Nếu thu hẹp lại yêu cầu công văn của BCH Hội Nhà văn Việt Nam đến các hội, địa phương về chuyên môn, bỏ đi chữ “ưu tiên” để chỉ còn “các tác giả có sách và được dư luận chú ý”, thì danh sách này sẽ rút ngắn rất nhiều và tên đại biểu trên bản danh sách cũng sẽ được thay đổi đáng kể.
Có thể còn thay đổi về số lượng đại biểu Sau thời gian “nín thở” chờ đợi của nhiều tác giả trẻ trong cả nước, sau khó khăn về kinh tế, tưởng chừng phải lùi đến sang năm, sau vài vụ kiện cáo từ công khai trên báo đến kiện cáo “kín” không chỉ từ phía cá nhân mà còn cả hội nhà văn địa phương đến Hội Nhà văn Việt Nam nhân Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII (tại Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, từ 7/9 đến hết 11/9), rốt cuộc, 113 cái tên đã được ký duyệt. Và danh sách này vẫn còn nhiều khả năng thay đổi đến giờ phút chót. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Khâu tổ chức của Hội nghị này chủ yếu do BCH Hội Nhà văn Việt Nam đảm nhiệm, còn Ban Nhà văn trẻ có nhiệm vụ là giới thiệu các tác giả trẻ và giúp việc cho BCH. Công tác chuẩn bị cho Hội nghị nhìn chung là vất vả. Ban Nhà văn trẻ có nhiệm vụ tập hợp danh sách đề cử mà các hội, các địa phương gửi về, chúng tôi đã kiểm tra thông tin từ nhiều hướng, có những tác giả trẻ có nhiều đóng góp về ý kiến, nhưng tác phẩm lại chưa thực sự nổi trội hoặc cũng có tác giả chưa ra được cuốn sách nào nhưng chúng tôi vẫn chọn lựa bởi đó là những nhân tố mới, giọng điệu mới có những hứa hẹn mà chúng ta đang cần”. Hội thảo ít, giao lưu nhiều Theo như bản chương trình Hội nghị mà BTC đã nêu, từ chiều ngày 7/9, các đại biểu đến từ khắp các địa phương trong cả nước sẽ được đón tiếp tại Hội Nhà văn VN, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Buổi tối sẽ diễn ra hội nghị trù bị và phát tài liệu, thông báo chương trình, nội quy tổ chức... đến các đại biểu. Sáng ngày 8/9, đoàn xe chở đại biểu sẽ lên đường đến Phú Thọ, dâng hương tại Đền Hùng. Ngoài việc giao lưu, tham quan danh lam thắng cảnh địa phương, tiến hành hoạt động văn nghệ, dự liên hoan chiêu đãi... tâm điểm của hội nghị là 3 buổi thảo luận chia làm 2 nhóm Thơ trẻ và Văn xuôi trẻ diễn ra tại Tuyên Quang. Buổi sáng 9/9 khai mạc, buổi chiều là hội thảo và sáng hôm sau (10/9) tiếp tục hội thảo và kết thúc hội thảo. Tuy nhiên, theo nhận xét của một nhà phê bình trẻ (có tên trong danh sách đại biểu, nhưng từ chối không đi) là thời gian diễn ra hội thảo quá ít, giao lưu vẫn là chính. Với 24 tham luận cho cả văn, thơ, BTC còn “đặt hàng” thêm tham luận, chưa tính thảo luận và trao đổi (nhấn mạnh việc thảo luận và trao đổi trong hội thảo) thì thời gian ấy, liệu có đáp ứng được tiêu chí mà BTC đặt ra: “Cho toàn xã hội được lắng nghe giọng nói của các nhà văn, những người tham gia chính thức Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, về những vấn đề mà chúng ta đang đương đầu như môi trường thiên nhiên, nhân cách người cầm bút, các quan hệ xã hội, số phận con người, số phận khát vọng của dân tộc chúng ta trong thời gian đặc biệt này của đất nước” như lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu? Nhìn vào danh sách 113 đại biểu tham dự hội nghị lần này (gấp 1,6 lần đại biểu tham gia hội nghị trước, chưa kể số lượng khách mời lên tới gần trăm người), đây được xem là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất từ trước tới nay (tính từ hội nghị lần thứ nhất vào năm 1959). Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa nói lên chất lượng. Và liệu lời khẳng định của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam rằng: “Cái quan trọng nhất sau hội nghị này mà chúng tôi mong muốn đạt được là một thế hệ nhà văn mới cảm nhận được trọng trách của nền văn học, của đất nước. Và nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam là bắt tay chuẩn bị cho một thế hệ nhà văn mới xuất hiện”... có thành hiện thực? Chúng ta sẽ còn phải chờ thực tế hội nghị diễn ra. Theo Việt Quỳnh - TT&VH |