Sau 15 năm kể từ khi nhà thơ nữ người Ba Lan Wislawa Szymborska giành vinh quang, giải Nobel Văn chương mới quay lại với thơ.
Giản dị và khác thường
Tomas Tranströmer, nhà thơ Thụy Điển chiến thắng giải Nobel văn chương năm 2011, chính thức trở thành nhà thơ thứ 17 được giải này, trong tổng số 107 người thắng giải kể từ năm 1901 đến nay. Cuộc đua đến giải văn chương danh giá nhất thế giới dường như chưa bao giờ là cánh cửa rộng mở cho thơ, khi đặt trong so sánh với tiểu thuyết.
Chưa bàn tới khẩu vị của các thành viên Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển, nơi xét chọn giải, thực tế này có nguyên nhân nằm trong chính nội tại của thơ. Các nhà thơ thường sử dụng ngôn ngữ mang nặng đặc thù tiếng mẹ đẻ, rất khó cho việc chuyển ngữ, đưa thơ lan tỏa sang các vùng văn hóa khác.
Nhưng Tranströmer là một ngoại lệ. Ngôn ngữ thơ của ông thường đơn giản, tương đối không mạo hiểm, nhưng gieo vào người đọc những hình ảnh khác thường, đôi khi gây ngạc nhiên, thậm chí là sốc. Trong bối cảnh thế giới đang xích lại gần nhau hơn dưới tốc độ toàn cầu hóa, có lẽ đó là những gì mà thơ ca cần có.
Để thắng giải Nobel, các tác giả thường phải có bạn đọc thuộc nhiều vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong khi đó, các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Nhiều bạn đọc, dịch giả, nhà thơ yêu mến vì thơ ông có sự hài hòa giữa tính phổ quát và cá biệt, trừu tượng và riêng tư.
Daniel Halpern ở nhà xuất bản Ecco (Mỹ), nơi in nhiều tập thơ của ông nhận xét trên tờ New York Times: “Thơ, không chỉ ở đất nước này mà còn ở mọi nơi, đều nhỏ bé và riêng tư, không hướng ngoại mà hướng nội. Nhưng có một số nhà thơ đã viết những bài thơ có tính chất quốc tế thực sự. Đó là sự lay động cảm xúc ẩn chứa trong những vần thơ mê đắm. Tranströmer chính là một nhà thơ thông minh, rộng mở và lạ lùng như thế.”
Người ta cho rằng cuộc sống và công việc tư vấn tâm lý cho một trung tâm cải huấn thanh thiếu niên có thể là thực tế giúp ông khắc họa được rõ nét và sinh động các trạng thái tâm lý trong nội tâm con người.
Kết thúc có hậu
Năm 23 tuổi, Tomas Tranströmer đã ghi tên mình trên bản đồ thơ ca Thụy Điển bằng tập thơ 17 Poems (17 bài thơ). Cuộc sống của ông được chia ra cho cả hai công việc làm thơ và tư vấn tâm lý. Năm 1990, cơn đột quỵ khiến ông liệt nửa người, giao tiếp rất khó khăn và phải nhờ trợ giúp của người vợ - bà Monica, nhưng ông vẫn tiếp tục viết.
Hai tập thơ nổi bật nhất của ông gồm: Windows and Stones (Cửa sổ và hòn đá, 1996), The Great Enigma (Niềm bí ẩn lớn, 2004). Mặc dù nổi tiếng với thơ ca và được kính trọng trên lĩnh vực tâm lý học, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho thú vui riêng như nghiên cứu côn trùng và chơi piano cổ điển.
Nhà thơ Robin Robertson gọi quyết định Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển là “một kết thúc có hậu cho cuộc chờ đã lâu”, bởi ông không chỉ là nhà thơ đương đại quan trọng nhất của vùng bán đảo Scandinavia, mà còn là cây bút mang tầm vóc thế giới.
Trên tờ The Guardian (Anh), nhà thơ người Scotland Robin Fulton – người đã dịch nhiều bài thơ của ông sang tiếng Anh còn bình luận rằng, giải năm nay là sự nhìn nhận một thành tựu thơ ca. Khác với một số nhà văn trở nên nổi tiếng khi được giải, danh tiếng của ông đã lan xa trong nhiều năm ở mức độ giới hạn mà một nhà thơ có thể đạt tới.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn “cây đại thụ” thơ ca của văn chương Bắc Âu cho thấy giải thưởng Nobel đang “già cỗi” hơn khi vinh danh những giá trị văn chương đã được công nhận một cách rộng rãi. Giải thưởng năm ngoái được xem là sự công nhận lại những thành tựu của nhà văn 75 tuổi người Peru Mario Vargas Llosa.
Trong suốt thập niên đầu của thế kỷ 21, thế giới văn chương thường trông đợi những cái tên mới được Nobel phát hiện và đưa danh tiếng của họ lên mức độ toàn cầu như JM Coetzee, Elfried Jelinek, Herta Müller.
Thơ Tomas Tranströmer (bản dịch: Diễm Châu)
KỂ TỪ THÁNG BA 79
Mỏi mệt vì hết thảy những kẻ tới với những chữ, Những chữ chứ không phải một ngôn ngữ Tôi đã ra một hòn đảo tuyết phủ. Nơi hoang dã không có chữ. Những trang trắng mở ra khắp phía! Tôi bắt gặp dấu vết những móng chân hoãng trên tuyết. Ngôn ngữ chứ không phải những chữ.
(trích trong tập Phố chợ hoang dã, 1983)
THÁNG TƯ VÀ IM LẶNG Mùa xuân thật vắng vẻ. Một cái hố bằng nhung tối lại bò sát bên tôi không tự ngắm mình. Cái duy nhất lấp lánh là những bông hoa vàng vàng này. Chiếc bóng của tôi mang tôi đi như một cây vĩ cầm trong cái hộp đen. Tất cả những gì tôi muốn nói loáng lên ngoài tầm như đồ bạc nơi người cho vay nặng lãi.
|
Theo Khải Trí - VietNamNet
|