Nghệ thuật cải lương ra miền Bắc vào những năm 50 của thế kỷ trước khi các nghệ sỹ tản cư được tập hợp lại ở ngôi nhà chung là Liên đoàn Ca kịch kháng chiến liên khu IV với nhiệm vụ phục vụ cách mạng, kháng chiến. Quá trình phát triển của cải lương miền Bắc được đánh dấu bởi sự xuất hiện của những vở diễn tầm cỡ... Tuy nhiên, những năm gần đây sức ép của cơ chế thị trường, sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại khiến cải lương miền Bắc dần thưa vắng khán giả. Thiếu kịch bản hay, thiếu nghệ sỹ tài danh khiến khán giả không còn mấy mặn mà với cải lương. Không ít nghệ sỹ, trong đó có một số nghệ sỹ tài năng đã chán nản, bỏ nghề. Các nghệ sỹ yêu nghề cũng rất chật vật khi vừa tập luyện, biểu diễn giữ nghề, vừa tính kế mưu sinh. Theo Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Bùi Xuân Tiến, để các nghệ sỹ được diễn, để có khán giả, Nhà hát đã tổ chức nhiều chuyến lưu diễn đến các vùng sâu, vùng xa, phục vụ các lễ hội, phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên, bộ đội, công nhân... Nhà hát cũng chủ trương mỗi nghệ sỹ cố gắng tổ chức một đêm biểu diễn để tăng thu nhập. Những nỗ lực đó đã được đền đáp khi khán giả bắt đầu quay lại với sân khấu cải lương. Dù còn thưa vắng nhưng sân khấu cải lương miền Bắc đã đỏ đèn. Mặc dù vậy đây chưa phải là giải pháp mang tính bền vững trong việc kéo khán giả đến với nghệ thuật cải lương. Nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam NSƯT Lê Chức nhận xét: khoảng 10 năm trở lại đây, cải lương miền Bắc chưa có vở diễn nào thực sự nổi bật, nguyên nhân chính là thiếu kịch bản hay. Đây là lỗi của các nhà viết kịch bản vì cuộc sống hiện tại không thiếu những câu chuyện kịch tính, ở đó có cả sự khắc nghiệt và bi lụy. Ngoài ra, ông cho rằng cải lương miền Bắc quá chú trọng vào biểu diễn khiến giọng ca bị căng cứng, không có sự mượt mà, ngọt ngào như cải lương miền Nam, đây là một hạn chế cần sớm được khắc phục. Theo ông, để khán giả miền Bắc yêu thích, đến với nghệ thuật cải lương, các nhà hát cần phải giải quyết được 4 vấn đề: định hướng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, đội ngũ nghệ sỹ tài năng và đảm bảo mức thu nhập. Đồng quan điểm với NSƯT Lê Chức, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội NSƯT Trần Quang Hùng hiến kế, cần phải đưa yếu tố hài hước của nghệ thuật tuồng, chèo (thế mạnh của nghệ thuật truyền thống miền Bắc) vào cải lương để làm mờ đi sự căng cứng của giọng ca. Ông lý giải, các nghệ sỹ cải lương phía Bắc đa phần đều xuất thân từ nghệ sỹ tuồng, chèo nên đây là một thế mạnh cần được phát huy. Yếu tố hài hước khi đưa vào cải lương phải nhuần nhuyễn, đáp ứng được những tiêu chí về văn hóa, nghệ thuật. Về việc quảng bá, cải lương miền Bắc còn xem nhẹ việc tạo dựng ngôi sao, giới thiệu các gương mặt nghệ sỹ trên báo chí, truyền hình, thực hiện các chương trình biểu diễn lớn... trong khi đó các đoàn có không ít nghệ sỹ tài năng được đánh giá cao trong các kỳ hội diễn. Để có sự tiếp nối, phát triển bền vững NSƯT Trần Quang Hùng cũng lưu ý các nhà hát quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ kế cận, bởi theo ông việc đào tạo tại các trường nghệ thuật còn nhiều bất cập, đặc biệt diễn viên được đào tạo rất ít về chuyên môn. Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH, TT và DL, Vương Duy Biên nhận định: việc gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật cải lương trong đời sống hiện đại là một vấn đề lớn của ngành văn hóa. Hiện tại, khán giả của các bộ môn này chủ yếu là người già và khi lớp khán giả này mất đi sẽ không có đội ngũ khán giả kế cận. Lấy ví dụ từ chính bản thân, là một khán giả, ông Vương Duy Biên cho biết, một số vở diễn của nghệ thuật truyền thống khi xem xong chỉ hiểu được đến... 30% nội dung. Vì thế, để lớp trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống, trong khi có sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại khác, cần phải làm cho các em hiểu được nghệ thuật truyền thống. “Thời thanh niên tôi đi xem những vở như: Chim Việt cành Nam, Cây sầu riêng trổ bông… thấy rất xúc động và cuốn hút. Theo tôi, để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương ở miền Bắc, nội dung các vở diễn cần đi sâu vào phản ánh đời sống hiện tại. Chỉ khi lớp trẻ hiểu, yêu thích và đón nhận, cải lương miền Bắc mới thật sự được gìn giữ, phát huy một cách lâu bền”. Theo Cao Sơn - ĐBND |