một sự “dằn vặt” vì nhiều lẽ, vì gia đình, người thân, vì sự nghiệp và đôi khi là vì chính mình. Tuy nhiên, họ không giống những nhân vật Gay, các tác giả đã dành cho họ một lớp sâu kín lột tả về trang huống tâm lí sâu sắc và ít thấy những cảnh miêu tả những ham mê thể xác. Hầu hết các nhà văn đều “nương tay” khi chọn cho các nhân vật đồng tính nữ của mình một cuộc sống nương náu ở những diễn biến tâm lí nhưng không hề nhàm chán mà hoàn toàn phù hợp và sâu sắc. Những ham muốn tình dục ở các nhân vật dường như chỉ dừng lại trong tiềm thức “Tóc cô ta để xõa, che nửa khuôn mặt. Một quầng sáng xiên qua hắt lên mặt cô ánh lân tinh. Cô ta chớp mắt, ánh nhìn ngây thơ muốn ru ngủ hồn người. Cô cười với tôi nhẹ nhàng, bàn tay nuột nà vẫy gọi. Cô không mặc gì, chỉ khoác hờ trên người mảnh voan mỏng. Tấm voan đang tụt dần từ vai, xuống tay, hở ra một khoảng mênh mông trắng. Tôi đờ đẫn đi về phía cô ta” (tiểu thuyết 1981 - Nguyễn Quỳnh Trang). Điều này đối với những tác phẩm viết về Gay, nhà văn đã có phần táo bạo hơn rất nhiều. Điều đó vừa là mặt mạnh nhưng cũng là hạn chế của những sáng tác về thế giới đồng tính nữ bởi họ thực sự chưa dám thoát khỏi những định kiến của người ngoài về giới tính của mình và càng không dám thể hiện hết những dục vọng của bản thân cho dù nó vẫn tồn tại trên thực tế nhưng họ chấp nhận chịu đựng hơn là một sự bùng nổ. Bên cạnh những thành công dành cho một đề tài mới, những tác phẩm văn học đồng tính nữ vẫn còn tồn tại khá nhiều những hạn chế cả về chất và lượng so với truyện đồng tính nam. Có thể thấy ngay sự chênh lệch giữa những tác phẩm viết về Les với các tác phẩm về nhân vật Gay. Ngoài hai tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn và Nguyễn Quỳnh Trang thì chúng ta cũng chỉ bắt gặp một vài tác phẩm truyện ngắn của các tác giả trẻ khác, đó là một con số khá nhỏ so với hàng chục tiểu thuyết và truyện ngắn dành cho đồng tính nam đã được xuất bản. Cũng là đề tài đồng tính nhưng những câu chuyện về nhân vật đồng tính nữ thường mang trong mình những mặc cảm nặng nề hơn, các nhà văn dường như cũng hiểu nó sẽ nhạy cảm hơn rất nhiều khi viết về Gay. Đôi khi người đọc cảm thấy một chút thiếu hụt trong bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, ngoài những câu chuyện dạng “ghi chép” của Nguyễn Thơ Sinh, các tác phẩm của Bùi Anh Tấn, Nguyễn Quỳnh Trang, Keng v.vv.. dường như vẫn có gì đó “kìm nén” chưa thực sự cháy hết trong lối viết của họ về thế giới nhân vật này. Hầu hết các nhân vật trong thế giới của người đồng tính nữ đều không dám tìm đến hạnh phúc của riêng mình, không dám thừa nhận mình là một người đồng tính. Hầu hết đều phải chịu đựng những cái nhìn không thiện cảm và đầy khinh bỉ của chính người thân của mình “Tôi ngẩn người. Ông anh lật trong sổ tay, lôi ra một tấm hình chụp nhiều người, trong đó có một cô gái cao, gầy, dài ngoằng, với đôi mắt to đen. Trên khuôn mặt cô gái, có ai dùng bút bi đỏ gạch một dấu chéo thật to, như đánh dấu tội phạm.” (Bầy thú bông của Quỳnh - Trần Thùy Mai). Những con người ấy phải sống trong mặc cảm và bóng tối, họ buộc lòng phải ra đi, phải chạy trốn, phải lựa chọn giữa gia định, địa vị và tình cảm để rồi dẫn đến những bi kịch trong thế giới nhân vật Lesbian. Không phải ngẫu nhiên giữa một phạm trù của văn học đồng tính, hai thái cực của các tác phẩm viết về đồng tính nam và đồng tính nữ bên cạnh những đặc điểm chung vẫn tồn tại những độ “chênh lệch”. Trước hết, xét về mặt xã hội, chính chúng ta cũng phải thừa nhận một điều trong khi cách nhìn nhận về đồng tính nam đã được rộng mở hơn trước rất nhiều thì tâm lí e dè vẫn tồn tại trong tư duy phương Đông khi nói về giới đồng tính nữ. Họ dường như đã quen với hình ảnh của một người đồng tính nam trong đời thường nhưng lại khó có thể dễ dàng chấp nhận những người đồng tính nữ và trên thực tế, con số đồng tính nữ cũng ít hơn nam. Trong khi ở nước ngoài, sự bình đẳng đã rất rõ ràng về thái độ và mức độ quan tâm, thậm chí có cả nhà xuất bản dành riêng cho đồng tính nữ thì ở những nước Á Đông, thái độ dành cho những người đồng tính nữ vẫn chưa được cởi mở. Sự hạn hẹp trong hiểu biết khoa học cũng dẫn đến cách nhìn nhận thiếu thông cảm của xã hội dành cho những người đồng tính nữ. Chính điều đó cùng với tâm lí khép kín và e dè của người phụ nữ vẫn ngự trị trong họ để rồi rất ít người trong số họ dám thừa nhận mình là một Lesbian. Thực tế, chúng ta đã ghi nhận những tiểu thuyết dưới dạng tự truyện của những người đồng tính nam, câu chuyện của họ đã được ghi lại thành những trang viết đầy cảm động như tự truyện Bóng của Nguyễn Văn Dũng (Đoan Trang - Hoàng Nguyên thực hiện) và Thành phố không lạc loài (tự truyện Phạm Thành Trung - do Lê Anh Hoài viết) nhưng chưa có người đồng tính nữ nào dám lên tiếng để trở thành nhân vật trong tự truyện của mình. Về phía tác giả, thật sự khó khăn cho họ khi khai thác về đề tài này bởi tiếp cận thực tế để thấu hiểu thế giới của họ là một điều không mấy dễ dàng. Trước khi tiểu thuyết về thế giới đồng tính nam ra đời, hầu như chưa có một tác phẩm nào viết dành cho Lesbians. Chỉ một thời gian sau, khi đã có một sự tin tưởng và đồng cảm ở những tác phẩm viết về đồng tính nam, họ mới dám tìm đến và chia sẻ. Nhà văn Bùi Anh Tấn đã nói trong một bài phỏng vấn trên vietbao.net “Đã có những đồng tính nữ gặp anh phàn nàn nhà văn quan tâm đến đồng tính nam nhiều quá trong khi bản thân chúng tôi vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu, chúng tôi cũng mong một tiếng nói” và kể từ sau tác phẩm Les - vòng tay không đàn ông, các tác giả trẻ cũng đã bắt đầu đi sâu hơn vào đề tài này. Các nhà văn khi viết về đề tài này cũng khá mạo hiểm bởi nếu viết không đúng sẽ bị phản đối, nếu viết thành công sẽ dễ bị quy chụp thành người đồng tính. Tuy nhiên, trong những định kiến chưa thể xóa bỏ của xã hội, những nhân vật trong thế giới đồng tính nữ cũng chưa được lột tả hết mình trong các trang viết của nhà văn. Họ xuất hiện trên bề mặt câu chữ và ẩn mình dưới tầng sâu của tâm lí hơn là dấn thân vào những khao khát thể xác. Cuối cùng, chính thái độ của độc giả cũng là một trong những nguồn nhiên liệu chính để một hiện tượng văn học ra đời và tồn tại, đặc biệt với một hiện tượng về vấn đề nhạy cảm như văn học đồng tính. Mặc dù lượng xuất bản của những đầu sách này là không nhỏ thậm chí đã được chuyển thể thành phim ảnh, nhưng những tác phẩm kể trên vẫn chưa được đánh giá đúng mực. Những người dám viết về nó đều là những nhà văn trẻ cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề và những người đọc nó hầu hết cũng đều là giới trẻ. Trong số đó có không ít những bạn đọc tìm đến chỉ đơn giản là sự tò mò để rồi nhanh chóng lãng quên. Thái độ của người đọc cùng với xu hướng của không ít nhà văn là viết theo thị hiếu đã dần đến những tác phẩm chưa thực sự thành công trong những tác phẩm viết về đồng tính nữ nói riêng và người đồng tính nói chung. Thiết nghĩ, đây thực sự là một đề tài không chỉ mang tính “hot” nhất thời mà nó cần được quan tâm nhiều hơn bởi những người đồng tính nữ - họ vẫn đang và sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống thường nhật và văn chương nên là một cầu nối bền vững cho họ bộc lộ chính mình với thế giới của những con người bình thường. Theo TRẦN THƯ - Vanhocquenha |