Tạp chí Sông Hương -
Dành Nhà hát Lớn cho nghệ thuật hàn lâm
16:44 | 15/11/2011
Ngày 9/12 tới đây, nhân 100 năm ngày công diễn vở kịch đầu tiên tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Bộ VH,TT&DL sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn. Trải qua bao thăng trầm, Nhà hát Lớn vẫn luôn là “thánh đường của nghệ thuật” Việt Nam. 
Dành Nhà hát Lớn cho nghệ thuật hàn lâm
“Thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn – Hà Nội
Không phải là phiên bản của nhà hát Opéra Garnier

Nhà hát Lớn là một công trình dành cho biểu diễn nhạc kịch và vũ kịch cao cấp theo kiểu của Pháp và Ý rất sớm ở Việt Nam, là một sự khởi đầu cho quá trình hội nhập lần đầu tiên của văn hóa nghệ thuật Việt Nam vào thế giới, dù quá trình này không do người Việt Nam chủ động.

Trong suốt cả một thế kỷ qua, nó đã phục vụ xã hội, cộng đồng Việt Nam bằng một thiết chế văn hóa thông qua việc biểu diễn những tác phẩm sân khấu, các chương trình hòa nhạc có đẳng cấp. Có thể nói, Nhà hát Lớn có vai trò đặc biệt trong việc đóng góp cho sự phát triển văn hóa Việt Nam thời cận đại và hiện đại.

Về giá trị kiến trúc đô thị, tôi nghe một số người bạn nước ngoài nói rằng, Nhà hát Lớn đã được ghi vào danh sách là 1 trong 20 nhà hát nổi tiếng nhất, đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất trên toàn thế giới. Tuy xuất hiện muộn nhưng công trình này mang trên mình một mô hình kiến trúc hết sức đặc biệt, không giống bất cứ nhà hát nào.

Có những người viết rằng Nhà hát Lớn giống nhà hát Opéra Garnier của Pháp xây dựng cách đó khoảng 30 năm. Tôi đã từng nhiều lần đến thăm nhà hát đó ở Paris và tôi thấy rằng nếu viết Nhà hát Lớn Hà Nội là phiên bản của nhà hát này thi không phải. Bởi vì nhà hát Opéra Garnier ở Pháp được xây dựng rất lớn, rất đồ sộ, nguy nga và rất cầu kỳ với 2.600 khán giả, trong khi Nhà hát Lớn chỉ chưa đầy 1.000 chỗ. Nếu có giống nhau thì có chăng chỉ giống về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng mà thôi. Còn về mặt kiến trúc thì Nhà hát Lớn là một sự phát triển rất đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của lối kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc tân Ba- rốc. Thậm chí có những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân của nó chứ không bắt chước một cái nào của Opéra Garnier cả. Nếu đặt Nhà hát Lớn bên cạnh các nhà hát tiêu biểu trên thế giới thì nó rất độc lập, không giống nhà hát nào về mặt kiến trúc...

Rất tiếc cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết được ai là tác giả của công trình này. Chúng tôi đã tìm rất nhiều hồ sơ cả ở Việt Nam và ở Pháp nhưng vẫn chưa tìm ra. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là cần phải làm rõ ai là tác giả của một công trình độc đáo ở một nước thuộc địa Đông Dương xa vời với nước Pháp như thế mà lại chín muồi đến như thế. Một công trình mà theo tôi đến lúc này chúng ta có thể học tập được rất nhiều thứ.

Tôi được nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, gần đây phía Pháp có trao cho chúng ta một số tư liệu quý về Nhà hát Lớn và tôi hy vọng trong số tài liệu đó có hồ sơ thiết kế gốc về Nhà hát Lớn. Nếu có, cùng với những tư liệu quý khác, tôi nghĩ Nhà hát Lớn nên trưng bày ngay trong không gian nhà hát, bởi lẽ ở mỗi nhà hát mang tính hàn lâm như Nhà hát Lớn của chúng ta bao giờ người ta cũng có một phòng trưng bày truyền thống, đặc biệt là các tư liệu, hình ảnh về những cuộc biểu diễn lớn của nhà hát, những tên tuổi nghệ sĩ lớn đã từng đứng trên sân khấu nơi đây. Nếu có phòng trưng bày, nhà hát tự thân nó sẽ giới thiệu cuộc đời, tự giới thiệu về sự tích lũy văn hóa của chính nó.Trong số các nhà hát ở Việt Nam, có lẽ Nhà hát Lớn có nhiều điều kiện hơn hết để làm được việc này.

Nhà hát Lớn có một vị trí đặc biệt trong kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20. Vì vậy, nếu chúng ta nói đến di sản kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc thời cận đại và hiện đại Việt Nam, không thể không nhắc đến Nhà hát Lớn. Cũng như trụ sở Bộ Ngoại giao, Bắc Bộ phủ, Phủ Chủ tịch, Viện Pasteur, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam... là những công trình kiến trúc đẹp đẽ, quy mô nhất của Hà Nội, định hình kiến trúc, diện mạo của Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ 20.

Đẳng cấp hàng đầu ở Việt Nam

Nhà hát Lớn đáng được coi là một di sản văn hóa, một di sản kiến trúc đô thị của Hà Nội. Trước khi bắt tay vào tu bổ (từ 1995-1997) thì Nhà hát Lớn đang trong thời kỳ xuống cấp nặng nề, đã bị biến dạng, hầu như không có thiết bị âm thanh, chiếu sáng, điều hòa không khí, không cả thiết bị vệ sinh, mà hầu hết chỉ ở dạng kế thừa của người Pháp sau năm 1954. Nhìn vào đó không thể gọi là một công trình dành cho biểu diễn những chương trình cao cấp được.

Cuối năm 1994, Chính phủ ta, đặc biệt là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra chủ trương tu bổ và nâng cấp Nhà hát Lớn, trước mắt là để phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ (1997). Đồng thời, chủ trương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó là cần phải biến Nhà hát Lớn thành một công trình biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp hàng đầu ở Việt Nam. Muốn làm được việc đó thì cần phải tiến hành trùng tu, nâng cấp Nhà hát Lớn.

Tôi với tư cách là một chuyên gia về bảo tồn và trùng tu di tích, có 30 năm trong nghề đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) giao cho chủ trì công việc này. Đó là lần đầu tiên ở Việt Nam tiến hành trùng tu một di sản kiến trúc của Pháp. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến năm 1911 công trình Nhà hát Lớn vẫn chưa hoàn thành?! Vì ở Pháp lúc đó đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế rồi bước vào Đại chiến  thế giới thứ nhất nên chưa có tiền để hoàn thành. Vì vậy, một phần nào đó công việc trùng tu của chúng tôi là giúp kiện toàn công việc mà họ để lại cách đó 80-90 năm.

Cái khó nhất trong việc trùng tu công trình này là khi tiến hành phục chế mái nhà hát và đó là một kỳ công. Chúng tôi có đề nghị một số đơn vị nước ngoài báo giá phục chế mái ngói bằng đá xẻ và một số thành phần trang trí bằng kẽm trên mái nhà. Họ báo giá lên đến 2 triệu USD. Vậy nhưng Việt Nam chúng ta với những nghệ nhân xuất sắc đã làm được công việc đó mà giá rẻ chỉ bằng 1/10 giá của nước ngoài với cách làm hết sức sáng tạo, hết sức đặc biệt mà chất lượng lại rất cao dù là làm lần đầu.

Tôi có thể khẳng định, ở Việt Nam chưa có một công trình kiến trúc nào có thể vượt được Nhà hát Lớn cả về độ nguy nga, trang trọng lẫn chất lượng cần thiết cho những chương trình biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp. Vì thế, tôi cũng cho rằng trong tương lai cần phải duy trì những gì đã đạt được trong cuộc trùng tu 1995-1997 và dành nhà hát hoàn toàn cho việc biểu diễn các chương trình chất lượng cao, trở thành một nhà hát mang tính chất hàn lâm.

Theo Huy Thông  - TT&VH
















Các bài mới
Các bài đã đăng