Tạp chí Sông Hương -
Truyền hình thiếu nhi: Ít về số lượng, kém về độ hấp dẫn
15:01 | 23/09/2011
Cũng giống như đồ chơi trung thu hiện nay, không thể yêu cầu các em chỉ chơi đèn ông sao, đèn kéo quân trong khi có quá nhiều thứ đồ chơi nhập ngoại hấp dẫn khác. Truyền hình cũng vậy, trong khi các kênh, chương trình tự sản xuất trong nước còn đơn điệu và nghèo nàn, chả trách được khi các em chỉ say mê truyền hình nước ngoài.
Truyền hình thiếu nhi: Ít về số lượng, kém về độ hấp dẫn
Hãy làm một phép so sánh đề thấy sự đối lập vô cùng lớn giữa thị trường truyền hình cho thiếu nhi thế giới và Việt Nam. Tại Mỹ, 3 kênh truyền hình có lượng người xem lớn nhất đều là 3 kênh truyền hình cho thiếu nhi. Ngay ở trong khu vực Thái Bình Dương, trên bảng xếp hạng, đứng số 1 trong top kênh được nhiều người xem nhất là Cartoon Network, đứng thứ 4 là Disney Channel, thứ 6 là Nick. Mặc dù là những kênh truyền hình trả tiền song tất cả đều có lượng khán giả lớn gấp rưỡi các kênh của người lớn tưởng như ăn khách nhất.

Ngược lại, tại Việt Nam, theo thống kê ở các tỉnh, thành phố, số lượng chương trình thiếu nhi trên truyền hình chỉ chiếm 1 - 2 %. Hiện cả nước có 4 kênh truyền hình chuyên biệt cho trẻ em là Bibi, Kids TV ở miền Bắc. Sao TV, HTV3 trong Nam. Các kênh truyền hình này phục vụ đối tượng sử dụng thuê bao đặc thù, cho nên khán giả ít có điều kiện xem cùng một lúc hai kênh để so sánh. Thông thường, trẻ em sẽ bị lệ thuộc vào quyết định của người lớn trong việc lựa chọn thuê bao để được xem chương trình nào. Việc này rất khác ở Mỹ khi 47% chi tiêu trong gia đình do trẻ em quyết định.

Về mặt nội dung, các kênh thiếu nhi hiện nay vẫn mạnh nhất ở mảng khai thác quốc tế, chủ yếu là phim hoạt hình. Các chương trình khoa giáo tự sản xuất ít về số lượng và kém về độ hấp dẫn. Nguyên Giám đốc NXB Kim Đồng Lê Phương Liên nhận xét: “Nhà tôi có cháu nhỏ nên kênh được xem nhiều nhất là kênh thiếu nhi. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi hiện nay phim hoạt hình chiếu trên các kênh này cũ quá, ít phim hấp dẫn và thường xuyên lặp đi lặp lại. Các chương trình khoa giáo như kể truyện cho các em nghe, học vẽ, học giao thông... càng không hấp dẫn, có cảm giác ít được đầu tư”. Giám đốc kênh Kids TV Lâm Thanh thì nhận định: “Truyền hình cho thiếu nhi hiện nay có hấp dẫn nhưng chưa đủ và chưa như chúng ta mong đợi”. Ông Thanh lý giải, làm truyền hình cho thiếu nhi thực tế tốn kém hơn nhiều so với làm phim cho người lớn. Chưa kể, nếu làm những bộ phim truyền hình dài tập, việc tuyển diễn viên nhí gặp nhiều khó khăn. Bản thân các em cũng không thể bỏ học đi đóng phim, mà chỉ có thể tranh thủ vào mùa hè nên không thể làm liên tục. Hơn nữa, trẻ em lớn rất nhanh, chỉ vài tháng chúng đã thay đổi nên làm những bộ phim dài cũng rất khó. Chính vì vậy, các sản phẩm làm cho thiếu nhi hầu hết vẫn là phim hoạt hình.

Nhưng xây dựng một bộ phim hoạt hình chi phí cũng lớn, khó thành công và rủi ro hơn nhiều so với làm phim cho người lớn. Ông Thanh lấy ví dụ, để làm một tập phim hoạt hình cho thiếu nhi chi phí sẽ đắt gấp 5 - 10 lần phim cho người lớn. Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, một bộ phim hoạt hình tiêu tốn khoảng 50.000 USD/tập phim; ở Trung Quốc là khoảng 20.000 USD. Chi phí này có lẽ là rào cản không nhỏ đối với những người tâm huyết (vốn dĩ không nhiều) với thiếu nhi ở Việt Nam hiện  nay.

Trong khi đó, trẻ em không xem truyền hình vì bất cứ áp lực nào. Muốn thu hút các em chỉ còn cách phim phải hay hơn, hấp dẫn hơn và quan trọng nhất hợp với các em hơn. Để làm được điều này, các nhà sản xuất lại phải quay lại với bài toán đầu tư đã nói ở trên, vốn tốn kém mà lại nhiều rủi ro. Thực tế hiện nay, sự xuất hiện của một vài chương trình trò chơi truyền hình như Đồ Rê Mí của Đài Truyền hình Việt Nam cũng thu hút nhiều khán giả nhí và phụ huynh, nhưng còn quá ít. Chưa kể, trong số ít ỏi các chương trình đó vẫn có những hạt sạn khiến người xem cảm thấy lo ngại.

Đã đến lúc, một sản phẩm cho thiếu nhi vừa hội tụ đầy đủ tính giải trí, giáo dục, nhân văn cần cái “bắt tay” giữa tất cả những người tâm huyết với thiếu nhi. Trên thế giới, thường mỗi tác phẩm truyền hình làm cho thiếu nhi thường có sự tham gia của nhà văn viết cho thiếu  nhi, các nhà đạo diễn truyền hình, các họa sỹ... Họ là đội ngũ tập hợp những người “chung một nghề”. Ở nước ta có lẽ cũng cần sự hợp tác như vậy. Các nhà văn, họa sỹ, đạo diễn, các nhà biên kịch nên có sự trao đổi thường xuyên về chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm, hướng đến mục đích cao nhất là bồi dưỡng nhân cách, nhân văn cho thiếu nhi.

Một số kênh truyền hình thiếu nhi thừa nhận, khó khăn lớn của họ hiện nay vẫn là phần nội dung nước ngoài lớn, chiếm tới 50 - 60% tổng số mũ chương trình. Trong bối cảnh đó, chúng ta không thể bài ngoại khi mà các chương trình trong nước chưa đáp ứng được mong đợi của khán giả nhỏ tuổi. Ông Lâm Thanh khẳng định: “Đừng nói Andecxen, truyện cổ Grim là truyền hình ngoại, bởi nó là tri thức nhân loại, mà đã là tri thức nhân loại thì không có biên giới, trẻ em ở đâu cũng xem được. Đương nhiên, chúng ta vẫn sẽ nuôi dưỡng để trẻ em Việt Nam đúng là trẻ em Việt Nam chứ không phải trẻ em nước ngoài. Đó là trách nhiệm của chúng tôi”.

Theo Thành Long - ĐBND













 
Các bài mới
Các bài đã đăng
Biển ru (21/09/2011)