Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật lựa chọn chúng ta, hoặc không
14:25 | 29/09/2011
Trong bối cảnh hoạt động và thị trường Mỹ thuật Việt Nam bộn bề mối lo âu với các giá trị chuyên môn chưa được xác định rõ, thiếu hướng đi và sự thật - giả, xấu - đẹp lẫn lộn ở tác phẩm cùng sự mất uy tín đối với các nhà sưu tập ở khu vực châu Á... thì sự ra đời của Dolphin - Viet Gallery tại số 4 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đứng trước một thách thức không nhỏ khi mang thông điệp: Giới thiệu chân xác mỹ thuật đương đại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa tinh thần cho cộng đồng và mong muốn tạo lập thị trường nghệ thuật nội địa...
Nghệ thuật lựa chọn chúng ta, hoặc không
Mẫu tử - tranh màu nước giấy dó của HS Nguyễn Xuân Tiệp

Nhân dịp khai trương Dolphin - Viet Gallery với triển lãm Sự khởi nguồn của một con đường mới gồm 28 tác phẩm hội họa và điêu khắc vào lúc 18h30 ngày 29/9/2011 của 4 tác giả Lương Xuân Đoàn, Vũ Hồng Nguyên, Nguyễn Khắc Quân và Nguyễn Xuân Tiệp. TT&VH xin trân trong giới thiệu bài viết của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhân sự kiện này.

1. Rất khó có thể nói nghệ thuật Việt Nam đang phát triển hay chững lại. Nhưng càng ngày người ta thấy sáng tác có vẻ khó khăn hơn, khi rất nhiều hình thức nghệ thuật khác ra đời phá vỡ mọi thói quen thẩm mỹ và cách hiểu truyền thống, như sắp đặt, trình diễn và video art, khi thị trường nghệ thuật nội địa không hình thành, và khi những vấn đề xã hội phức tạp hơn rất nhiều những gì nghệ sĩ quan tâm. Hội họa vẫn được các họa sĩ theo đuổi nhưng không còn đóng vai trò dẫn đầu mỹ thuật như trước. Ba nghệ thuật trên và điêu khắc đã có những bước đi mạnh mẽ, cám dỗ mọi thanh niên và xác lập địa vị nhanh chóng của họ.

Từ lứa tuổi 25 đến 30, các họa sĩ đã thay đổi hoàn toàn thị hiếu và hình thức thể hiện. Họ không ưa thích các bút pháp của chủ nghĩa hiện đại nữa, không quan tâm đến những vấn đề chiến tranh và văn hóa truyền thống. Họ hướng đến những xúc cảm và đòi hỏi cá nhân hiện thời, thể hiện cái tôi cực đoan với nhiều thủ pháp gây sốc và hướng về pop art với vai trò nghệ sĩ mang tính quốc tế.

Dù muốn hay không, như vậy nghệ thuật Việt Nam hiện tại đã thay đổi có tính bản chất trong nền kinh tế thị trường non trẻ và những vấn đề bất cập của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nông thôn. Những studio ra đời, những trại sáng tác có tính cộng đồng, những hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội hóa thay thế dần cho hoạt động phong trào kiểu cũ và bao cấp, và đẩy những mô hình cũ vào một xó buồn tẻ.

Ngựa - tranh bút sắt mực Nho của HS Lương Xuân Đoàn


Hàng loạt cuộc triển lãm khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, hết ngày khai mạc, không còn hấp dẫn được khán giả nào nữa. Những họa sĩ, nhà điêu khắc có đầu tư mới sáng tác, có triển lãm mới làm việc không thuyết phục được ai. Và hàng trăm tác phẩm của hàng trăm nghệ sĩ khác nhau, mà chỉ như một người vẽ nặn, đã cho thấy cá tính sáng tạo quá yếu ớt và sự tự phát triển cá nhân hầu như không có.

Những vấn đề nêu trên không phải để đưa ra một nhận định bi quan, trái lại là rất hay khi nó cho thấy những đòi hỏi thay đổi thực sự về xu hướng sáng tác, về trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ và về cách thức hoạt động nghệ thuật. Nghệ thuật bao cấp và phong trào rất ít giá trị, nó cần phải là một động lực tự thân, cá nhân nghệ sĩ phải đối diện với những vấn đề xã hội và lý giải nó theo cách của riêng mình.

2. Bốn nghệ sĩ được trưng bày ở đây là những người hoạt động lâu năm trong nghệ thuật, từ những năm 1980 đến nay. Họ sáng tác ít hay nhiều, chất lượng hay không ở tùy từng thời điểm khác nhau, tùy vào cảm nhận của mỗi chúng ta, nhưng họ đã có tiếng nói của riêng mình, nhất là theo đuổi một con đường không thay đổi.

Lương Xuân Đoàn (sinh năm 1952) một cán bộ cần mẫn, một họa sĩ có lòng xác tín nội tâm, hay có thể nói một người tự mình có tín ngưỡng. Ông vẽ bộ đội, những năm tháng chiến tranh và những người lính trẻ không bao giờ trở về, sau này thì vẽ thánh mẫu, cô đồng. Không tân kỳ, không quá lãng mạn, nhưng lại có vẻ thơ mộng vân vi. Nguyễn Xuân Tiệp (sinh năm 1956), họa sĩ đầy cá tính, có phần bảo thủ, có lẽ đó là lý do ông giữ nguyên lối vẽ của mình trong vòng 30 năm qua, dường như rất ít thay đổi. Họa sĩ tìm được tiếng nói riêng trong cấu trúc ổn định, ngay cả một lối xúc cảm màu sắc cũng rất riêng và như thế, một bản năng rất mạnh và sâu từ trong nội tâm.

Nguyễn Khắc Quân (sinh năm 1962), họa sĩ làm gốm. Quân phát huy truyền thống gốm Bát Tràng và Phù Lãng kết hợp trong những tác phẩm vừa thiên về gốm nghệ thuật vừa có tính điêu khắc. Quân đĩnh đạc và dàn trải không biết mệt mỏi, nhưng luôn biết kiểm soát từng chi tiết của tác phẩm.

Vũ Hồng Nguyên (sinh năm 1977), thuộc thế hệ sau đôi chút so với ba họa sĩ trên. Nguyên trung thành với tranh sơn mài trừu tượng với nhiều kỹ thuật mới. Tiếng nói tự thân của chất liệu sơn mài có tính trừu tượng đã được nhiều họa sĩ trẻ khuếch trương, và mạnh dạn thêm vào nhiều chất liệu, kỹ thuật bề mặt chưa từng được biết đến. Tranh của Nguyên có sự mơ mộng thênh thang và cho phép họa sĩ đi mãi vào cái riêng của không biết dừng.

Những họa sĩ này thuộc lứa trung niên, họ còn đi tiếp những chặng đường dài của mình, dù sự định hình đã trông thấy. Nghệ thuật chẳng dễ dàng với ai, và chính nó lựa chọn chúng ta chứ không phải là ngược lại, dù vẽ là việc hoàn toàn cá nhân và tự nguyện.

                                                                               Theo Phan Cẩm Thượng - TT&VH















Các bài mới
Các bài đã đăng