Tạp chí Sông Hương -
Nhiếp ảnh gia Việt Văn: "Kết nối" mặt người với tượng đá…
09:33 | 14/11/2011
Ngày 15/11 tới đây, lần đầu tiên một cuộc khảo tả bằng ảnh về sự “đứt đoạn và kết nối” giữa các chân dung tượng đá Bayon ở Angkor, Campuchia với chân dung con người được đặt cạnh nhau trong một triển lãm tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia Việt Văn:
Bộ Bayon, chụp khuôn mặt của người Campuchia trong sự so sánh với những tượng đá.
Qua sự sắp đặt có chủ đích này, tác giả của những bức ảnh - nhiếp ảnh gia Việt Văn - muốn “đại diện” cho cộng đồng đặt ra chuỗi câu hỏi: Trong thời đại thông tin ngày nay, chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta đang ở đâu? Sự thay đổi của xã hội tác động đến mỗi cá nhân, gia đình, quốc gia... như thế nào?

Tìm mặt người giống mặt tượng để chụp 

Ở triển lãm lần này, Việt Văn trưng bày 40 tác phẩm màu và đen trắng khổ lớn từ 60x80cm đến 90x120cm. 40 tác phẩm chia làm 3 bộ ảnh Bayon, Hơi thở và Ký ức được làm bo đen treo trên những tấm mành tạo cảm giác mới lạ trong triển lãm. 

Bộ ảnh 1 (Bayon) được chụp trong hai đợt đi Campuchia năm 2010 và giữa năm 2011 của tác giả. Những bức tượng Bayon nổi tiếng như gợi nhớ một quá khứ “không bao giờ trở lại” nhưng lại rất đỗi huy hoàng của Campuchia. 

Việt Văn chia sẻ: “Tôi đến Campuchia và thấy cuộc sống ngày nay của người dân còn muôn vàn khó khăn dù đất nước Campuchia đang trên đà phát triển. Tôi chụp và đặt ảnh tượng Bayon cạnh gương mặt người dân Campuchia hôm nay như một phép so sánh để tìm lời đáp: liệu điểm gạch nối nào giữa quá khứ và hiện tại cũng như dự báo nào cho tương lai của con người?”

Trong bộ ảnh này, Việt Văn sử dụng tông màu cho tượng Bayon bằng màu vàng nhạt mang vẻ hoài niệm và tông đen trắng cho gương mặt người Campuchia hôm nay một cách đầy ẩn ý. Và nếu để ý kỹ sẽ thấy những cặp so sánh mặt tượng - mặt người có những nét thú vị riêng. Có khi đó là sự đồng điệu của ánh mắt, nụ cười như cô vũ nữ với tượng, có khi là sự tương phản giữa gương mặt nhà sư trẻ và tượng: một nhắm mắt, một mở mắt, một suy tư, một thanh thản... 

Để thực hiện được cuộc so sánh bằng ảnh này, Việt Văn cho biết anh đã gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp: “Tôi phải lựa mặt tượng rồi tìm mặt người thích hợp cho ý đồ của mình. Và người ở đây phải đa dạng thành phần, từ nhà sư, người lái xe tuk tuk, người bán hàng và cả giáo viên, công chức... Thuyết phục đối tượng chụp ảnh cũng không dễ. Có người từ chối, có người cho chụp ảnh nhưng không nói gì, chỉ lặng im như.... tượng!”.

Với bộ ảnh 2 (Hơi thở) Việt Văn đã thâm nhập vào phòng thiền định của các nhà tu hành thuộc Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo) vào lúc 3h30 sáng. Trong ánh sáng tối mờ không rõ mặt người, Việt Văn  bắt được chân dung cận cảnh của những giây khắc thiền của các nhà sư, cảm nhận hơi thở trong từng “sát-na”. Xem ảnh, người xem có thể cảm nhận được thiền định đã đạt tới Xả (upekkha- tiếng Pali - sự tĩnh lặng vô biên của Tâm), một trạng thái giúp cá nhân hiện diện trọn vẹn tất cả những kinh nghiệm khác nhau, tạo nên thế giới và cuộc sống của mỗi cá nhân trong ảnh (cũng như ngoài đời thực). 

Giống như bộ ảnh 1, để có được bộ ảnh Hơi thở, Việt Văn cũng gặp khó khăn, bởi lẽ người bình thường không thể tiếp cận vào phòng thiền định để chụp ảnh. Nhất là những bức ảnh đặc tả rất cận. “Khi chụp tôi có cảm giác đã xâm phạm vào không gian thiêng riêng tư của các nhà sư. Mặc dù trước đó, tôi cũng đã ngồi thiền cùng với các nhà sư để cảm nhận và kết nối... Nhưng rồi những bức chân dung về giây khắc thiền của các nhà sư cũng nhẹ nhàng như hơi thở. Có nhà sư thoáng nhíu mày khi tiếng máy kêu “soạch”, có nhà sư khẽ mở mắt nhìn xuống dưới và có nhà sư tĩnh tại như không...”.

“Buông xả” để nâng niu ký ức

Ở bộ ảnh 3 (Ký ức) Việt Văn lại thể hiện nhãn quan của mình về sự trôi chảy của dòng đời sinh diệt, đặt ra câu hỏi làm sao mà mỗi cá nhân có thể thẩm thấu được những sự tương phản liên tục, những thái cực của sung sướng và đau khổ mà vẫn giữ được tâm bình an, mà không cảm thấy sự cô đơn lạc lõng bị đẩy ra ngoài lề xã hội?! Mặc dù xem bộ ảnh này, có cảm giác vừa như của chính tác giả vừa như của những người khác. Đó là những đứa trẻ chơi đùa trên cát như ký ức tuổi thơ, bàn tay già nhăn nheo, cuốn sách và cốc cà phê gợi nhớ ký ức của người HN...

Nhưng xem hết bộ ảnh này, kết nối với hai bộ ảnh đã kể trên (Hơi thở và Ký ức) người xem mặc dù có cảm giác rất rõ về sự đứt đoạn nhưng nếu bằng con mắt an lạc sẽ lại nhìn thấy sự hài hòa và tổng thể của một trật tự vô hình của thế giới sẽ không bị dính mắc vào những điều kiện của cuộc sống, không bị “vòng kim cô” của một hạnh phúc bền vững giả tạo úp chụp lấy mà biết “buông xả”. Với Việt Văn, bằng triển lãm này anh cũng đã “buông xả” nhưng là để nâng niu ký ức.

Theo Phạm Nguyễn - TT&VH




















Các bài mới
Các bài đã đăng
Ảnh là di sản (10/11/2011)