Miêu tả về tác phẩm của các cây viết trẻ hiện nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: "Nhiều đầy tràn nhưng còn ít sâu lắng. Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”. Quả thật, giữa thời buổi nhà nhà in sách, người người in sách, cứ có tiền là có... sách như hiện nay, việc viết lách dường như quá dễ dãi. Nhưng khi ngoảnh đầu nhìn lại hàng nghìn tác phẩm được in ra, người ta mới thấy, viết thì dễ, nhưng để có được tác phẩm được xã hội công nhận thì không phải chuyện đơn giản... thích thì viết. Nói như nhà phê bình Đoàn Minh Tâm Anh: "Các cây bút trẻ giờ có nhiều nguồn tìm kiếm tư liệu và quá trình tìm kiếm thuận tiện hơn so với thế hệ đi trước. Tuy nhiên việc xử lý tư liệu chung ngoài đời sống thành những tư liệu riêng mang dấu ấn cá nhân trong tác phẩm lại không hề dễ dàng chút nào”. Hiện nay, không ít độc giả yêu văn chương cảm thấy hụt hẫng khi thấy vô vàn những cuốn sách chạy theo trào lưu "sốc, sex và đồng tính” lại "đắt hàng như tôm tươi”. Và không ít cây bút trẻ đã bị cuốn theo cơn lốc "văn tặc”, "văn sex”... May thay tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần VIII, nhiều cây bút trẻ đã dám thẳng thắn nhìn lại chính mình, đại biểu Lê Hưng Tiến đến từ Ninh Thuận chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đi dự Hội nghị dành cho người viết trẻ, đến đây tôi mới "vỡ” ra được nhiều điều về lao động chữ nghĩa. Văn chương không phải một cuộc chơi như mọi người vẫn nghĩ, mà cho dù đó là một cuộc chơi thì phải chơi hết mình, đúng luật, trên tinh thần "thượng võ”... Nhưng nói thật là tôi cũng thấy lo lắng, rằng sau đây khi trở về, ra khỏi bầu không khí chung vui vẻ này, còn lại một mình với trang giấy, tôi sẽ tiếp tục viết như thế nào để vượt qua những điều mình đã có”.
Trước tinh thần cầu tiến của những cây viết trẻ, các nhà văn "già” cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Theo nhà văn Nguyễn Khắc Trường: "Với những người viết trẻ hiện nay, chúng ta đã có cái đế vững chắc, nhưng còn cần lắm những gương mặt tiêu biểu... Ngòi bút của các anh chị đang căng tràn nhựa sống... Hãy chớp lấy thời cơ để làm được một cái gì. Hết nhựa là hết duyên”. Có thể khẳng định, để hướng ngòi bút đi theo con đường nghệ thuật chân chính ngoài tài năng thì trách nhiệm xã hội là vấn đề cần được các cây bút trẻ đặt lên hàng đầu. Không theo đuổi sự nghiệp văn chương nhưng GS Hồ Ngọc Đại cũng vui vẻ chia sẻ với các nhà văn trẻ: "Có hai chữ phải lo: Sống đã! Nhưng sống như thế nào thì cần lưu ý nhân tố, làm gì để sống và để sống tốt hơn? Bây giờ hội nhập người ta trả lời câu hỏi "Học để làm gì?” rằng 1, để biết, 2 để làm, 3 để sống chung và 4 để làm người. Vậy ngày xưa 95% dân cư không đi học sao vẫn thành người? Viết văn cũng thế thôi, viết làm gì? Viết để làm người, làm chính mình. Học cũng thế. Học để làm chính mình. Tôi nghe các bạn nói muốn tự làm chính mình, tôi mừng lắm, mừng chảy nước mắt”. Với tư cách là một người quản lý, đồng thời cũng là một người sáng tác, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà văn trẻ bây giờ là "khẳng định”: "Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng. Nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh... Vấn đề là mỗi người phải trở thành một chủ thể, độc đáo, duy nhất, một lĩnh xướng tài hoa của dấu ấn cá nhân. Chỉ như thế, bạn mới có thể sớm tách khỏi dàn đồng ca vui vẻ. Đây là một câu chuyện nghiêm túc và vô cùng cấp bách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học ta”. Đứng trước thực tế, nhiều năm qua, văn học đương đại thiếu vắng những thần đồng cho dù, thế hệ viết văn trẻ hôm nay có thuận lợi hơn. Nhiều người cho rằng, chỉ tài năng thôi thì chưa đủ, mà đòi hỏi mỗi cây bút trẻ phải có một tâm hồn, có niềm đam mê sâu sắc. Hội nghị viết văn trẻ diễn ra trong vài ba ngày, chắc chắn không giải quyết được vô số vấn đề của văn học trẻ hiện nay, nhưng hy vọng, qua hội nghị các cây viết trẻ ít nhiều cũng nhìn rõ mình hơn để cùng đưa văn học Việt Nam "ra biển lớn”... Theo HẢI NAM – ĐĐK |