Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Ý Beppe Severgnini: “Nhiều người Việt đồng cảm với cuốn sách của tôi”
08:41 | 06/10/2011
“Ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là mượn một chiếc vespa đi lòng vòng quanh khu phố cổ, một trải nghiệm rất… Hà Nội” – đó là tâm sự của nhà văn Beppe Severgnini trong lần thứ ba ông trở lại Việt Nam. Trò chuyện ngắn với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nhà văn - nhà báo nổi tiếng nước Ý này đã chia sẻ những suy nghĩ của ông về cuốn sách vừa được dịch ra tiếng Việt: Đầu óc người Ý.(*)
Nhà văn Ý Beppe Severgnini: “Nhiều người Việt đồng cảm với cuốn sách của tôi”

Được biết ông còn là chủ nhân một blog rất nổi tiếng của Ý. Ông có thể chia sẻ về blog của mình?

Dịch giả Lê Thuý Hiền: Khó nhất là các chi tiết chơi chữ

“Đối với tôi, việc dịch cuốn sách này thực sự là một công việc vất vả nhưng vô cùng thú vị. Tôi đã mất bốn tháng để dịch và chuyển ngữ sang tiếng Việt đúng nhất với văn phong tác giả. Cá nhân tôi cho rằng khó nhất là việc xử lý các chi tiết chơi chữ của tác giả. Nhưng may mắn là tôi có được sự tư vấn nhiệt tình của các dịch giả tiền bối và đặc biệt là ông Beppe, một tác giả không hề ngại ngần giải thích cho tôi những điều ông muốn nói”


Đúng là tôi có lập ra một blog có tên Italians. Ở đó chúng tôi dùng tiếng Ý nói về chính đất nước mình: những đổi thay, những câu chuyện về nước Ý hôm nay, nước Ý khi liên kết với thế giới. Blog của tôi thì được xếp hạng cao về số lượng người đọc ở Ý. Hình như chính quyền cũng coi đó là một kênh thông tin quan trọng về ý kiến người dân nên blog Italians được coi là một trong những biểu tượng của mạng xã hội ở Ý.

Tôi có đọc trong cuốn sách của ông câu này: “Có điều gì đó đã thay đổi ở Ý. Vấn đề là hiểu được đó là cái gì thôi”. Đó là điều gì vậy?

Nhiều lắm. Mỗi người sẽ tự định vị sự thay đổi khác nhau. Tôi thì đưa ra ba sự thay đổi mà trong cuốn sách có nói tới. Thứ nhất là chính phủ Berlusconi. Đó là sự thay đổi lớn về chính trị đối với đất nước tôi. Thứ hai là nước Ý gia nhập EU. Văn hoá và xã hội chúng tôi bước vào một thời kỳ “thích nghi” mới khi mà những giá trị phải xung đột, thích ứng và tìm ra chân lý mới. Cuối cùng, trong những thay đổi tôi cho quan trọng có sự ra đời của một thế hệ mới ở nước Ý. Cái này chắc giống nhiều nước.

Lần thứ hai sang Việt Nam, ông nói về cuốn sách Người Ý: Vòng quanh thế giới với 80 chiếc pizza (năm 2008). Còn cuốn sách lần này nói rất ít về ẩm thực. Có phải viết về ẩm thực khó làm ông giữ được giọng văn như trong Đầu óc người Ý?

Thực ra tôi viết mỗi cuốn sách như viết những bài báo của mình vậy: theo những lý do, cảm xúc và sự trải nghiệm riêng. Khi viết Đầu óc người Ý tôi cũng hơi băn khoăn về chuyện ẩm thực, một nét rất đặc trưng của nước Ý. Nhưng rồi tôi nghĩ rất nhiều người đã viết về ẩm thực Ý, và viết tiếp đề tài đó là một lựa chọn không mấy khôn ngoan dù tôi có cố viết khác tới mấy.

Nhưng nếu các bạn đọc cuốn Đầu óc người Ý, các bạn sẽ thấy tôi vẫn nói tới ẩm thực đấy. Ví dụ nhé: người Việt và người Ý có điểm chung là bản sắc ẩm thực của hai quốc gia đều ra đời từ… cái bếp của gia đình. Những sự tương đồng như vậy chắc đã khiến bạn đọc Việt Nam đón đọc cuốn sách của tôi một cách tích cực.

Ông chắc về nhận định đó chứ?

Rất chắc! Giao thông ở Hà Nội chẳng hạn, khác gì Milan trong cuốn sách của tôi đâu! Thứ hai là khi người dịch đọc một đoạn trong cuốn sách thì rất nhiều người đã phá lên cười và vỗ tay, đúng phản ứng tôi muốn ở bạn đọc. Và thứ ba: tôi đã nói chuyện một số người Việt Nam, họ bảo đọc sách của tôi tìm thấy những điều cần suy nghĩ ở Việt Nam!

                                                                                             Theo Dung.P - SGTT.VN

(*) Bản dịch tiếng Việt do NXB Hội Nhà Văn, công ty Nhã Nam và Đại sứ quán Ý phối hợp xuất bản năm 2010. Dịch giả Lê Thuý Hiền chuyển ngữ.















Các bài mới
Các bài đã đăng