Tạp chí Sông Hương -
"Người hùng" Mỹ đổ bộ vào châu Á
16:13 | 23/08/2011
Do lượng sách bán ra đang giảm mạnh ở thị trường nội địa nên các công ty truyện tranh lớn của Mỹ là Marvel và đối thủ cạnh tranh lâu năm của họ là DC Comics đang hướng tới các thị trường hải ngoại để phát triển kinh doanh. 
Đại úy Mỹ đang đặt chân tới cả những địa điểm mới như Singapore

Chính vì lý do đó mà giờ đây các siêu anh hùng khỏe mạnh, rắn chắc của văn hóa truyện tranh Mỹ đang “thách đố” các cô gái Nhật Bản có đôi mắt mộng mơ trong các sản phẩm truyện tranh (manga) của xứ hoa anh đào. Đương nhiên, người chiến thắng sẽ thống trị được thế giới và chinh phục được hàng triệu khán giả tiềm năng ở châu Á.

“Chúng tôi đang nhắm tới lượng độc giả mới với những câu chuyện của mình. Lượng sách bán ra giảm và chúng tôi đang bị mất thị phần bởi nhiều yếu tố khác như trò chơi điện tử, thông tin đại chúng xã hội, điện ảnh và cả nạn sao chép và buôn bán băng đĩa lậu” - CB Cebulski, Phó Tổng giám đốc, kiêm người săn lùng tài năng quốc tế của NXB Marvel (Marvel hiện là công ty truyện tranh lớn và có thị phần lớn nhất ở Mỹ), cho biết. 

Đối thủ của manga Nhật Bản

Tuy nhiên, nền văn hóa truyện tranh ở châu Á đã phát triển phong phú, nhờ vậy đã tạo dựng được một lượng người hâm mộ trung thành. Manga của Nhật Bản, thường mô tả người dân thường chứ không phải là các siêu hùng, vẫn tiếp tục lôi cuốn độc giả. 

Theo thống kê, năm 2009, nền công nghiệp truyện tranh ở Nhật Bản đã thu về được 420 tỷ yên (5,5 tỷ USD). Manga Nhật Bản còn chiếm thị phần lớn ở nhiều nước châu Á khác với những cuốn truyện như Naruto và Bakuman.

Theo kết quả điều tra thị trường tại 10 thành phố trong khu vực do công ty quảng cáo Nhật Bản Hakuhodo xúc tiến thì manga chiếm 61% thị phần ở đảo Đài Loan và gần 50% thị phần ở Hong Kong, trong khi truyện tranh phương Tây chiếm chưa đầy 11%. 

Thế nhưng, lượng tiêu thụ manga ở Nhật Bản cũng giảm mạnh. Chính vì vậy mà Chính phủ Nhật Bản đã thông báo kế hoạch mới nhằm quảng bá mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa đại chúng của nước này, trong đó có manga, ra thị trường quốc tế. 

Còn các công ty truyện tranh Mỹ, mặc dù thời gian này đang chinh phục được lượng công chúng mới thông qua các serie phim làm về các nhân vật truyện tranh như Thor, Người Sắt và Bộ tứ siêu đẳng. Nhưng mặc dù có sự hỗ trợ của các serie phim đó thì các công ty truyện tranh vẫn chưa đạt được thành công như mong muốn. 

Thực ra, Công ty Marvel đã có một cuộc tấn công đầy hung hãn vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc từ những năm 1990, nhưng ông Cebulski thừa nhận họ chưa có một chiến lược đúng đắn cho cuộc đổ bộ đó. “Chúng tôi luôn nghĩ rằng châu Á là thị trường không khó thâm nhập và từng đưa vào thị trường này những sản phẩm theo cách nhìn của mình chứ không theo thị hiếu và đặc tính của công chúng ở nơi đây. Chính vì vậy mà các câu chuyện tranh của Mỹ chưa chiếm được nhiều thị phần ở thị trường này . 

Trong 35-40 năm đầu của nền công nghiệp truyện tranh Mỹ, hầu hết các câu chuyện không đề cập đến chủng tộc, tôn giáo và sắc tộc. Nhưng giờ đây cả DC Comics và Marvel đều đang điều chỉnh lại các chiến lược của mình ở thị trường châu Á. “Để thay đổi được tình hình hiện nay bạn phải có được các cây bút, nghệ sĩ mới cũng như cách nhìn mới” - ông Paul Levitz, một cố vấn lâu năm của DC Comics, khẳng định.

Tuyển chọn tài năng tại chỗ

Ông Cebulski của Công ty Marvel cũng đồng thuận và cho rằng một trong những cách để tiến sâu được vào thị trường châu Á là trao nhiều quyền sáng tạo hơn cho các nghệ sĩ bản địa. 

Và Benjamin Ang là một trong những nghệ sĩ đó. Chàng trai Singapore 27 tuổi này vừa được Marvel chọn để minh họa cho các câu chuyện của công ty. Ang cho biết: “Từ nhỏ tôi đã say mê các nhân vật truyện tranh như Người Nhện, Thor và Dị nhân. Anh trai tôi thì thích sưu tầm truyện tranh Nhật Bản, còn tôi thì thích đọc truyện tranh Mỹ”. 

Ang đã vẽ nhiều hình ảnh bằng kỹ thuật số và gửi email tới Marvel. Một trong những công việc đầu tiên của anh ở công ty này là vẽ trang bìa cho cuốn truyện tranh mới nhất về Người Nhện. 

Ông Cebulski cho biết, Công ty Marvel đang muốn có những nghệ sĩ giống như Ang cũng như các tài năng từ nhiều nước khác trên thế giới, bởi như vậy họ sẽ đưa được sức ảnh hưởng của mình tới “hành tinh” Marvel. “Một đội ngũ sáng tạo sẽ đa dạng hơn nếu đó là một đội ngũ đa sắc tộc, có nhiều người Mỹ gốc Phi hơn, có nhiều người châu Á và nhiều tài năng nữ hơn, như vậy họ sẽ đưa được sự nhạy cảm của mình vào các câu chuyện và giới thiệu các nhân vật phản ánh thế giới mà họ trưởng thành”.

Theo Việt Lâm - TT&VH





















Các bài mới
Các bài đã đăng