Tạp chí Sông Hương -
Con thuyền Nam Lê đến Việt Nam
15:21 | 03/11/2011
Nếu không có gì thay đổi, vào tuần tới, bản dịch tập truyện The boat (2008) của Nam Lê sẽ chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam với tựa Con thuyền. Một tác phẩm văn học có số phận đặc biệt, như bảo chứng thông hành, đưa một luật sư gốc Việt khá lặng lẽ ở Úc trở thành nhà văn quốc tế.
Con thuyền Nam Lê đến Việt Nam

Bề mặt của dòng sông băng

Viết văn bằng tiếng Anh, ngay từ tác phẩm đầu tay, Nam Lê đã gây sửng sốt cho giới phê bình và công chúng văn học. The boat liên tục gây tiếng vang với các giải thưởng lớn và được dịch sang 14 thứ tiếng. Cùng với Linda Lê, Andrew Lam, Monique Truong, Lê Thị Diễm Thuý, hay gần đây là LiLy Hoang và Trần Huy Minh, Nam Lê trở thành nhà văn gốc Việt hội nhập hoàn toàn vào dòng chảy của văn chương thế giới. Trong số những tên tuổi nói trên, bạn đọc Việt Nam mới chỉ biết Linda Lê (với Vu khống và Lại chơi với lửa), cho nên sự xuất hiện của bản dịch Con thuyền là một tín hiệu tốt lành trong đời sống xuất bản.

Trong Con thuyền, điều quan trọng mà Nam Lê làm được, là ở từng truyện ngắn, tác giả khiến người đọc bị cuốn vào những vùng khí quyển nén chặt, đầy hấp lực, các câu chuyện đời sống được nắm bắt và thể hiện đầy thấu đáo, đến độ, người thưởng thức văn chương chẳng còn tâm trí đâu để phân tán cho các câu hỏi thuộc hình thức hay lối viết. Ở văn chương của Nam Lê, sự bận tâm về phương pháp ẩn dưới sức sống câu chuyện, tất cả được hoá giải trả về với sự nhẹ tênh, nhường chỗ cho sức truyền lan các cung bậc xúc cảm về
thân phận của thứ văn chương dấn thân.


Nam Lê tên thật là Lê Hữu Phúc Nam, sinh năm 1978 tại Rạch Giá. Ba tháng tuổi, đã cùng gia đình sang định cư ở Melbourne, Úc. Ông tốt nghiệp đại học Melbourne, sau đó học thạc sĩ nghệ thuật viết văn ở đại học Iowa (Mỹ).

The boat là tác phẩm đầu tay, mang lại cho Nam Lê nhiều giải thưởng lớn: Dylan Thomas (2008), PEN/Malamud cho truyện ngắn xuất sắc nhất 2010, giải thưởng của Thủ tướng Úc, National Book Foundation Mỹ xếp Nam Lê vào trong năm nhà văn dưới 35 tuổi triển vọng nhất…

Thông tin thêm về tác giả và tác phẩm: http://www.namleonline.com

Bản tiếng Việt do Thiên Nga và Thuần Thục dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn in, sẽ phát hành trong tuần tới.


Bạn đọc sẽ thấy điều này trái ngược với “hướng đi” của Linda Lê. Nhân vật, hiện thực trong văn chương của Nam Lê đôi khi chạm giá trị điển hình, nhưng không hướng đến xác lập các biểu tượng phúng dụ, hay tham vọng kiếm tìm những giá trị tư tưởng, triết luận. Trả truyện kể trở về đơn giản chỉ là những truyện kể, nhà văn ẩn mình đi, không can dự vào thế giới bên trong tác phẩm. Ngay cả truyện ngắn đầu tiên trong tập này, Love and honor and pity and pride and compassion and sacrifice (Tình yêu và danh tự và thương hại và kiêu hãnh và cảm thông và hy sinh), gần như một “tự truyện” về thương tích trong ký ức con người, mang nỗi dằn vặt với sứ mệnh phục sinh ký ức, được viết bằng một giọng điệu khách quan như ngoài cuộc. Câu chuyện về một nhà văn trẻ gốc Việt đang viết tác phẩm cuối khoá tập huấn viết văn ở đại học Iowa nước Mỹ. Sự xuất hiện của người cha từ Úc sang thăm con, với những cuộc trò chuyện hàn gắn sau những rạn nứt gia đình, đã đặt anh trước câu hỏi, trang viết phải lặn sâu vào những mối cảm thông, khai thác “quá khứ rộng lớn hơn sự oán than, hiểm nguy hơn ký ức” mà người cha vì con, cố vùi chôn bao năm qua, hay khơi gợi lại, khuấy động, kéo về những thương tích?

Suy tư về “truyện dân tộc” của nhân vật trong tác phẩm có lẽ cũng chính là suy tư của cá nhân Nam Lê và thế hệ những nhà văn di dân vừa thoát khỏi ám ảnh của bóng đen quá khứ: “Tôi chợt nhận ra rằng bề mặt một dòng sông phải mất nhiều giờ, đôi khi nhiều ngày để đóng băng hoàn toàn - giữ dưới lớp da của nó một thế giới pha lê hoàn hảo - và thế giới đó có thể vỡ tan bởi một viên đá nhỏ rơi xuống như một đơn âm”.

Lương tâm và sự dấn thân

Lương tâm với trang viết và lương tâm với ký ức cộng đồng, dường như là những câu hỏi lớn, không được đặt ra trực tiếp, nhưng thấm đẫm sống động trên trang viết của Nam Lê. Một truyện khác trong tập này, có thể khiến trái tim những người Việt tan chảy, thức tỉnh, đó là Con thuyền. Sự sống mong manh của hàng trăm con người trên một con thuyền nhỏ chết máy sau cơn bão trên hành trình vượt biển tìm “đất hứa”. Trăng. Lời ru buồn bã. Những gia cảnh xót xa. Đứa trẻ sáu tuổi có khuôn mặt dửng dưng. Và những cơn khát giữa một biển nước vây quanh đang giết dần giết mòn con người. Những người bị bỏ lại trên biển, làm mồi cho cá dữ… Nam Lê viết về những điều đó với một độ lùi thời gian và khoảng cách xúc cảm cần thiết, đủ để lắng kết, làm cho người đọc không còn tìm thấy chủ kiến đớn đau oán hận chiếm lĩnh hay thuyết minh đưa vào trong sự việc được mô tả, mà chỉ có thể thấy trong cảnh huống hỗn độn cụ thể đó câu chuyện thân phận, nỗi thống khổ của những sinh phận khắc khoải tha hương tìm đường sống. Ở đó, hiện thực, tư liệu hiện thực đi vào văn chương không phục vụ cho mục tiêu nào khác ngoài văn chương. Tư cách và quyền năng của một nhà văn không chỉ là mở rộng biên độ trí tưởng, mà còn làm phục sinh những sinh phần mong manh, tái hiện lịch sử về số phận con người, cộng đồng theo cách thế nhỏ nhẹ mà mãnh liệt của văn chương.

Những truyện ngắn khác trong tập: Cartagena, Gặp Elise, Vịnh Halflead, Tiếng gọi Tehran hay Hiroshima… Nam Lê cho thấy một quyền năng khác của nhà văn, đó là chiếm lĩnh hiện thực với một bản lĩnh hiếm có. Điều này, ngoài đem đến sự rộng mở về không gian bối cảnh địa lý trong cuốn sách, còn tạo ra sự đa thanh biến hoá trong tác phẩm. Ở mỗi tình thế, từ sự dằn vặt của một tên giết mướn vị thành niên ở Cartagena – Tây Ban Nha đến tâm cảnh sống của một gia đình ở Hiroshima trước khi chiếc B-29 Enola Gay xuất hiện và thay đổi lịch sử… nhà văn luôn khiến người đọc thán phục vì khả năng am hiểu sâu sắc, cái nhìn xuyên thấu cái đẹp và sự đớn đau đang xảy ra trong thế giới mà anh ta dự phần.

Là một nhà văn quốc tế, mang đặc thù ngôn ngữ văn chương di dân (cũng như những đại diện tiêu biểu: Salman Rushdie, Aravind Adiga gốc Ấn hay Jumot Diáz gốc Dominica…), Nam Lê đã rất ý thức đưa vào trong văn bản tiếng Anh của tác phẩm một dung lượng lớn tiếng mẹ đẻ (là đại từ nhân xưng, thành ngữ, tục ngữ mà các nhân vật người Việt giao tiếp với nhau trong môi trường Anh ngữ). Đó cũng là giá trị văn phong của văn bản gốc mà khi dịch sang tiếng Việt, chắc chắn sẽ không thể giữ được.

Dù vậy, Con thuyền của Nam Lê đến Việt Nam, là một cuốn sách đáng để độc giả văn học trong nước tìm kiếm, trân trọng.

                                                                  Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - SGTT.VN
















Các bài mới
Các bài đã đăng