Tạp chí Sông Hương -
Văn hào Pháp Marcel Proust: Thời gian không mất
09:09 | 26/08/2011
Với bộ tiểu thuyết đồ sộ "Đi tìm thời gian đã mất", Marcel Proust được nhìn nhận là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền văn học thế giới thế kỷ XX (và có thể cả trong thế kỷ XXI). Ông đã đem tới một cuộc cách mạng về tiểu thuyết và vai trò của ông được ví như Copernic, Einstein trong lĩnh vực khoa học...
Văn hào Pháp Marcel Proust: Thời gian không mất
Văn hào Marcel Proust.

Trong một cuộc bình chọn của Tạp chí Time, "Đi tìm thời gian đã mất" đã được xếp thứ 8 trong số những cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Năm 1995, Đài phát thanh và Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris (Pháp) cũng đã tổ chức thăm dò dư luận và kết quả cho thấy, trong 10 tác phẩm văn học Pháp hay nhất thế kỷ, tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" được xếp... đầu bảng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, tác giả bộ tiểu thuyết được thực hiện trong nhiều năm ròng, có số trang khổng lồ này lại là người có thể trạng sức khỏe không mấy bình thường!

1.Marcel Proust sinh ra trong một gia đình thuộc diện danh giá. Bố ông là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, từng được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu Bộ tinh. Mẹ là người phụ nữ có học, rất yêu nghệ thuật, có thể đọc sách từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Đức… Tuy nhiên, thời gian bà mang thai Marcel Proust, nước Pháp đang rơi vào cảnh tao loạn. Quân đội Đức, sau mấy tháng trời bao vây và phong tỏa, đã tiến vào Paris. Và khi họ rút lui, cảnh hỗn loạn, bắn giết nhau rộ lên khắp nơi. Một buổi sáng, trên đường cuốc bộ tới bệnh viện làm việc, ông Adrien Proust, bố của nhà văn tương lai đã suýt bị tử thương vì một viên đạn lạc. Quá hoảng sợ trước những sự cố bất ngờ như vậy, bà Jeane Weil, vợ ông Adrien đã quyết định tạm nương thân trong nhà một người họ hàng ở Auteuil, một ngôi làng thuộc ngoại ô Paris, nơi ít nhiều còn bình yên. Và cậu bé Marcel Proust đã lọt lòng mẹ tại đây, vào ngày 10/7/1871.

Marcel Proust là một cậu bé có thể chất yếu đuối. Không mấy ai tin cậu có thể sống được tới tuổi đi học. Năm Marcel lên 9 tuổi, trong một cuộc dạo chơi trong rừng Boulogne, cậu bất thần lên cơn hen suyễn, suýt nữa thì nghẹt thở, nguy đến tính mạng. Từ đó, bà mẹ không để cho cậu con trai tự do chơi đùa, chạy nhảy thỏa thuê như những đứa trẻ khác. Bản thân cậu, trong đời sống nội tâm cũng có nhiều thay đổi. Cậu hay có những cơn "nổi loạn" bột phát, khiến người thân phải "để mắt" tới nhiều hơn. Bà Jeanne Weil lý giải những dấu hiệu bất thường cả trong tâm tính lẫn thể chất của con trai có căn nguyên từ việc bà chịu những áp lực tâm lý khi mang thai trong thời kỳ Paris bị vây hãm.

Tranh vẽ cảnh Marcel Proust đang sáng tác trên giường bệnh.


Để bù đắp những thiệt thòi cho cậu con trai yêu quý của mình, bà Jeanne đã có cách chăm sóc con có phần thái quá, khiến cậu ngày càng rơi vào lối sống co cụm, vị kỷ. Thậm chí sau này, bản thân Marcel Proust từng có nhận xét rằng, khuynh hướng "đồng tính luyến ái" của ông phần nào bắt nguồn từ việc ông nương dựa tình cảm vào người mẹ quá nhiều.

Năm 1903, ông Louis Proust bị sung huyết não qua đời. Hai năm sau, đến lượt bà Jeanne theo gót chồng. Bà bị cảm và mất đột ngột sau khi đưa người con trai - khi ấy đã 34 tuổi - đến dưỡng bệnh ở Evitan. Cái chết của người mẹ là cú sốc khủng khiếp đối với Marcel. Đấy có lẽ là lần đầu tiên ông tách rời cuộc sống của mình khỏi bàn tay chăm bẵm của người mẹ. Từ đây, cuộc đời Marcel Proust chuyển sang trang mới. Từ nơi dưỡng bệnh, ông chuyển tới sống tại căn nhà do các bậc sinh thành để lại trên đại lộ Hausmann. Để chuẩn bị cho một cuộc sống ẩn dật, ông cho bịt kín các khe hở ở căn phòng của mình để ngăn chặn âm thanh từ bên ngoài vọng vào. Không chỉ có vậy, ông còn liên tục cho xông khói khắp căn phòng để khử những mùi ông thấy khó chịu. Ông tránh tham gia những cuộc hội tụ đông người và hầu như chỉ đi dạo vào… ban đêm.

Những ngày đầu vắng mẹ, Marcel thường thức dậy giữa canh khuya. Những cơn hen suyễn làm ông nghẹt thở. Một ngày, ông chỉ dành ra đúng một tiếng, từ 6 tới 7 giờ chiều để tiếp khách. Trong phòng ông lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc xông và thuốc trị suyễn. Ở thời kỳ sức khỏe suy sụp, khi tiếp bạn bè, ông thường nằm trên giường, ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt, đi găng tay. Năm 1910, có những tháng ông không một lần bước ra khỏi phòng và ngay cả ở trong phòng, ông cũng chỉ một, hai lần bước ra khỏi giường. Xung quanh ông là ngổn ngang các cuốn vở và một dãy dài lọ mực. Ông không cho phép những người phục vụ dọn dẹp cho gọn vì nó đang phải phục vụ nhà văn trong cuộc chạy dài hơi cho một tác phẩm lớn.

Nhà văn Leon - Paul Fargue đã nhớ lại hình ảnh "đáng sợ" của Proust những năm cuối đời: "Trông ông rất bợt bạc. Mái tóc trùm lấp lông mày và chòm râu quai nón thì như muốn nuốt chửng khuôn mặt". Nhà văn Sidonie - Cabrielle Colette cũng không sao quên được hình ảnh Marcel Proust sau khi ông cho xuất bản những tập đầu của "Đi tìm thời gian đã mất". Lúc ấy, ông gần như chỉ giam mình trong phòng, và cả cơ thể xem ra chỉ nặng không đến 45kg. Một tiểu thư lần đầu tiếp xúc với Marcel Proust đã hoảng sợ… suýt ngất khi bắt gặp ánh nhìn chòng chọc, lạnh lẽo của nhà văn.

Marcel Proust thực sự là một hiệp sĩ đã chiến đấu bằng cây bút đến hơi thở cuối cùng. Ngày 18/11/1922, tức là vào đúng ngày ông tạ thế, vài giờ trước khi mất, Proust bảo người giúp việc mang tới cho ông tập bản thảo ông viết dở về một nhân vật đang hấp hối. Ông giải thích: "Tôi phải sửa lại đoạn này. Bây giờ tôi cũng đang trong tình cảnh hấp hối như nhân vật ấy đấy". Ít giờ sau, ông tắt thở, tay vẫn cầm bút.

2."Đi tìm thời gian đã mất" là một bộ tiểu thuyết đồ sộ, gồm cả thảy 7 tập, trên dưới 3.000 trang. Tác giả gần như đã dành cả cuộc đời để hoàn thành bộ sách. Do một lý do khách quan mà tập đầu tiên của bộ sách được xuất bản (vào năm 1913) lại không phải là tập 1 mà là tập…2 (đã đưa tác giả đến với Giải Goncourt danh giá). 3 tập nữa được xuất bản khi tác giả còn sống và 3 tập cuối cùng phải tới các năm 1923, 1925 và 1927 (khi tác giả qua đời đã được 5 năm) mới được xuất bản hết.

"Đi tìm thời gian đã mất" mang đậm dấu ấn tự truyện, với việc nhân vật chính trong vai người kể chuyện và xưng "tôi". Bộ tiểu thuyết kể chuyện tác giả ngày còn nhỏ, với những ước mơ, những câu chuyện tình. Bao nhiêu lọc lừa, giả trá trong cuộc sống diễn tiến nơi giới thượng lưu. Từ đó, tác giả đã tìm ra lẽ sống của mình, cao hơn hết là dâng hiến cho nghệ thuật. Nhà phê bình văn học người Pháp Pierre de Boisdeffre quả là có lý khi nhận xét: "Với Proust, tất cả những gì ông làm, ngoài sáng tác văn học, ông đều cho là thời gian đã mất…".

Trong bộ tiểu thuyết, nhân vật người mẹ của người kể chuyện không ai khác chính là hình mẫu của bà Jeanne Weil, mẹ đẻ của Proust. Bao nhiêu đặc điểm tính cách, vốn học vấn uyên bác của bà đều được tác giả đưa vào đây. Thậm chí, đến lời trăng trối của bà: "Nếu con không phải là một người La Mã thì ít nhất cũng phải hành động như một người La Mã" cũng chính là một câu trích ra từ tác phẩm của La Fontaine. Điều ấy cho thấy Marcel Proust yêu mẹ, kính mẹ biết bao.

Sinh thời, nhà văn Anh Graham Green (tác giả "Người Mỹ trầm lặng") từng nhận định: "Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, giống như là Tolstoy của thế kỷ XIX". Tuy vậy, không phải nhà văn nào cũng đánh giá đúng tầm vóc và sự đóng góp của ông. Andre Gide từng xuýt xoa tiếc nuối vì thời kỳ còn làm giám đốc một nhà xuất bản danh tiếng, ông đã thẳng thắn từ chối bản thảo "Bên phía nhà Swann" (tức tập mở đầu của bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất") vì cho rằng Proust chỉ là một kẻ hợm hĩnh, lập dị, thậm chí bệnh hoạn. Nhà văn trẻ Lucien Daudet cũng từng có hành xử không đúng khi nhận xét Proust là "một thứ sâu bọ tàn ác". Chỉ đến khi tạp chí La Nouvelle Revue Francaise - một tạp chí văn học có uy tín ở Pháp cho xuất bản số đặc biệt tưởng niệm một năm ngày mất của Marcel Proust, với nhiều lời ghi nhận trân trọng và xúc động của các đồng nghiệp về cuộc đời và văn nghiệp của tác giả "Đi tìm thời gian đã mất", bấy giờ dư luận như mới bừng thức, mới nhận chân được sức mạnh mang tính cách tân từ bộ tiểu thuyết của ông

                                                                                   Theo Trần Trọng Nghĩa - VNCA














Các bài mới
Các bài đã đăng