Tạp chí Sông Hương -
Những chuyện dích dắc bên lề giải Nobel văn học
15:26 | 03/11/2011
Vậy là, đến hẹn lại lên, vào ngày 6/10 vừa qua, Ban Tổ chức giải thưởng Nobel chính thức công bố thông tin: Giải Nobel văn học năm nay đã thuộc về nhà thơ người Thụy Điển Tomas Transtromer. Ở tuổi 80, Tomas Transtromer thuộc vào hàng những nhà văn cao niên nhất giành được giải thưởng danh giá này.
Những chuyện dích dắc bên lề giải Nobel văn học
Cha đẻ của giải thưởng Nobel - nhà bác học Alfred Nobel.

Được biết, cách đây hơn hai mươi năm, sau một cơn đột quị, Tomas Transtromer gần như không thể nói cũng như đi lại một cách bình thường, dù rằng sức viết của ông vẫn sung mãn. Như vậy, nhiều khả năng giống như trường hợp của nữ văn sĩ người Anh Doris Lesing được giải Nobel cách đây 4 năm (khi đã 87 tuổi), vì lý do bệnh tật, Tomas Transtromer sẽ khó có thể tham dự lễ vinh danh tại Stockholm (Thủ đô Thụy Điển) vào ngày 10/12 tới. Đây là một trong những điều đáng tiếc như bản thân lịch sử hơn 100 năm tồn tại của giải Nobel từng xảy ra một số trường hợp đáng tiếc...

Giải Nobel văn học lần đầu tiên được trao vào năm 1901, và dành cho nhà thơ Pháp Sully Prudhomme, khi ấy đã 62 tuổi, đang mang bệnh nặng. Bệnh tình khiến Prudhomme không thể đến Thụy Điển nhận giải được. Không biết có phải vì cái "dớp" của lần "đầu tiên" này mà sau đó, giải Nobel văn học đã gặp không ít trục trặc?

Nếu như trong lần trao giải năm 1901, người đoạt giải là một nhà thơ mà đến nay danh tiếng gần như không được mấy độc giả biết tới ngay tại chính quốc, thì trong lần trao giải tiếp theo (năm 1902), giải thưởng Nobel văn học lại thuộc về một người vốn dĩ được xem là nhà sử học hơn là nhà văn: Ông Theodor Mommsen, người Đức. Chẳng là bấy giờ, trên văn đàn thế giới còn không ít ứng cử viên sáng giá, như nhà văn Nga Lev Tolstoy, nhưng do Ủy ban xét giải Nobel không chấp nhận một số quan điểm của Tolstoy nên họ đành phải mở rộng phạm vi xét giải sang các tác phẩm… lịch sử. Rốt cuộc, nhà sử học Theodor Mommsen bấy giờ đã ở tuổi 85 bất ngờ được ẵm giải thưởng văn học danh giá. Điều đáng buồn là vì tuổi cao sức yếu nên chỉ sau khi nhận giải được có một năm, ông Theodor Mommsen đã từ giã cõi đời.

Tương tự trường hợp của người đồng hương Sully Prudlhomme, nhà thơ Pháp Frederic Mistral - khi biết tin mình được giải Nobel cũng đang trong tình trạng ốm đau bệnh tật (khi ấy ông 74 tuổi) nên không thể đến Thụy Điển nhận giải. Ông này thậm chí còn không viết diễn từ gửi tới Ban Tổ chức như thông lệ.

Cũng có trường hợp được trao giải khi còn trẻ, thậm chí rất trẻ, như trường hợp của nhà văn Anh Rudyard Kipling. Khi nhận giải (năm 1907), Kipling mới 42 tuổi. Mặc dù Kipling có đến Stockholm nhận giải, song ông không đọc diễn từ vì trước đó 2 ngày, Vua Oscar Đệ nhị của Vương quốc Thụy Điển qua đời nên bữa tiệc chiêu đãi những người được giải thưởng cũng đã bị… hủy bỏ.

Năm 1913, giải Nobel văn học được trao cho nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được dành cho một tác giả châu Á. Vinh dự lớn lao song khi nhận được tin, Tagore đang ở Mỹ nên ông chỉ có thể gửi một bức điện ngắn để cảm ơn chứ không thể đến Thụy Điển nhận giải được. Năm 1915, nhà văn Pháp Romain Rolland được Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel, song vì những tranh cãi xung quanh những bài báo mang tinh thần phản chiến của ông mà việc trao giải đã bị đình hoãn đến tận… năm sau, và rồi, vì đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nên lễ trao giải rốt cục cũng đã không được tổ chức.

Đối với không ít nhà văn, giải thưởng Nobel tuy danh giá thật song đã đến với họ không thật đúng lúc. Văn hào Anh (gốc Ireland) Bernard Show, năm 1925, ở tuổi 69, khi hay tin mình được trao giải Nobel đã phát biểu cảm tưởng rằng: Giải thưởng như chiếc phao ném cho ông khi ông đã vào tới… bờ, và rằng, đó là "sự cảm ơn của thế giới vào cái năm tôi không cho ra đời một cuốn sách nào".

Ở tuổi 80, với tình trạng nói năng và đi lại khó khăn, rất khó có khả năng Tomas Transfromes (người ngồi trên xe đẩy) sẽ đến nhận giải Nobel văn học vào ngày 10/12 tới.


Trong danh sách các nhà văn từ chối giải thưởng Nobel, sách báo thường chỉ nhắc tới hai trường hợp: Đó là nhà văn Nga Boris Pasternak (năm 1958) và nhà văn, nhà triết học Pháp Jean - Paul Sartre (năm 1964). Kỳ thực, còn một tác giả nữa, và là người đầu tiên trên thế giới từ chối giải thưởng này: Đó là nhà thơ Thụy Điển Erik Karlfeldt. Ngay từ năm 1912, Karlfeldt đã được đề cử trao giải Nobel, nhưng lấy lý do là Thư ký thường trực của Ủy ban giải thưởng Nobel nên ông kiên quyết khước từ. Thế rồi, cuối năm 1931, ít tháng sau khi mất, Karlfeldt được Viện hàn lâm Thụy Điển quyết định tặng giải Nobel. Đây cũng là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên thế giới được "truy tặng" giải thưởng Nobel. Sau này, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã phải chính thức ra tuyên bố sẽ không bao giờ trao giải cho các tác giả đã quá cố.

Nếu như sau khi nhận được tin tức về giải thưởng, phải mất một năm Romain Rolland mới được trao quyết định thì với trường hợp của nhà văn Nga Alexandre Solzhenitsyn, thời gian này phải kéo dài tới… hai năm. Tất cả là từ nguyện vọng của ông: Solzhenitsyn e ngại nếu đến Thụy Điển nhận giải, ông sẽ "không còn đường về nước". Mãi tới năm 1972, ông mới tới Stockholm nhận giải và đọc diễn từ.

Tất nhiên, ngoài lý do chính trị kể trên, cũng có một số tác giả - vì ý thích cá nhân - không muốn đến Stockholm dự lễ trao giải. Như trường hợp nhà văn Mỹ William Faulkner. Năm 1949, hay tin mình được giải Nobel, Faulkner đã từ chối tới Stockholm. Hết Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ đến gia đình vận động, cuối cùng ông chấp nhận lên đường với lý do: Để con gái có dịp đi du lịch.

Năm 1969, được tin mình được giải Nobel, nhà viết kịch người Ireland Samuel Beckett đã ra điều kiện: Ông chỉ đồng ý nhận giải trong trường hợp không phải tới dự lễ trao giải. Thậm chí, ông còn muốn lánh đi đâu đó một thời gian để tránh sự ồn ào, nhòm ngó của công luận. Và người xuất bản sách sẽ tới lĩnh giải thay ông. Nhà văn Austrailia Patrick White, giải Nobel văn học năm 1973 cũng có ý muốn tương tự. Để tránh sự xưng tụng ồn ào, thay vì có mặt tại lễ trao giải, ông đã nhờ người bạn chí thiết của mình là họa sĩ S.Nolan đến nhận giải thay.

Vì giải Nobel văn học thường được trao khi các tác giả đã ở tuổi "gần đất xa trời" nên không hiếm người vì lý do ốm đau, bệnh tật đã không thể đến Stockholm dự lễ trao giải: Năm 1947, ở tuổi 78, nhà văn Pháp Andre Gide đã phải nhờ ông Đại sứ Pháp ở Thụy Điển đọc diễn từ và nhận giải thay. Năm 1977, ở tuổi 79, nhà thơ Tây Ban Nha Vicente Aleixandre đã phải ủy nhiệm cho nhà thơ trẻ H.Padron thay mặt mình đến nhận giải; năm 1984, ở tuổi 83, nhà thơ Cộng hòa Czech Jaroslav Seifert cũng phải nhờ con gái đi nhận giải thay vv và vv…

Trở lại với lý do từ chối nhận giải của nhà văn Pháp J.P.Sartre. Từng có một giai thoại rằng, vì những người được trao giải Nobel đa phần đều chỉ sống thêm được chưa đầy 10 năm sau khi nhận giải (đơn giản: họ thường được trao khi tuổi đã cao, tính trung bình vào khoảng 65) nên Sartre không muốn mình bị… đoản thọ, ông đã từ chối nhận giải. Năm 1980, khi có phóng viên hỏi Sartre: "Ngài có lấy làm tiếc vì đã từ chối nhận giải không?", Sartre đã hóm hỉnh trả lời: "Tôi không hề ân hận. Chính việc từ chối nhận giải đã cứu sống tôi, không đẩy tôi vào danh sách những người sắp chết". Sartre mất sau khi từ chối nhận giải Nobel 16 năm, nên câu chuyện trên cũng ít nhiều có người… tin. Kỳ thực, lý do từ chối giải của Sartre, theo như thông tin chính thức đăng trên tờ Le Figaro ngày 23/10/1964 thì không phải xuất phát từ việc ông "xem thường Viện hàn lâm Thụy Điển", mà chỉ bởi do cách nhìn nhận của ông, việc một nhà văn chấp nhận một sự vinh danh như vậy "sẽ có nghĩa là ràng buộc những cam kết cá nhân của mình với thiết chế đã trao giải, mà nhà văn, trên tất cả không được tự cho phép mình biến thành một thiết chế". Hơn thế, theo Sartre, những giải thưởng Nobel trong quá khứ đã "không hề được trao một cách bình đẳng cho những nhà văn tiêu biểu cho mọi ý thức hệ và mọi dân tộc" nên ông cảm thấy việc mình nhận giải "có thể bị người ta diễn giải một cách bất công" và theo những cách mà ông không muốn.

Về trường hợp của giải Nobel văn học năm nay, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn học sành sỏi thì đúng ra, việc trao giải cho Tomas Transtromer phải được thực hiện cách đây nhiều năm. Nhà thơ Bob Hanson, người đồng hương với Transtromer đã viết trên blog của mình: "Thật đáng biểu dương Viện hàn lâm Thụy Điển là vào phút chót, họ đã dám trao giải cho Transtromer" (ý muốn nói họ không ngại điều tiếng vì đã trao cho một người Thụy Điển) và "Sự khiêm tốn của người Thụy Điển đã hoãn giải thưởng của Transtromer ít nhất 10 năm".

Được biết, năm 2010, theo thăm dò của dư luận thì chính Transtromer chứ không phải ai khác là người đứng đầu bảng danh sách các ứng viên của giải Nobel văn học

                                                                            Theo Trần Ngọc Xuân - CAND.com.vn















Các bài mới
Các bài đã đăng