Tạp chí Sông Hương -
Nhạc phim đang chỉ là... “cái đuôi”
08:55 | 17/11/2011
Giành giải âm nhạc xuất sắc tại LHP VN 13 (nhạc phim Mùa ổi) và giải Kim Tước cho nhạc phim hay nhất (LHP Quốc tế Thượng Hải lần thứ 8), nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (ảnh) cũng là người “ngồi ghế” giám khảo phim truyện nhựa LHP VN lần thứ 15 và 16.
Nhạc phim đang chỉ là... “cái đuôi”

Từ thực tế của người có nhiều kinh nghiệm làm nhạc phim và những gì “mục sở thị” phần nhạc phim ở hai LHP VN gần đây, Đặng Hữu Phúc cho rằng, trong nhiều phim nhạc phim đang chỉ là… “cái đuôi”.

Sau LHP VN lần thứ 16, anh là giám khảo “gây sốc” khi công bố những điều có tính chất “nội bộ” trong tác nghiệp của BGK. Liệu có phải, anh là nhạc sĩ duy nhất trong BGK bỏ phiếu cho 1 phim khác còn 8 vị kia (không phải nhạc sĩ) lại chấm nhạc của 1 phim khác ý kiến anh, nên anh “sốc”?

- Đúng là tôi đã bỏ phiếu cho nhạc của 1 phim giành giải Bạc. Với tư cách nhạc sĩ, tôi thấy nhạc phim đó xứng đáng nhận giải xuất sắc. Tôi tranh cãi, nhưng… tôi chỉ là “cành” và cành thì không thể thắng “gốc”.

Đối với nhạc phim Chuyện của Pao (giải nhạc phim xuất sắc nhất tại LHP VN lần thứ 15), tôi không đồng ý trao giải này cho nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vì những nét nhạc của ông trong phim quá Tây, như là mặc comple, thắt cà vạt vào rừng, trong khi bộ phim này rất cần giai điệu của tiếng sáo Mèo.

Đấy là chưa kể, phát biểu trong một bài báo, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định Chuyện của Pao sử dụng 90% giai điệu trong CD Đường xa vạn dặm của anh. Theo tâm lý của mọi người… “đội bóng giỏi” đương nhiên không có cầu thủ tồi nên khi chấm các giải cá nhân thường nhìn vào các phim nhất, nhì để chọn lựa. Tôi có cách nghĩ khác, rất có thể trong một phim không xuất sắc nhưng phần âm nhạc lại có tính phát hiện và sáng tạo.

Đạo diễn Trần Anh Hùng nói, âm nhạc tấu lên trong một cảnh phim nhằm biểu lộ “tôi đồng ý với anh”. Theo cách nói này, âm nhạc phải “ăn” với phim và khiến hình ảnh phim cất cánh. Nếu là một phim dở mà âm nhạc lại gây ấn tượng, sẽ có hai khả năng xảy ra, một là nó góp phần khiến bộ phim dở hơn; hoặc nó chẳng ăn nhập gì với phim. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

- Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp và đương nhiên âm nhạc là một thành tố để tạo nên tác phẩm có tính tổng hợp ấy.Tôi hiểu điều này chứ. Nhưng muốn vậy thì phải đầu tư cho xứng đáng. Lâu nay, kinh phí đầu tư cho âm nhạc chỉ bằng 2% tổng kinh phí. Đạo diễn Hồ Quang Minh từng nói, vai trò âm nhạc chiếm 50% hiệu quả của phim.

Phim "Chuyện của Pao", giải nhạc phim xuất sắc nhất tại LHP VN lần thứ 15


Có thể, vì ông muốn an ủi tôi nên nói thế, nhưng tôi thì nghĩ, ít nhất nó cũng chiếm 20%. Đã chiếm tới 20% thì cũng phải đầu tư đủ để nó đạt được 20% hiệu quả chứ không phải nhỏ hơn cả 10 lần như thế. Khi được mời làm nhạc cho Đừng đốt, tôi yêu cầu mức kinh phí 80 triệu – trọn gói cho cả nhạc sĩ, nhạc công (dàn nhạc mấy chục người). Nhưng nhà sản xuất lại bảo chỉ có 20 triệu. Và tôi đã từ chối.

Làm phim trong điều kiện VN, đôi khi cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, trong khi các thành phần khác đều phải “thắt lưng, buộc bụng” mà phần âm nhạc cứ yêu cầu phải đủ và “cập nhật” giá thị trường, có khi người ta lại nghĩ mình “chảnh”?

- Với quan điểm điện ảnh hướng tới số đông; là ngành công nghiệp giải trí, nhiều đạo diễn bây giờ bị cuốn theo lối “làm hàng” quan tâm đến lỗ lãi, câu khách. Với quan điểm làm phim thế, họ cũng phải tìm những nhạc sĩ biết “làm hàng” “lọt” tai người nghe, thay bằng việc sáng tạo nên những giai điệu, âm thanh giúp hình ảnh phim cất cánh.

Tôi đã từng nhận được lời đề nghị làm phim chỉ sử dụng trống và một vài loại nhạc cụ điện tử để tạo những giai điệu kiểu hip hop… trong một bộ phim chẳng liên quan gì đến loại nhạc này. Tất nhiên là tôi lại từ chối. Ngày trước, vì muốn giữ đất để làm ăn nên tôi ngại nói những điều này. Nhưng chẳng nhịn mãi được, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho tử tế, chứ làm theo lối coi âm nhạc như “cái đuôi”, làm “màu” cho phim kiểu “mì ăn liền” coi như tự mình hủy uy tín của mình thôi.

Hai LHP liên tiếp ngồi ghế giám khảo, liệu LHP này…?

- Tính tôi thẳng, đã từng tỏ thái độ về một số bất cập trong công tác chấm giải ở các mùa LHP trước, nên khó có cơ hội làm… giám khảo tiếp. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta nên tham khảo cách chấm của LHP nước ngoài.

Không nhất thiết phải có đủ các nhạc sĩ, quay phim, họa sĩ trong thành phần BGK nhưng lại rất cần có từng tiểu ban trợ giúp. Ví dụ có khoảng 5 nhạc sĩ trợ giúp tiểu ban nhạc sĩ, 5 quay phim trợ giúp tiểu ban quay phim. Giải Kim Tước của tôi tại LHP Thượng Hải năm 2005 (nhạc phim Thời xa vắng, đạo diễn Hồ Quang Minh - P.V), khi trao giải là tiểu ban âm nhạc lên trao đấy chứ. Như vậy giải thưởng được trao sẽ chính xác hơn.

                                                                                    Theo Quỳnh Anh - VH














Các bài mới
Các bài đã đăng