Nhà giáo Nguyễn Đức Bính, là anh em con chú bác ruột với nhà phê bình văn học Hoài Thanh, sinh thời có viết một thiên hồi ký lấy tên "Như thế Hoài Thanh". Theo Nguyễn Đức Bính cho biết thì thời trẻ, Hoài Thanh là một chàng trai bốn mùa ăn mặc lùi xùi. Một ông thầy dạy toán trường tư cho học sinh các trường Phú Xuân, Thuận Hóa năm 1936, bao giờ cũng không quên dùng tấm giẻ lau bảng đen để lau tay, lau giày, lắm khi còn để chấm cả những giọt mồ hôi trên trán. Tuy thế, chính ông thầy giáo ấy, từ khi còn là một chú học sinh loắt choắt với chiếc quần màu cháo lòng, đã được các gia đình tranh nhau "đặt cọc" trước, để đến mùa hè mời về dạy toán cho con mình!
Mấy mẩu chuyện sau đây về Hoài Thanh cũng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ lắm…
Cuối năm 1975, Hoài Thanh quyết định chuyển vào sống hẳn ở Tp. HCM. Bấy giờ là thời bao cấp, đất nước vừa thống nhất nên gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm. Hoài Thanh được hưởng tem phiếu mua ở Tôn Đản - cửa hàng dành cho cán bộ có "cỡ" thời ấy. Lần đó, tem phiếu còn vài ba tháng nữa là hết hạn sử dụng. Ông nói với người con trai trưởng của mình là nhà văn Từ Sơn: "Dù rất thương các cháu, nhưng đây là chế độ Nhà nước dành cho cha. Nay, cha không dùng nữa thì trả lại cho Nhà nước!". Từ Sơn năn nỉ cách nào ông cũng chỉ lắc đầu. Mãi đến khi nhìn thấy tấm giấy biên nhận của Bộ Nội thương là đã nhận được tem phiếu của đồng chí Hoài Thanh, ông mới thanh thản lên đường vào Nam.
Tại Tp. HCM, Hoài Thanh lại gặp vấn đề nhà ở. Ông được nhà văn Trần Bạch Đằng tạo điều kiện cho ở nhờ một gian trong phòng làm việc của Ban Tuyên huấn Thành ủy. Tiếp đó, ông Trưởng ban Tuyên huấn Trần Trọng Tân đề nghị UBND thành phố cấp cho hai ông một căn hộ ở số 213/13 đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tới năm 1981, bấy giờ ông đã già yếu, con cháu lại ở xa, con trai trưởng Từ Sơn vào mời cha ra lại Hà Nội để tiện bề chăm sóc. Hoài Thanh không chịu, sau phải nhờ nhà thơ Tố Hữu thuyết phục, ông mới chấp nhận. Trước khi rời Tp. HCM, người cha yêu cầu con trai làm thủ tục trả nhà cho UBND thành phố. Lúc đó, có vị giáo sư đại học đến xin ông nhường lại, đưa tiền để ông bà ra Hà Nội mua nhà khác. Vậy mà Hoài Thanh cương quyết từ chối. Mãi đến khi nhà thơ Bảo Định Giang trực tiếp đến xin cái nhà ấy làm trụ sở cho Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, lấy lý do "Hội Nhà văn thì cũng là Nhà nước", Hoài Thanh đã làm thủ tục trả nhà rất sòng phẳng, không đòi bất cứ một yêu cầu gì!
Ra lại Thủ đô Hà Nội, đương nhiên Hoài Thanh phải ăn ở chung với Từ Sơn, tại số nhà 68, đường Trần Quốc Toản. Một lần, một vị lãnh đạo tới thăm ông, thấy nơi ở chật chội quá, hứa sẽ can thiệp với UBND thành phố cấp nhà cho ông. Mãi đến ngày ông qua đời thì việc… cấp nhà ở Hà Nội mới hoàn thành thủ tục?!
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Thi nhân Việt Nam" (đồng tác giả với Hoài Chân, sách xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1942), mất ngày 14/3/1982. Nhà ngoại giao, nhà thơ Xuân Thủy làm một bài thơ viếng ông, bốn câu cuối bài rất đúng với chân dung người ra đi:
Ngọn bút Hoài Thanh nghỉ viết rồi Những bài viết cũ vẫn xanh tươi Văn anh êm ái và duyên dáng Đủ cả chua cay lẫn ngọt bùi…
Thiên hạ thường nói "văn chính là người". Con người Hoài Thanh quả là có đủ cả chua cay và ngọt bùi! Cách đây mấy năm, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, anh Từ Sơn dẫn một đoàn làm phim Việt Nam về quê Nghệ An. Tôi có giúp đoàn một vài việc nhỏ, tiện thể hỏi anh về độ tin cậy những mẩu chuyện kể trên, do các ông Nguyễn Đức Bính và Minh Tâm cung cấp trên sách báo đã lâu. Nhà văn Từ Sơn cười cười rồi bảo khẽ: "Đúng vậy đấy, nhiều chuyện của cụ Hoài còn thú vị hơn thế nữa!
Theo Nguyễn Văn Hùng - VNCA
|