Tạp chí Sông Hương -
Ảnh là di sản
15:46 | 10/11/2011
Các ý kiến tham luận tại hội thảo Vai trò của di sản và bảo tàng ảnh trong cuộc sống đương đại diễn ra ngày 8.11, tại Hà Nội, đều thống nhất ảnh là một đối tượng di sản cần phải có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị.
Ảnh là di sản
Nhận diện di sản ảnh

Ngày 17.1.1839, Viện Hàn lâm khoa học Pháp công bố phát minh của Louis Jacques Mande Daguerre tìm ra kỹ thuật ghi hình và lưu giữ ảnh trên bề mặt kim loại, khởi đầu cho kỹ thuật nhiếp ảnh. Đây là sáng chế vĩ đại được thế giới công nhận, bắt đầu cho sự phát triển kỳ diệu của bộ môn nghệ thuật này. Hơn 170 năm qua, nhiếp ảnh đã chứng minh tiềm năng và giá trị to lớn đối với cuộc sống con người và sự phát triển của xã hội. Với bản chất đặc biệt là phản ánh trung thực, khách quan, nhiếp ảnh đã ghi chép chính xác các sự kiện, các hoạt động trong đời sống xã hội. Quá khứ càng xa giá trị tác phẩm nhiếp ảnh càng cao và chúng trở thành một di sản văn hóa như bao dấu ấn thiên nhiên, lịch sử khác được gọi là di sản của loài người.

Khái niệm di sản ảnh đối với quốc tế đã trở nên quen thuộc, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn nhiều mới lạ. Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh nhận định, nhiếp ảnh đã có những đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ tư liệu quý về quá trình hình thành, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều bức ảnh trở thành nhân chứng giá trị sống mãi với thời gian. Có thể khẳng định gần 150 năm qua, từ khi nhà nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam năm 1869, nhiều tác phẩm nhiếp ảnh về Việt Nam đã trở thành di sản của quốc gia và của nhân loại.

Về vấn đề này, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Minh Lý cho biết: UNESCO đã chia di sản thành 3 lĩnh vực: vật thể, phi vật thể, thông tin tư liệu và di sản ảnh thuộc lĩnh vực thông tin tư liệu. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn việc bức ảnh là di sản hay nội dung thông tin đi theo nó là di sản? Bức ảnh là vật mang thông tin, nội dung ảnh chính là thông tin và đó chính là di sản. Khi người ta công nhận một tác phẩm nhiếp ảnh là di sản người ta sẽ dựa trên những thông tin đi theo bức ảnh ấy chứ không phải thuần túy là vật mang thông tin. “Theo tôi, những tác phẩm ảnh được nhìn nhận như một di sản phải hội đủ 2 yếu tố: có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật và đặc biệt là những giá trị liên quan đến đời sống xã hội. Chính vì vậy cho nên ảnh là một loại hình của di sản và là sản phẩm văn hóa của nhân loại. Giá trị đó phải được ghi nhận như một biểu hiện văn hóa. Tiếp đến nó phải có đầy đủ những thông tin cơ bản để phản ánh rõ những giá trị đó. Một bức ảnh mà không có thông tin kèm theo như chủ thể bức ảnh, thời gian, bối cảnh chụp... thì sẽ không có đủ cơ sở để xác định giá trị của nó”.

Tìm cách bảo tồn, phát huy

Theo Ts Lê Thị Minh Lý, đa số di sản ảnh đều thuộc về những chủ thể sở hữu cụ thể và thường thuộc về cá nhân nhiều hơn là thuộc về cộng đồng. Cho nên việc xác định bản quyền ảnh rất quan trọng, có bản quyền mới bảo vệ được di sản và bảo vệ được quyền của chủ thể sáng tạo di sản. Quan trọng nhất là phải có chính sách bảo vệ di sản. Trước hết, cần bổ sung khái niệm di sản ảnh, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ di sản ảnh, các biện pháp bảo vệ, quyền của chủ thể sở hữu vào các văn bản quy phạm pháp luật để mọi người thấy được ảnh là một đối tượng di sản. Thứ hai, cần phải có thiết chế thống nhất để quản lý di sản ảnh một cách xuyên suốt, cho dù thiết chế đó chỉ làm nhiệm vụ đầu mối. Ngoài ra, cần cấp thiết bảo quản tốt hơn các di sản ảnh ở các bảo tàng, các trung tâm lưu trữ. Song song với đó là đào tạo cán bộ chuyên về bảo quản ảnh...

Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Bảo tàng Anh Chaleroi (Wallonie - Brussels, Bỉ) Xavier Canone cho rằng, việc lập bảo tàng ảnh là cách tốt nhất để lưu giữ, bảo quản tốt hơn và phát huy giá trị của di sản ảnh. Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng, những điểm mạnh, yếu khác nhau và bảo tàng ảnh quốc gia cũng có logic riêng, những câu chuyện gắn với đất nước đó. Mảng ảnh trong các cá nhân, gia đình đang bị lâm nguy không chỉ do thời gian, điều kiện khí hậu, thời tiết, cần phải huy động các nguồn tài chính để sưu tầm, bảo vệ. Với các di sản ảnh quý, những bộ sưu tập được lưu giữ ở nước ngoài cần phải mua về hoặc sao chép lại. Một phần quan trọng nữa là các tác phẩm ảnh được sáng tác bởi thế hệ trẻ, bảo tàng cũng cần tạo điều kiện để họ được trưng bày, tránh việc vài chục năm sau phải mua lại tác phẩm của họ từ nước ngoài.

Đề cao giá trị giáo dục của di sản ảnh, Chánh văn phòng Thủ hiến Wallonie - Brussels, Bỉ Pascale Delcomminette cho rằng, việc thành lập bảo tàng cần phải nghĩ đến giá trị đóng góp về mặt giáo dục. Bảo tàng sẽ phải chủ động liên kết với các trường học để đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Bảo tàng ảnh cũng cần chú trọng trong giao lưu với các bảo tàng ảnh quốc tế, vừa học hỏi kinh nghiệm nâng tầm giá trị trong các trưng bày, giới thiệu, vừa giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Theo Nhữ Sơn - ĐBND














Các bài mới
Các bài đã đăng