Tạp chí Sông Hương -
Khi điện ảnh không cần đến máy quay
15:51 | 23/08/2011
Không có trong tay những máy quay phim đắt tiền nhưng vẫn “xuất xưởng” những sản phẩm chất lượng, đó chính là những người trẻ vận dụng thành công kỹ năng làm phim truyện - truyền hình vào những chiếc máy ảnh kỹ thuật số.
Khi điện ảnh không cần đến máy quay
Máy ảnh số đang được các nhà làm phim trẻ Việt Nam ưa chuộng - Ảnh: Internet

Từ những thước phim nghiệp dư

Với kinh phí hạn hẹp, một chiếc máy ảnh kỹ thuật số có chức năng quay phim là lựa chọn thường thấy của các “nhà làm phim” trẻ tuổi. Từ những chiếc máy compact có chất lượng hình chấp nhận được đến những dòng máy siêu zoom, thậm chí là DSLR… qua tay các bạn trẻ năng động đã trở thành công cụ tuyệt vời để hiện thực hóa những ý tưởng của mình.

Huỳnh Thanh Thanh và Phạm Phương Anh, hai sinh viên năm 2 khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, được biết đến như một “bộ đôi săn giải” ở các kỳ liên hoan phim sinh viên cấp trường, các cuộc thi làm phim ngắn trong nước và quốc tế. Với máy Canon 500D, hai cô gái đã thực hiện khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là hai clip dạng stop motion (kỹ thuật dựng video kết hợp nhiều ảnh tĩnh với nhau tạo thành một chuỗi các chuyển động) mang tên The journey và Say hi to pencil gây sốt các diễn đàn mạng trong nước.

Để thực hiện xong clip stop motion “Say hi to pencil” , Thanh Thanh và Phương Anh đã phải chụp và xử lý hơn 1.000 tấm hình, sau đó xâu chuỗi lại thành một bộ phim hoàn chỉnh. Cuốn phim đầy ý nghĩa, thể hiện ước muốn hòa hợp các chủng tộc trên thế giới sẽ được hai tác giả gửi đi để tham gia cuộc thi  “Plural +”, tổ chức tại New York, Mỹ.

Không theo thể loại “giao thoa” giữa nhiếp ảnh và điện ảnh như stop motion, với DSLR Canon EOS 60D, chàng sinh viên ĐH Arena Hà Nội Trần Quang Tùng đã quay hẳn một phim ngắn về đề tài môi trường. Bài học giản dị qua mẩu đối thoại của những bông hoa trong clip Tree’s talk cũng giúp Tùng ẵm giải nhất cuộc thi “Thành phố bền vững” do Tập đoàn Siemens tổ chức.

Theo Quang Tùng, điều khó khăn nhất khi dùng DSLR (máy ảnh số ống kính rời) để làm phim chính là hạn chế về tiêu cự (muốn có tiêu cự dài phải tốn tiền đầu tư ống kính), khó thực hiện những động tác zoom in, zoom out (phóng xa - gần) và lấy nét với những vật thể chuyển động. Bù lại, với khả năng kiểm soát độ sâu trường ảnh cùng với độ phân giải cao giúp chất lượng của những đoạn video quay bằng DSLR như chiếc Canon 60D của Quang Tùng có thể đạt được hiệu quả hình ảnh gần giống với phim nhựa.

Không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh, trong giới sinh viên TP.HCM còn có hẳn một câu lạc bộ mang tên “REC miền Nam” , quy tụ các thế hệ sinh viên ngành báo chí - truyền thông của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chuyên sản xuất các chương trình truyền hình và phát sóng trên website riêng của CLB. 

Đến những tác phẩm chuyên nghiệp
Trên thế giới, trào lưu làm phim bằng máy ảnh kỹ thuật số đã xuất hiện gần một thập kỷ, nhưng chỉ những năm gần đây người ta mới thật sự quan tâm đến việc làm phim bằng DSLR như một cách để tiết kiệm chi phí và linh hoạt hơn trong khâu sản xuất. Tiêu biểu là những cái tên như The last 3 minutesLike crazy,Hell and back again

Riêng Hell and back again, phim tài liệu về cuộc chiến Afghanistan, đã xuất sắc giành giải nhất trong kỳ liên hoan phim Sundance năm 2011, Hoa Kỳ. Những hình ảnh rất thật về cuộc chiến đã được êkip quay bằng máy ảnh Canon 5D Mark II và một máy handy-cam nhỏ.

Ở Việt Nam, một trong những người khởi xướng cho phong trào làm phim bằng DSLR có thể kể đến cái tên Triệu Quang Huy. Đạo diễn trẻ này là người đã thực hiện rất thành công hai video clip ca nhạc công chúng đón nhận nồng nhiệt là Hồ Gươm sáng sớm  với ca sĩ Hoảng Hải và Nếu như anh đến của Văn Mai Hương.

Ngoài ra, nhờ chất lượng hình ảnh tốt, chi phí đầu tư thấp và tiện lợi, hàng loạt chương trình và dự án video ca nhạc hiện nay như "Ước nguyện" (nhạc sĩ Dương Cầm),  “Không gian âm nhạc Dương và Lý” (Tùng Dương – Lê Cát Trọng Lý)… cũng được thực hiện bằng máy ảnh DSLR.

Dù tác nghiệp bằng phương tiện nào, đích đến cuối cùng của các nhà làm phim là mang đến cho người xem những hình ảnh đẹp, mang tính thẩm mỹ cao và giàu giá trị nghệ thuật. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng máy ảnh kỹ thuật số vẫn sẽ là sự lựa chọn tiết kiệm và đáng tin cậy cho những ai đam mê theo đuổi môn nghệ thuật thứ bảy.

Theo DUY KỲ ANH - TTO










Các bài mới
Các bài đã đăng