Tạp chí Sông Hương -
Chuyện quay phim dưới nước của “Discovery Việt”
14:17 | 06/09/2011
Giành Bông sen bạc thể loại phim khoa học tại LHPVN 16, phim Cá rạn san hô (đạo diễn Vũ Hoài Nam) vừa được phát sóng trên kênh VTV2 trong chương trình “Những mảnh ghép cuộc sống” đã khiến người xem sững sờ vì những cảnh quay dưới nước đẹp và hấp dẫn không kém phim… ngoại.
Chuyện quay phim dưới nước của “Discovery Việt”

Đây là 1 trong 3 tập của bộ phim “Sinh vật biển VN” do nhóm làm phim tài liệu thuộc Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình VN- những người làm phim theo phong cách Discovery thực hiện.

Cảm giác cô đơn ở đáy đại dương

Nói về bộ phim đang được khán giả “nắc nỏm”, đạo diễn Hoài Nam bảo: “Tài nguyên biển của VN rất phong phú nhưng vì nhiều lý do lâu nay khán giả VN mới chỉ được xem các thước phim khám phá đại dương của nước ngoài làm. Điều này đã thôi thúc chúng tôi – những người làm phim tài liệu trẻ của VTV đưa vẻ đẹp độc đáo của biển VN đến với khán giả”.

Là một trong số những người trực tiếp thực hiện những cảnh quay dưới đáy đại dương, Nguyễn Hoàng Lâm (Trưởng phòng Phim Tài liệu và Khoa học –Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình VN) là người đầu tiên dám dìm máy quay trên cạn xuống biển.

Anh cũng là người đôn đáo đi mượn những máy quay “tậm tịt” của những người trục vớt tàu đắm để làm phim về biển VN và đã thành công. Nguyễn Hoàng Lâm kể: “Năm 2003, tôi vác máy quay ra Côn Đảo quay rùa biển. Mấy anh kiểm lâm rủ lặn, thế là quay dưới nước luôn. Không ngờ thành công.

Thấy hay hay, tôi lập nhóm quay phim dưới nước, phát triển một đội lặn gồm 6 người, trong đó 2 người có bằng lặn mức độ 2. Sau bộ phim Rùa xanh ở Côn Đảo, chúng tôi đã quay hơn 10 phim khác dưới nước ở Phú Quốc, Khánh Hòa, Côn Đảo, Đồng Tháp...

Khác với những phim tài liệu quay trên cạn, thể loại phim khoa học quay dưới nước không có kịch bản trước. Bởi ngay cả khi đã lặn khảo sát trước thì lúc xuống quay cảnh vật ở vị trí đó đã không còn như cũ. Cảm giác lần đầu xuống nước là rất sợ, nhất là những phút đầu. Những lần sau vẫn có cảm giác ấy. Nguyên nhân sợ chỉ bởi cảm giác cô đơn kinh khủng.


Đang quen tác nghiệp trên bờ có nhóm mấy người, xuống nước chỉ 2-3 người lại chẳng thể nói chuyện, thông tin hay báo động gì cho nhau được cả. Mà ở dưới nước thì nhìn đâu biết vậy thôi, cái gì đang diễn ra sau lưng mình thì có trời mới biết được, đặc biệt là lặn đêm.Buổi đêm thì chỉ nhìn thấy những gì mà đèn rọi vào còn xung quanh thì như hũ nút, ghê lắm. Nhưng cảnh dưới đó cực kỳ đẹp nên dần dần quên đi hết mọi thứ”.


Không ít nguy hiểm rình rập

Thường thì các sự cố dưới nước đã được luyện tập rất kỹ ở các khóa học lặn, nhưng trên thực tế sự cố mà các nhóm làm phim dưới nước thường gặp luôn nằm ngoài “sách vở”. Lúc thì bị nọc cá chích, khi bị sứa biển làm bỏng, đôi lúc là vấn đề của thiết bị lặn, đó là chưa kể sự cố đáng sợ nhất là… tai nạn lặn.

Gặp trường hợp bị dị ứng từ sinh vật, lập tức phải lên bờ để sơ cứu đề phòng nọc độc; nếu xuống sâu và nhanh, áp suất sẽ làm người lặn bị chảy máu tai dẫn đến điếc tùy theo độ nặng nhẹ. Nguy hiểm nhất là vì nhiều lý do mà đang ở sâu bị trồi lên nước ngay lập tức.

Trường hợp này dễ dẫn đến lượng ni tơ trong máu phát sinh đột biến, áp lực nước giải phóng quá nhanh dễ gây bại liệt (nhiều trường hợp dân lặn tự do đã mắc phải). Nguy hiểm rình rập nên mỗi chuyến lặn, bên cạnh quay phim chính luôn có 1-2 người đi kèm trợ giúp. Vậy mà tai nạn nho nhỏ vẫn cứ xảy ra.

Một lần ở ngoài phao số 0, quay phim Chu Vui và Nguyễn Hoàng Lâm cùng xuống nước, khi lên bị chảy máu tai, cả hai mặt cắt chẳng còn giọt máu. Còn khi làm phim Cá rạn san hô, đạo diễn Hoài Nam “dính” nọc độc của Mao Tiên. Có mặt lúc Hoài Nam gặp sự cố, Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Quay cá Chình và Mao Tiên ban đêm cực kỳ ấn tượng.


Dưới ánh đèn sáng, cá Chình và Mao Tiên hiện ra như hai đại diện các thái cực của đại dương. Nếu cá Chình biển luôn nhe hàm răng nham nhở ra dọa nạt và nó cũng thực sự nguy hiểm nếu mình bị đớp thì Mao Tiên lại như một diễn viên múa nhẹ nhàng, uyển chuyển. Có điều, vẻ nhẹ nhàng ấy cũng rất nguy hiểm vì ở mỗi đầu mút của nó đều có nọc độc. Đạo diễn Hoài Nam vừa đụng tay vào nó đã bị tê buốt như bị điện giật. Vài ngày sau đó, tay của Nam vẫn bị sưng tấy”.

Mong tạo thương hiệu cho dòng phim Discovery Việt

Thích phong cách làm phim của Discovery, đi sau thế giới trong việc quay phim khoa học dưới nước, nhưng nhóm làm phim của Nguyễn Hoàng Lâm lại muốn ấp ủ ước mơ tạo thương hiệu cho dòng phim Discovery Việt. Lâm tâm sự: “Trong các phim đã làm (khoảng gần 200 phim), chúng tôi luôn cố gắng tìm thứ ngôn ngữ riêng và gần gũi để kể chuyện. Quan trọng nhất là câu chuyện của mình phải có bóng dáng Việt Nam. Một eo biển quen thuộc, một hướng dẫn viên người Việt đan xen trong câu chuyện sẽ làm cho sắc màu của phim không bị… Tây”.

Với 6 thành viên, những năm trước nhóm của Lâm sản xuất 44-50 phim/ năm nhưng từ năm 2011, số lượng này chỉ còn 25 phim/ năm. Lý do sụt giảm số lượng phim tới… một nửa xuất phát từ chính đề xuất của nhóm làm phim. Bởi nắm bắt nhu cầu của khán giả Việt thích những phim đề tài động vật mà loại phim này nếu làm theo phong cách Discovery rất mất công, cầu kỳ, kỹ lưỡng, lại còn phải chăm chút để bộ phim có được hồn vía Việt, bản sắc Việt trong lúc thiết bị làm phim vẫn chưa thực sự hiện đại thì việc giảm 1/2 số lượng để có phim hay, hấp dẫn là sự lựa chọn của những nhà làm phim khoa học trẻ.

Quay trở lại với phim đề tài dưới nước, Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Hiện tại, các thiết bị quay tạm đáp ứng nhu cầu tác nghiệp, tuy nhiên về chất lượng hình ảnh vẫn chỉ là định dạng DVCam chứ chưa đạt được độ nét cao do thiết bị tương đối cũ. Các trang thiết bị phụ trợ như bình lặn, áo lặn,… cũng chỉ đủ đáp ứng tối thiểu để xuống nước. Nếu được trang bị máy quay HD và đồ dùng phụ trợ như chân máy, đèn công suất lớn, chắc chắn khán giả sẽ được xem những thước phim Việt đề tài đại dương chất lượng tốt hơn Cá rạn san hô hàng chục lần. Dự kiến bộ phim quay dưới nước thực hiện trong năm nay sẽ được quay ở biển miền Trung và Trường Sa”.

                                                                                      Theo Chu Thu Hằng - VH















Các bài mới
Các bài đã đăng