Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Lê Văn Thảo: Học toán nhưng viết văn
14:13 | 05/10/2011
Ở độ tuổi thất thập, mặc dù mới mổ mắt, tay bị đau, tác giả Cơn giông vẫn vui vẻ nói: “Sức khỏe yếu nhưng quyết “không bị tuổi già đè bẹp”. Ông bắt mình phải luôn làm việc, đọc 100 trang sách mỗi ngày, ngay cả khi đi xe, chờ ở bệnh viện.
Nhà văn Lê Văn Thảo: Học toán nhưng viết văn

Mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết gõ vào máy tính năm ba trăm chữ, dù ngày hôm sau phải xóa đi. Và nhất là luôn đi đây đó, không tháng nào ông không có chuyến đi về các tỉnh. Có dịp ra Hà Nội ông đều tranh thủ đi thăm một vài tỉnh nào đó. Ông không sợ tuổi già, chỉ sợ không viết được, không đi đây đó được nữa.

Văn phong do hoàn cảnh, do "tạng" người

Lê Văn Thảo là sinh viên khoa Toán ĐH Khoa học Sài Gòn (cũ), không dính dáng gì đến văn chương.

Ông bảo: Hồi nhỏ ông cũng có thích văn chương, thời đó tiếp xúc với sách vở cực kì khó khăn. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nam Bộ, thời đi học ông chỉ được học văn học lãng mạn, những tác phẩm hiện thực của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…rất khó tìm đọc.


Thế rồi, chàng trai toán học bỏ lên rừng theo kháng chiến, tham gia nhiều trận đánh oanh liệt trong lịch sử như: Đồng Xoài, Phước Long, Cần Đâm Cần Lê, Tết Mậu Thân…Chính những gian khổ, lăn lóc trên chiến trường đã xui ông viết văn. Những truyện ngắn chân thật giản dị như chuyện kể lần lượt ra đời.

Ông viết những điều tai nghe mắt thấy, thêm thắt chút đỉnh cho thành truyện. Truyện ngắn Đi thăm chồng (1964) là một trong những truyện như vậy. Một người vợ trẻ đi tìm chồng. Nhưng bộ đội chân dài vạn dặm, chiến tranh bom đạn mù trời, chị đi hoài không tìm gặp được chồng. Ngày này qua ngày khác, làng này qua làng khác, chị vẫn đi, với niềm tin mãnh liệt sẽ tìm gặp được chồng. Niềm tin và tình thương yêu vô bờ bến đó thuyết phục được mọi người, ai cũng tin như chị, tác giả cũng tin như chị. Nhất định họ sẽ gặp được nhau.


Đọc kỹ văn bản một số truyện ngắn, có thể nhận thấy Lê Văn Thảo vẫn chưa ngừng sửa chữa, thậm chí cả nhan đề của truyện. Nhưng dù văn bản có đổi thay, giọng văn của ông vẫn ổn định: nhẩn nha, chậm rãi, đôi khi phớt tỉnh mà đay nghiến, pha chút hài hước nhẹ nhàng, dung dị mà để lại trong lòng độc giả nhiều dư vị.      
  (TS Huỳnh Như Phương)


Ông bảo: Văn phong, giọng điệu do hoàn cảnh, cũng do “tạng” người. Ông thường cố gắng tìm hiểu, đồng cảm với những người lao động bình dân, chọn miêu tả những nhân vật có số phận hẩm hiu, bất hạnh, thành phần “dưới đáy” của xã hội.

Mà thật ra, hình như mọi nhà văn đều như vậy. Vốn sinh ra trong gia đình trí thức, cậu bé Dương Ngọc Huy (tên thật của Lê Văn Thảo) lại luôn thích tiếp xúc với những người nghèo khổ: ông già nghèo coi dưa, thằng khùng…để nghe, thấu hiểu và cảm thông với họ.

Chính vì thế, thời gian đầu vào nghề viết văn, hầu như các nhân vật trong truyện của ông đều có dáng dấp ngoài đời thường. Những tính cách thật thà, chân chất mộc mạc, trọng nghĩa tình… của con người Nam Bộ cũng đã đi vào các trang truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn một cách bình dị và dễ gần như: Đêm Tháp Mười; Bà nội tôi; Ông già biển; Anh chàng xích lô lãng tử; Người Sài Gòn…

Cho đến tận bây giờ, khi đã có tuổi, cuộc sống ổn định, nhà văn vẫn không thích nhà hàng sang trọng, phố xá tiện nghi, vẫn thích rong ruổi về nơi hẻo lánh, sống và viết về những người bình thường, cuộc sống bình thường. Ông thường tâm sự với các nhà văn trẻ: Chính ở những nơi chốn dân dã cuộc sống cần lao ta tìm được những chuyện hay những câu nói hay. Ngôn ngữ là ở đó, đề tài cốt truyện là ở đó.

Chính những người lao động đã “sản sinh” ra ngôn ngữ thông qua lao động, giao tiếp. Bản thân ông, mỗi lần về dưới miền quê, ông chọn đi tàu đò, ghe máy, ngồi chung với những người buôn gánh bán bưng, những lồng gà vịt… “Nhiệm vụ của nhà văn phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, muốn làm được như vậy hãy tìm đến những người lao động nghèo”, ômg Lê Văn Thảo tâm sự.

Ông kể có dịp đi ngang Hải Phòng, ông đều ghé bến Sáu Kho, dừng lại một lúc nhớ về nhân vật “Bật câu cỏm” trong tiểu thuyết Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng ông say mê từ nhỏ.

Viết đều và chân thật với mình

Nhà văn Lê Văn Thảo tâm sự: Điều quan trọng nhất là sự chân thật. Mọi sự làm dáng, hoa hòe hoa sói như hàng mã đều bay đi. Những số phận con người nhỏ bé, côi cút… trong xã hội được ông “thổi” một tình cảm yêu thương khiến cho họ bi mà không lụy. Những con người nhỏ bé, đáng thương ấy vẫn đầy nghị lực, mạnh mẽ vượt qua những đau khổ của cuộc sống.


Nhân vật Bằng trong Cơn giông cũng nằm trong số đó. Sự khắc nghiệt của chiến tranh vẫn còn thấp thoáng qua những trang sách, nhưng cái chính ông muốn nói là cuộc sống của con người sau chiến tranh, những con người, số phận bị cơn giông của chiến tranh làm cho tan tác, cố gắng trở lại đời thường, sống lại cuộc sống của chính mình.

Nhân vật Bằng là như thế, anh nông dân bị chiến tranh đẩy đi làm bụi đời, sau giải phóng mượn công lao của người khác lên làm giám đốc, bị tù, vợ bỏ, hơn nửa đời người quyết tâm trở lại với cuộc sống chính mình, trở về làm người nông dân miền sông nước, tự tay làm căn nhà, chiếc vó bắt cá. Cũng không dễ dàng gì. Nhưng cái chính là ý chí, quyết tâm của anh, đó là điều nhà văn muốn gửi đến bạn đọc.

Chiến tranh là điều bất thường, trái tự nhiên, như cơn giông làm đảo lộn tất cả. Nhưng trong đói khổ, tù tội, chém giết, bệnh tật vẫn ánh lên tính nhân bản, sau cơn giông mọi thứ lại trở lại bình thường dưới bàn tay của chính những con người đói khổ đó. Những điều bình dị, thông điệp mà nhà văn gửi gắm trong Cơn giông đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn 2003; Giải thưởng Văn học Asean 2006, và hiện tại đang được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà văn nói: Trong ba yếu tố làm nên tác phẩm: viết cái gì, viết như thế nào, viết chân thật như thế nào, ông chọn cho mình phương châm thứ ba làm tâm niệm. Ông viết đều, chậm rãi, “kĩ tính”, ít khi bị ảnh hưởng của những “thời thượng” bên ngoài.

Chưa bao giờ công việc viết của ông viết bị gián đoạn, không sáng tác nào bị bỏ dở giữa chừng. “Nếu bỏ dở sẽ sinh tật”, ông nói. Bản thảo viết xong, không khi nào ông gửi ngay mà mỗi ngày đem ra đọc 3 lần, trong suốt 1 tháng nếu không còn sửa chữa gì nữa thì ông mới yên tâm giao “đứa con” của mình.

Như TS Huỳnh Như Phương từng viết “Đọc kỹ văn bản một số truyện ngắn, có thể nhận thấy Lê Văn Thảo vẫn chưa ngừng sửa chữa, thậm chí cả nhan đề của truyện. Nhưng dù văn bản có đổi thay, giọng văn của ông vẫn ổn định: nhẩn nha, chậm rãi, đôi khi phớt tỉnh mà đay nghiến, pha chút hài hước nhẹ nhàng, dung dị mà để lại trong lòng độc giả nhiều dư vị”.

Ông nói: “Già rồi, sức khỏe yếu, phải biết lượng sức mình”. Ông cho biết hiện đang viết truyện ngắn “nhì nhằng”, có viết truyện dài cũng chỉ viết không quá 200 trang.


Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh năm 1939 tại Long An. Bắt đầu viết văn từ 1965 về đề tài nông thôn, chiến tranh du kích. Đã xuất bản 3 tiểu thuyết: “Con đường xuyên rừng” (1994), “Một ngày và một đời” (1997), “Cơn giông” (2002)…Và 7 tập truyện ngắn, trong đó có: “Đêm Tháp Mười” (1972); “Ông cá hô” (1995), “Con mèo” (1997), “Câu chuyện hai mươi năm” (1999), “Lên núi thả mây” (2011)…

Trong các sáng tác của mình Lê Văn Thảo đặc biệt thích tìm hiểu và viết về những người bình thường. Những mảnh đời bất hạnh, đáng thương đi vào tác phẩm của ông thật dung dị, nhẹ nhàng. Mỗi trang văn, ông đều muốn hướng tới vẻ đẹp sâu thẳm nơi tâm hồn của mỗi con người lao động chất phác, thật thà… mà cũng đầy nghị lực.



                                                                                                 Theo Trần Hà - VHO
















Các bài mới
Các bài đã đăng