Tạp chí Sông Hương -
Thơ phản chiến Áo “đến” Việt Nam
15:44 | 21/11/2011
Hậu quả tối thiểu/ Của cuộc chiến Việt Nam/ Sẽ là câu hỏi/ Khi ta gặp người Mỹ:/ Ngày ấy, cách đây đã nhiều năm/ Anh có ở đó không/ Sài Gòn hay Đà Nẵng/ Và anh đã giết ai? – Đó là những vần thơ phản chiến của Erich Fried, một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX của văn học Áo và văn học tiếng Đức nói chung, vừa được giới thiệu trong tuyển tập thơ Từ quê hương Mozart do dịch giả Quang Chiến chủ biên.
Thơ phản chiến Áo “đến” Việt Nam

Năm 2012 sẽ là năm kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Áo - Việt Nam và tuyển tập thơ Từ quê hương Mozartđã ra đời nhân dịp này. Đặc biệt, tuyển tập giới thiệu hai nhà thơ xuất sắc của nền thơ Áo, đồng thời có mối quan hệ gần gũi với Việt Nam là Christian Ide Hintze và Erich Fried.

Theo dịch giả Quang Chiến, Christian Ide Hintze là người sáng lập và cho đến nay là hiệu trưởng Trường văn chương thành Wien, nơi giảng dạy nhiều về các trào lưu thơ mới và tạo điều kiện cho những thể nghiệm thơ ra đời. Ông đã từng sang giảng dạy ở Trường viết văn Nguyễn Du. Nhiều nhà thơ nhà văn Việt Nam đã gặp ông ở đó. Đối với một số các nhà thơ Việt Nam, ông là bạn, cũng là một người thầy. Quan hệ giữa hai trường viết văn khá thân thiết. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông – Triều dâng ánh vàng đã được Trường viết văn Nguyễn Du tổ chức thực hiện và in năm 1993.

Còn Erich Fried là một trong những nhà thơ lớn nhất thế kỷ XX của văn học Áo và văn học tiếng Đức nói chung. Ông từng viết nhiều thơ, diễn văn, tiểu luận, xuất hiện trong các hội nghị và các cuộc biểu tình đòi hòa bình và công lý cho nhân dân Việt Nam. Năm 1966, ông  viết tập Và Việt Nam và… gây nên làn sóng tranh cãi lớn ở Tây Đức bấy giờ, và châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản kháng cuộc chiến tranh của Mỹ.

Tháng 2/1968, tại Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Đại học tổng hợp T.U. Berlin, Erich Fried đã đọc một tham luận gây tiếng vang lớn – Việt Nam và sự phản kháng của chúng ta trong các thành phố lớn, trong đó kêu gọi các lực lượng đoàn kết đấu tranh chống cuộc chiến tranh của Mỹ. Sau đó, ông xuống đường cùng 12.000 thanh niên, trí thức, nhà khoa học biểu tình đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam. 

“Erich Fried chưa từng một lần đến Việt Nam. Nhưng nói đến cuộc chiến tranh này, nói đến những người yêu hòa bình trên thế giới và ủng hộ Việt Nam, không thể không kể đến ông. Chúng ta phải biết ơn ông. Tiếc là ông đã từng được giới thiệu nhưng vẫn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam” – dịch giả Quang Chiến nhấn mạnh. 

Theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - TT&VH


















Các bài mới
Các bài đã đăng