Đó là những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về lịch sử cách mạng bên từng tấm ảnh. Bởi vì chú thích ảnh cũng là tư liệu quý về cuộc đời vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam và lừng lẫy địa cầu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái
Thỏa lòng muôn người yêu kính Đại tướng, có câu chuyện về đời riêng, có câu chuyện hòa quyện trong lịch sử nước nhà. Có câu chuyện đã từng nghe và có những chuyện có thể đến bây giờ mới biết. Chuyện kể cùng ảnh thì hấp dẫn và ảnh đem đến cho câu chuyện sự xác thực thì càng tăng thuyết phục.
Nguồn ảnh từ nhân dân
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Trưởng ban biên soạn sách “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” của Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông chia sẻ: "Thực tế để có được bộ sách như mong đợi thì chúng tôi cần phải có 2 năm để sưu tầm, tuyển chọn và thực hiện. Tuy nhiên, với giới hạn thời gian ngắn hơn thế, đến nay tuy chưa thật hoàn hảo như mong muốn nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng để hoàn thành một cuốn sách ảnh xứng đáng để mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi."
"Nguồn ảnh để tuyển chọn cho bộ sách chủ yếu là từ nhân dân, từ những người đồng đội của Đại tướng, từ các cựu chiến binh. Bên cạnh đó là nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam và từ nhiều bảo tàng trên toàn quốc. Nhiều ảnh lần đầu được khai thác từ phía gia đình của các đại tướng, trung tướng, thượng tướng. Mới đầu chúng tôi dự định sưu tầm để chọn ra 100 ảnh, sau đã đón nhận, thu thập được 300 ảnh. Và chúng tôi đã chọn lọc được từ đó 200 bức ảnh quý," ông Nghiêm cho biết.
Theo ông Nghiêm, trình tự được thực hiện có các phần như phần một Tuổi trẻ, quê hương và cách mạng; phần hai Thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phần ba là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
"Đó cũng chính là những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam. Không chỉ ghi lại những thành tích trong chiến tranh mà còn có cả những thành tích trong hòa bình và cả hình ảnh Đại tướng giữa đời thường," ông Lê Văn Nghiêm trao đổi.
Những chuyện hay về Đại tướng
Đằng sau từng tấm ảnh là cả một câu chuyện. Từ bộ sách ảnh, chúng ta có thể hiểu thêm rất nhiều và thêm yêu kính và tự hào về vị Đại tướng của dân tộc. Nhiều tấm ảnh đi kèm chú thích đã làm thành một hình dung đầy đủ về vị Tổng tư lệnh của quân đội nhân dân việt Nam qua các thời kỳ.
Cụ thể như bên bức ảnh Võ Nguyên Giáp khi là tù nhân chính trị trong nhà tù của địch viết: “Do ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh trong phong trào Cứu tế Đỏ, Võ Nguyễn Giáp bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) tháng 10/1930.” Trên tấm ảnh có số hiệu tù chính trị “Võ Giáp 25-10-30”
Từ bức ảnh chân dung Giáo sư Đặng Thai Mai có đôi dòng chữ: “Thầy Đặng Thai Mai đã dìu dắt và đưa Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội và dạy học ở trường Thăng Long,” cho đến bức ảnh về trường Thăng Long có đề dưới bức ảnh: “Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (1932-1939) do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc. Vừa học trường Luật, vừa dạy học, ông viết bài cho các tờ báo “Le Travall”, “Notre Voix”…
Tấm ảnh ghi dấu ấn đặc biệt có in kèm theo sắc lệnh là "Ngày 27/5/1948, Chủ tịch Hồ chí Minh trao quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp theo sắc lệnh 110/SL ngày 20-1-1948 khi ông 37 tuổi."
Người xem còn xúc động trước những tấm ảnh đặc biệt như ảnh Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu đã hy sinh của ông. Bên bức ảnh đó còn ghi: “Sau này, trong một lần đến thăm nhà tù Hỏa Lò cùng con gái Hồng Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động ghi trong cuốn sổ tưởng niệm: “Nhớ mãi hương hồn các anh chị, nhớ mãi hình ảnh của Quang Thái, người vợ, người mẹ của chúng tôi.”
Mọi thế hệ học trò đều từng say mê với bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, bây giờ người giáo viên dạy văn có được tư liệu quý là ảnh và trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi thăm, dặn dò tận tình với những người lính năm ấy “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” thì bài giảng thêm hay, thêm neo lòng nhớ mãi.
Trong cuốn sách ảnh đề rõ: Ngày 1/2/1947, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho các chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến, trong thư có đoạn: "…đối với sức khỏe của mình, cần phải ra sức giữ gìn, không bao giờ quên những nguyên tắc vệ sinh thường, không ăn quả xanh, không uống nước lã."
Đại tướng còn ân cần và chi tiết trong lời dặn đầy tình yêu thương: “…vừa hành quân về không nên tắm nước suối, nơi nào có thể chặt cây lấy lá làm chỗ nằm thì không nên ngủ đất, lại phải vận động luôn, phải luôn luôn vui vẻ. Làm được như thế thì bệnh hoạn có thể tránh được một phần…”
Kèm theo bức thư kể trên, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã làm bài thơ gửi bộ đội Tây Tiến: “Sông Đà, Sông Mã uốn dòng/ Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào/ Con vàn tung cánh bay cao/ Ngọn cờ chỉ lối ngôi sao dẫn đường.” Những cung bậc cảm xúc
Yêu thương sâu lắng là bức ảnh Đại tướng ngồi bên bác Hồ khi người đang nằm nghỉ trên đường chiến dịch, gương mặt Đại tướng có âu lo, thương kính dành cho vị cha già của dân tộc ai cũng thấy rưng rưng. Chú thích ảnh ghi “Trên đường đi Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thăm chủ tịch Hồ Chí Minh (1950).”
Sống động nồng nhiệt là tấm ảnh các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên giáp tại lễ mừng công ngày 13/5/1954.
Trầm lắng suy tư là bức ảnh ghi lại nét mặt trầm tư ở tấm ảnh Đại tướng nghỉ trưa trong một lần thăm lại di tích Đại đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ấm áp ân tình là bức ảnh, “Đại tướng thăm bà Lê Thị Om, dân tộc Thái, Sơn La trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã hy sinh đứa con nhỏ của mình để bảo về cán bộ cách mạng ẩn náu trong hầm bí mật của gia đình (tháng 4/2004)"
Và có lẽ không cần bình luận mà thấy cay mắt, ấm lòng là khi người xem ở trước bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tay lên ngực mình nói: “Đồng đội đã hy sinh luôn luôn còn trong trái tim tôi!” (trên bức ảnh ghi ngày 13/3/2004)./.