Tạp chí Sông Hương -
PR phim bằng cảnh "nóng": Chỉ “làm trò”
15:06 | 03/11/2011
Quy trình cho ra đời một bộ phim ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Và cái cách mà các nhà sản xuất thông qua báo chí hoặc chính báo chí giới thiệu một tác phẩm điện ảnh cho công chúng cũng rất khác.
PR phim bằng cảnh

"Cánh đồng bất tận" hay và ám ảnh người xem không phải là những cảnh sex mà bằng chính sự hấp dẫn của câu chuyện

Thay bằng những bài bình luận phim thật sự là những thông tin giật gân kiểu, cô này, anh này sẽ cởi bao nhiêu phần trăm; sẽ có bao nhiêu cảnh nóng, hoặc gã này, gã kia đồng tính...

Kế hoạch quảng cáo cho phim bắt đầu từ khi nhà sản xuất và đạo diễn thống nhất rằng: Chúng ta sẽ làm bộ phim này. Hoặc thậm chí có thể sớm hơn khi đạo diễn nghĩ ra một ý tưởng nào đó.
Khi một công ty sản xuất đưa ra mục tiêu: Năm nay chúng ta sẽ làm một bộ phim về x, y, z..., phòng PR của công ty sẽ bắt đầu kế hoạch quảng cáo phim với nhiều giai đoạn khác nhau.

Năm 2009, phim Những nụ hôn rực rỡ sắp được công chiếu, ngoài yếu tố “phim ca nhạc đầu tiên” được quảng cáo tối đa, độc giả báo mạng còn bội thực với hình ảnh Thanh Hằng mặc bikini và khoe chân dài.

Và đến khi xem phim khán giả mới kịp nhận ra ngoài chân dài và sắc đẹp, Thanh Hằng đã có một vai diễn khá tốt.

Năm 2010 khi Cánh đồng bất tận sắp ra rạp, báo chí bắt đầu "rầm rộ" với cảnh nóng của Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến. Các bài phỏng vấn của Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến vào thời điểm đó không 100% thì cũng có tới 2-3 câu hỏi về cảnh sex mà hai người thực hiện.


Nếu như những bài báo giới thiệu phim ngay từ đầu được viết một cách cẩn thận, nghiêm túc như vậy thì có lẽ sẽ không có khán giả nào phải thốt lên “Phim Việt Nam chỉ loanh quanh sex”.
Thông thường một kế hoạch quảng cáo phim chia làm bốn giai đoạn đi theo quá trình sản xuất phim. Đó là giai đoạn tiền kỳ, giai đoạn quay, làm hậu kỳ và khi phim công chiếu. Điều đáng nói là những chiêu trò PR cho phim hiện nay thường xoay quanh đề tài “cảnh nóng” và vấn đề giới tính.


Những cái tên quan trọng khác của bộ phim như Ninh Dương Lan Ngọc trong vai Nương chỉ được nhắc đến một cách "chiếu cố". Để rồi khi phim đã ra rạp, các nhà báo, phóng viên vội vàng vồ vập lấy Lan Ngọc khi nhận ra cô bé là thành công lớn của bộ phim.

Và Cánh đồng bất tận ám ảnh người xem không phải bằng cảnh sex của Dustin và Hải Yến mà bằng chính câu chuyện của nó.

Phim Bóng ma học đường ngoài yếu tố 3D được đem "lai rai" hằng ngày thì cảnh xé áo của diễn viên Đinh Ngọc Diệp và cảnh Elly Trần tắm được khai thác một cách triệt để. “Vòng 1” và “chân dài” là hai từ tràn lan trên báo mạng lúc bấy giờ.

Ngay cả một tác phẩm điện ảnh được xem là giàu tính nghệ thuật như Chơi vơi cũng “không thoát khỏi sex”. Những bài báo giới thiệu về Chơi vơi thời gian đầu đều khai thác mạnh vấn đề “đồng tính nữ”.

Để rồi khi xem phim, khán giả mới băn khoăn không biết mấy chữ “đồng tính nữ” “lảng vảng” ở đâu trong bộ phim? Và gần đây nhất là Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được quảng cáo với hai nội dung chính: đồng tính và cảnh “nóng”.

Một bài phỏng vấn diễn viên Lương Mạnh Hải được giật tít “Tôi được trả giá cao để cởi đồ”, hoặc giới thiệu trailer phim một tờ báo giật tít “Choáng với nụ hôn đồng tính...”, hay: “Lương Mạnh Hải cưỡng hôn Hồ Vĩnh Khoa”.

Khi xem phim rồi, khán giả mới nhận ra đồng tính hay cảnh nóng không phải là điều Vũ Ngọc Đãng muốn nói. Với những nội dung giới thiệu như vậy, người viết bài về điện ảnh đã vô tình (hay cố ý?) khiến công chúng nghĩ rằng sex là yếu tố chính của các bộ phim đó mà quên đi câu chuyện của phim, diễn xuất của diễn viên, câu chuyện của đạo diễn và biết bao vấn đề thú vị của quá trình xây dựng một tác phẩm điện ảnh.

Câu hỏi đặt ra là: Những bài báo quảng cáo và giới thiệu phim như vậy xuất phát từ nhu cầu của ai? Nhà sản xuất, báo chí hay khán giả?

Thật khó để tìm câu trả lời khi mà nhà sản xuất sẽ nói rằng: Chúng tôi chỉ muốn quảng cáo cho bộ phim, nhân viên PR của chúng tôi cung cấp chất liệu cho phóng viên và viết ra sao là vấn đề của họ.

Còn người viết thì sẽ đáp rằng: Khán giả tò mò, nếu không viết về những thứ “nóng” như vậy, khán giả sẽ đọc gì? Và khán giả - mục tiêu lớn nhất của một bộ phim sẽ nói gì? Sẽ có rất nhiều ý kiến nhưng dám chắc rằng, vấn đề diễn viên cởi đồ hay không cởi đồ, phim có cảnh sex hay không có không phải là điều khiến khán giả bỏ tiền vào rạp xem phim.

 Bởi thật khó nghe khi nói rằng, khán giả muốn giải trí bằng sex, đồng tính, khỏa thân!!! Quay lại với bộ phim đang được đánh giá là thu hút khán giả trong thời gian này, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt.

Thật may mắn cho Vũ Ngọc Đãng và thật công bằng cho khán giả khi cuối cùng đã có những bài báo đánh giá thật sự nghiêm túc và sâu sắc về bộ phim. Để từ đó, những ai chưa có dịp xem phim có cái nhìn xác đáng hơn về vấn đề mà bộ phim đưa ra.

Nếu như những bài báo giới thiệu phim ngay từ đầu được viết một cách cẩn thận, nghiêm túc như vậy thì có lẽ sẽ không có khán giả nào phải thốt lên “Phim Việt Nam chỉ loanh quanh sex”. Bởi hiện tại, các thông tin PR cho phim hiện nay chỉ là kiểu “làm trò” để thu hút người xem, người đọc.Nói cách khác là... “nói vậy mà không phải vậy”.

Nhưng biết đến bao giờ giá trị của mỗi bộ phim sẽ được đánh giá đúng mực ngay từ khi chiến dịch quảng cáo của nhà sản xuất bắt đầu?

                                                                                     Theo Hà Nhung - VH
















Các bài mới
Các bài đã đăng