Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Bùi Hiển: Tiếng vang lặng lẽ
14:55 | 12/10/2011
Nhà thơ Hoàng Minh Châu khi nói về cố nhà văn Bùi Hiển đã dùng ý tứ như thế. Một tiếng vang mà lại lặng lẽ, Bùi Hiển luôn như vậy, cả trong cuộc đời lẫn những áng văn chương, luôn luôn lặng lẽ và khiêm nhường.
Nhà văn Bùi Hiển: Tiếng vang lặng lẽ
Nhà văn Bùi Hiển

Thế nhưng, sau mỗi tác phẩm ra đời, Bùi Hiển đều để lại những dấu ấn đáng nhớ trong lòng độc giả. Như một ai đó cũng đã từng viết về ông, một cuộc sống bình lặng mà tác phẩm lại luôn nổi bật, luôn hiện diện song hành với thời gian và người đọc...

“Cha tôi và ánh sáng ngọn đèn bàn”

Đó là hình ảnh luôn chiếm trọn tâm trí nhà báo Bùi Quang Tuấn, con trai trưởng của cố nhà văn Bùi Hiển khi nghĩ về cha mình. “Bố tôi tận tuỵ với những trang viết. Ngọn đèn trên bàn làm việc của ông thường sáng đến nửa đêm hoặc hơn. Hôm nào nó tắt khoảng 10, 11 giờ khuya thì 4, 5 giờ sáng lại được bật lên soi xuống trang sách hoặc trang giấy...


Trên văn đàn ông không phải nhân vật thật nổi bật, nhưng là đáng nhớ cho những ai đã từng đọc ông. Người đi xa, văn ở lại. Có thể, “trong ngọn gió thời gian vang vọng” như tên một bài viết của ông, sẽ có những truyện ngắn Bùi Hiển gợi nhớ cho người đọc một miền quê, một kiểu người, một cách sống. Thế cũng đã đủ cho một đời cầm bút an hoà, ấm áp. (Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)


Cứ thế, đều đặn, dẫu là đêm đông ngoài trời gió mùa đông bắc vật vã hay đêm hè oi bức cây lá đứng im phăng phắc. Nhà chật, chỉ có một chiếc bàn viết duy nhất, thường tối 30 Tết, trước giao thừa hơn một giờ bố tôi mới rời khỏi bàn để mẹ tôi dọn dẹp các tờ bản thảo vương vãi và đặt lên đó một bình hoa tươi”. Ấy là những dòng viết của nhà báo Quang Tuấn về người cha đáng kính của mình.

Nhà báo Quang Tuấn tâm sự, hình ảnh người cha luôn cần mẫn “gieo chữ trên những con giấy” luôn chiếm lĩnh tâm tưởng và tình cảm của ông. “Phong cách sống, sự từ tốn và độ lượng của cha chính là điều ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất.

Với độc giả, Bùi Hiển là một nhà văn tinh tế thì trong gia đình, ông là một người chồng, người cha, người ông giàu tình cảm, luôn chan chứa tình yêu thương...”. Tình yêu thương đó, nhà văn Bùi Hiển đã chia đều cho tất cả, cho độc giả và những nhân vật, những cuộc đời mà ông dùng con chữ để tạo nên.

Không to tát ồn ào, điều cảm nhận được sâu sắc từ mỗi tác phẩm của Bùi Hiển đều là những bài học dung dị mà không thể thiếu vắng trong cuộc sống. Nghiền ngẫm những trang viết được xem là “gia tài” của cha mình để lại, nhà báo Quang Tuấn dường như ngày càng thấm, càng hiểu nhiều hơn những bài học, lẽ đời, lẽ sống trong sự cảm nhận sâu sắc mà tinh tế đó.

Ngọn đèn trên bàn viết của nhà văn Bùi Hiển thường sáng đến nửa đêm


“Tôi đã chú ý, hầu như không thấy nhân vật chính nào của ông ngồi chỗm chệ trên ghế xa lông, trong những căn phòng sang trọng mà phổ biến là dân chài, cán bộ cơ sở, anh bộ đội, chị dân quân, bác sĩ và y tá bệnh viện tiền phương, cô gái tật nguyền, cu Tý chăn trâu, những người bà con và hàng xóm thân thuộc...

Cha tôi là vậy, thuỷ chung, hiền hậu và chan chứa yêu thương!” - nhà báo Quang Tuấn chia sẻ. Trong nhiều tác phẩm của Bùi Hiển, giai cấp công nông luôn chiếm một vị trí nhất định và được nhà văn dành trọn tình cảm, niềm tin vững chắc. Phát hiện vẻ đẹp lấp lánh ẩn chứa trong những con người bình dị đã trở thành một đặc trưng nổi bật trong các tác phẩm văn học của ông.

Cũng từ ánh sáng ngọn đèn bàn, “tài sản” trao truyền của cố nhà văn Bùi Hiển cho con cháu chính là lối sống và sự rèn giũa, trưởng thành cho nhân cách. “Ông thường ít nói, song con cháu và những người gần gũi đều có thể “đọc” từ chính cách sống của ông rồi ngẫm ra bài học cho mình”, vẫn những dòng viết của nhà báo Quang Tuấn về cha.

Vẫn là những câu chuyện của ngày hôm nay


Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22.11.1919 tại xã Tiến Thuỷ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông mất ngày 11.3.2009 tại Hà Nội. Là hội viên sáng lập Hội Nhà văn VN năm 1957, Bùi Hiển đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các tác phẩm: Tuyển tập Bùi Hiển, Bạn bè một thuở, Ánh mắt, Ngơ ngẩn mùa xuân.

Ông được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT lĩnh vực văn học cho tác phẩm Hướng về đâu văn học (hồi ký và tiểu luận, 1996) với hai phần: Nhớ lại và chiêm nghiệm và Vài nét chân dung.


Bùi Hiển thuộc thế hệ những nhà văn hiện thực xuất hiện vào những năm 40, thời kỳ đen tối nhất của xã hội VN trước Cách mạng Tháng Tám. Bạn đọc nhớ đến ông trước hết là nhớ đến một tác giả chuyên viết truyện ngắn với phong cách riêng, một phong cách mà GS. Phan Cự Đệ nhận xét “đã có những nét ổn định và bền vững, tuy nhiên vẫn luôn luôn mở ra những hướng tìm tòi, trăn trở, khám phá...”.

Ông được dư luận chú ý từ tập truyện ngắn được xuất bản đầu tiên có tên “Nằm vạ” (1941). Truyện ngắn của ông đã ghi lại một cách trung thực đời sống đầy vật lộn gian lao của người dân vùng biển quê ông cũng như cuộc sống nhỏ nhoi, mòn mỏi và bế tắc, tẻ nhạt của giới viên chức nghèo thành thị. Những nhân vật ấy đều xuất hiện trong giọng văn ấm áp, gần gũi, cảm thông và đôn hậu của ông.

Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Bùi Hiển tham gia Tổng khởi nghĩa ở Vinh. Kể từ đó cho đến những năm cuối thế kỷ XX, ông lần lượt đảm trách nhiều cương vị khác nhau. Tưởng như, sự điềm đạm hiền lành trong lối sống, trong con người của ông sẽ tương ứng với một đời sống văn học yên bình, thế nhưng văn Bùi Hiển vẫn luôn luôn sôi động và không ít sóng gió.

Những năm 60 thế kỷ 20, khi các nhà phê bình lấy chủ nghĩa hiện thực làm thước đo tác phẩm thì những truyện viết về phong tục của Bùi Hiển mà Vũ Ngọc Phan khen là “tuyệt hay” lại bị các nhà phê bình chê vì chưa đạt được yêu cầu của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nhà văn Hoài Anh từng viết: “... Thế là hai thời kỳ, Bùi Hiển bị hai nhà phê bình đặt nằm lên cái giường Procuste của mình, để nếu thừa chân thì cắt đi...”.

Cho đến tuổi 80, Bùi Hiển xuất bản cuốn Bạn bè một thuở (1999), ôn lại kỷ niệm về các nhà văn ông từng gặp gỡ và từng công tác: Tô Hoài, Chế Lan Viên, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Nguyễn Công Hoan, Madơlen Riphô...

Nhiều cây bút tên tuổi cũng đã viết về ông với những tình cảm trân trọng, đầy quý mến. “Đôi khi chỉ bằng một từ thôi, anh đã tạo nên một hình ảnh sinh động” - nhà báo Phan Quang. Nhà văn Thạch Lam, giới thiệu truyện ngắn “Nằm vạ” của Bùi Hiển cũng viết: “Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo, và có nhiều nhận xét tinh vi”.

Tác phẩm của nhà văn


Nhà văn Ma Văn Kháng, hơn nửa thế kỷ sau khi truyện ngắn của Bùi Hiển được công bố vẫn vẹn nguyên cảm xúc bởi “vẫn là truyện ngắn của ngày hôm nay, hiện đại và không hề xưa cũ...”.

Dưới một góc nhìn khác, nhà văn Võ Văn Trực nói về nhân cách Bùi Hiển: “Dưới ngòi bút ngày càng sung sức, cuộc đời cũ nghèo túng, quẩn quanh, buồn tủi bỗng vỡ oà như dòng thác lớn... Bùi Hiển không tạo nên những tình tiết gay cấn, ly kỳ, mà cốt truyện được mở ra theo diễn biến tâm lý nhân vật một cách từ tốn, tinh tế. Như trong cuộc đời thực, anh không nổi nóng gắt gỏng, xử sự ác với ai, trong tác phẩm anh cũng không xử sự ác với nhân vật...”.

Phẩm chất độc đáo trong văn Bùi Hiển được phát hiện chính bởi sự đồng nhất, thuỷ chung trong lối viết, lối sống của ông. Sự yêu mến của nhà văn với những vẻ đẹp giản dị của đời sống dường như đã khiến ông chú trọng tới việc phát hiện cái chất thơ hồn nhiên, hơn là diễn đạt cái dữ dội, khốc liệt. Có lẽ thế, truyện ngắn Bùi Hiển mang tính hiện đại một cách không ồn ào, hấp dẫn mà không dễ lý giải.

                                                                                                Theo Anh Thu - VH












Các bài mới
Các bài đã đăng