Tạp chí Sông Hương -
Văn học nghệ thuật và tư duy quản lý hành chính- liệu có song hành?
09:20 | 30/08/2011
Thời gian qua, có rất nhiều phản hồi về việc trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND), Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thông tin phản hồi đó cũng đã được các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa giải đáp. Nhưng, qua việc trao thưởng, đã đến lúc đặt ra vấn đề cần điều chỉnh cơ chế và tiêu chí xét tặng đối với các giải thưởng về nghệ thuật.
Văn học nghệ thuật và tư duy quản lý hành chính- liệu có song hành?

Những vướng mắc từ thực tiễn…

Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND), Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) là những danh hiệu hết sức cao quý, ghi nhận những đóng góp của người nghệ sỹ đối với đời sống tinh thần của xã hội. Cùng với đó, các giải thưởng này còn là biểu hiện của đường lối phát triển văn hóa, là sự ghi nhận thành tựu của văn nghệ sỹ, khẳng định giá trị đích thực của sự sáng tạo. Vì thế, việc công nhận các giải thưởng là cần thiết và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà.

Thực tế thời gian gần đây, có rất nhiều phản hồi trái chiều của công chúng, nghệ sỹ và cả các nhà quản lý văn hóa xung quanh việc xét tặng các giải thưởng này. Đơn cử những trường hợp được nhắc đến nhiều như: nhạc sỹ Phạm Tuyên; nghệ sỹ violin Bùi Công Duy, nhà văn Nguyên Ngọc… Vấn đề ở đây không chỉ là những trường hợp, những con người cụ thể mà có lẽ, những bất cập cần được nhìn nhận từ khía cạnh cơ chế và tiêu chí của một giải thưởng.

Việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2011 được quy định tại thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL, ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại Điều 3, Thông tư 03 quy định, Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2.9. Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố 2 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2.9. Việc quy định như vậy đã khiến dư luận và công chúng đặt câu hỏi: phải chăng, việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước cũng giống như việc đến ngày đến tháng lên lương. Nói như Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh, mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời cần thời gian thai nghén, thẩm thấu mới đi được vào lòng công chúng và đời sống nghệ thuật của nước nhà. Vậy có nên chăng, khi chúng ta quy định cứng thời gian xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là 5 năm một lần và thời gian xét tặng Giải thưởng Nhà nước là 2 năm một lần ?

Bên cạnh đó, theo Điều 8, Thông tư 03 quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật cũng đang gặp những vướng mắc từ thực tiễn. Theo quy định, để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, tác giả, đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả phải có hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét Giải thưởng. “Hồ sơ được lập thành 4 bộ, mỗi bộ bao gồm: Một bản đăng ký tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước về một chuyên ngành văn học, nghệ thuật (theo mẫu 1a hoặc 1b của Thông tư này) có dán ảnh 4x6 của tác giả hoặc đồng tác giả. Một bản sao hoặc bản chính tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình đề nghị xét tặng dưới dạng: tranh, ảnh (khổ 21cm x 29,7 cm), băng, đĩa, sách, kèm theo bản tóm tắt giới thiệu nội dung tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình. Các bản sao (có chứng thực) về Quyết định khen thưởng hoặc Giấy chứng nhận giải thưởng, mỗi giải thưởng một bản sao…”. Việc quy định, người nghệ sỹ, muốn được trao tặng phải tự mình làm đơn đề nghị trao tặng có thoát khỏi vòng kim cô của cơ chế “xin- cho”. Bản thân mỗi sáng tạo nghệ thuật đều tiềm tàng cái “tôi nghệ sỹ” và tâm huyết, sự cống hiến vô tư, hết mình cho cuộc sống. Đáp lại sự cống hiến vô tư đó phải là một sự “trao- tặng” tự nhiên theo đúng nghĩa của nó. Chỉ có như vậy, nghệ thuật mới được đánh giá đúng và được đặt ở vị trí đời sống tinh thần đúng nghĩa của nó.

Đó là chưa kể những bất cập khác như: quy định 15 năm hoạt động nghệ thuật liên tục cũng là quy định chưa hợp lý. Vì có nhiều nghệ sỹ giỏi nhưng không thuộc biên chế ngành nào. Có nhiều người nếu tính biên chế nhà nước 15 năm thì không đủ, nhưng nếu xét cống hiến cho nghệ thuật suốt 15 năm liên tục thì họ có thừa.

Cần sự thay đổi trong tư duy quản lý nghệ thuật

Từ những bất cập trên, đã đến lúc, cần đặt ra yêu cầu bức thiết về việc thay đổi lại cơ chế và tiêu chí xét giải. Có nhiều ý kiến đặt ra nên chăng, chúng ta cần có một hội đồng nghệ thuật chuyên ngành để làm công việc theo dõi quá trình hoạt động của các nghệ sỹ. Cơ quan văn hóa phải chủ động tìm kiếm những người có nhiều cống hiến mà trao tặng. Đồng thời, công chúng- đối tượng cảm nhận, hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật- phải là một kênh thông tin đánh giá về cống hiến của nghệ sỹ. Giá trị của danh hiệu mà các nghệ sỹ được tặng chỉ có ý nghĩa khi được công chúng đồng tình và tôn trọng tối đa "cái tôi" của mỗi nghệ sỹ.

Với trường hợp của nhạc sỹ Phạm Tuyên, những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà là rất đáng trân trọng. Hơn 60 năm tham gia cách mạng, ông đã viết hơn 700 ca khúc cho mọi đối tượng, được nhớ và được hát khắp nơi. Và với một người nhạc sỹ đã suốt đời cống hiến vì nghệ thuật liệu chỉ làm đúng quy định là đã hết trách nhiệm ? Hay như trường hợp của nghệ sỹ violin Bùi Công Duy, có cần cứng nhắc đạt 100% số phiếu của Hội đồng xét đặc cách danh hiệu NSƯT mới được xét đặc cách... Mỗi dịp xét trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, đối với đội ngũ những nghệ sỹ, những nhà nghiên cứu, sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng trong quá trình triển khai thực hiện nhằm xét chọn được đúng các tác phẩm có đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Qua việc trao tặng lần này, một lần nữa, chúng ta cần nhìn nhận lại cơ chế xét tặng giải thưởng hiện nay để có sự xem xét, điều chỉnh cho hợp lý, làm sao để không sót những người mà công lao, đóng góp của họ thực sự xứng đáng. Và quan trọng hơn, không mất lòng tin của công chúng vào giá trị của những vinh danh.

Và cũng từ một giải thưởng như vậy, nên chăng, chúng ta cần đặt ra vấn đề thay đổi trong tư duy trong xét tặng, quản lý giải thưởng nghệ thuật nói chung. Đời sống văn hóa nghệ thuật, bên cạnh định hướng của Đảng, Nhà nước còn có đặc thù riêng của nó- trong đó, cái tôi sáng tạo được tôn trọng. Nếu gò sự sáng tạo nghệ thuật vào một khuôn quản lý hành chính nhất định thì chính làm mất đi tính sáng tạo và giá trị đích thực của nó. Để việc quản lý hành chính không ảnh hưởng đến cái “tôi” của người nghệ sỹ thì cần cơ chế mềm dẻo, linh hoạt, đặc biệt, đề cao được sự sáng tạo của người nghệ sỹ. Chỉ có như vậy, các giải thưởng mới là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của nghệ sỹ.

Theo Thanh Hà - ĐBND















Các bài mới
Các bài đã đăng