Tạp chí Sông Hương -
Tay không gầy lại kịch nói
10:49 | 05/12/2011
Suốt hai tháng nay, những ai quan tâm đến kịch nghệ ở Ðà Lạt thường tìm đến ngôi biệt thự Pháp cổ xưa ở số 2 Nguyễn Du để xem một “đoàn kịch” bỗng dưng xuất hiện.
Tay không gầy lại kịch nói
Ảnh: NGUYỄN HÀNG TÌNH
Trong gian phòng chừng chục mét vuông, mấy tượng gỗ ai đó để nhờ nơi căn biệt thự được mang ra dựng tạo không gian sân khấu. Các kịch sĩ tập kịch mê đắm, rất ngọt, chuyên nghiệp. Ðạo diễn luôn tay múa máy, giậm chân và la ó. Diễn viên diễn xuất, người nhắc lời thoại, âm nhạc êm vang... Tất cả như đời sống của một đoàn kịch thực thụ...

Kham khổ hơn thời bao cấp

Ðạo diễn Lương Mạnh Hùng vì bị “kịch nhập”, trong cơn mê say trách nhiệm mà la ó diễn viên, chứ sòng phẳng mà nói ông chả có quyền gì ra lệnh hay la hét họ - những diễn viên. Ngay ông Hùng cũng chẳng trả họ đồng bạc lương nào cả (mà ông Hùng cũng nào có lương, thù lao!), cũng chẳng ai giao ông cái quyền điều khiển những người đang tham gia, thậm chí ông cũng không thể nói cho họ biết sau mỗi buổi kịch rã rời kia thứ họ sẽ bỏ vào bụng cho khỏi đói là cái gì.

Từ nỗi thèm kịch, họ tự nhiên tụ lại, tự gây men, kết nối, liên lạc. Những ngày đầu trở lại với kịch, họ mua cơm hộp để ăn sau mỗi buổi diễn. Như vậy có vẻ không đảm bảo sức khỏe, những ngày sau họ tổ chức nấu ăn ngay tại “doanh trại” để làm kịch được tập trung. Trần Phạm Lợi - học đại học sân khấu chính quy ở Hà Nội, từng là phó đoàn phụ trách chuyên môn ở Ðoàn kịch nói Lâm Ðồng một thời - tự dưng thành “chủ xị” của nhóm. Hằng ngày anh vừa coi ngó trụ sở hội văn nghệ vừa diễn kịch ở vai thi sĩ trong một vở đang tập, vừa lo đi chợ, đổ gạo vào nồi, lặt rau, xắt thịt, mua hoa trái nhang khói về cúng tổ nghề sân khấu... Vì mê kịch, nhiều ngày lu bu với kịch Lợi không về nhà, vợ hờn trách: “Ði luôn đi, kịch với kiếc. Mắc mớ gì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tự dưng trở nên man man, khùng khùng!”. Cứ thế, nhiều tuần nay Lợi “tha” cả mắm, muối, bột ngọt... của vợ xuống để lo từng bữa ăn cho anh em kịch sĩ.

Ðạo diễn sân khấu Lương Mạnh Hùng - đạo diễn chính của Ðoàn kịch nói Lâm Ðồng mấy chục năm trước, ở tận huyện Ðức Trọng cách Ðà Lạt 30km, hằng ngày ngoài giờ phụ vợ bán vải ở chợ Tùng Nghĩa lại chạy xe máy lên xuống Ðà Lạt để làm kịch. Anh chàng cử nhân luật Huy Phong lâu nay đi cắm hoa thuê và săn tìm đá phong thủy bỗng thành diễn viên nam chính của nhóm kịch lãng tử.

Còn họa sĩ thiết kế sân khấu lại là anh chàng họa sĩ sáng tác tranh nay hằng ngày phụ vợ bán thịt heo ở chợ Ðà Lạt Nguyễn Ðăng Lộc. Cô cử nhân luật Nguyễn Xuân Chi đang là phóng viên cho tạp chí Pháp Lý của Hội Luật gia VN tại Ðà Lạt. Và diễn viên trẻ nhất - cô nàng 21 tuổi Uyên Thao vừa tốt nghiệp khoa văn Trường CÐ Sư phạm Ðà Lạt và đang là phát thanh viên tập sự của Ðài truyền thanh - truyền hình Ðà Lạt...

Mỗi người một con đường mưu sinh, nên mỗi buổi tập trung về Ðà Lạt để diễn kịch hàn lâm sau hơn 20 năm kịch nghệ biến mất khỏi Ðà Lạt là một sự thu xếp ngoạn mục, vượt lên mọi thứ đời thường. Nhìn cảnh làm nghệ thuật đó, nhiều người xúc động: “Còn kham khổ, tảo tần hơn cả thời bao cấp”.

“Chơi” ra trò và tự đòi hỏi lý tưởng nghệ thuật

Có những tình yêu kịch tha thiết, như anh chàng Phạm Sơn Minh lo phần âm thanh vẫn cố mang theo cho được thiết bị ghi âm để chọn âm thanh đưa vào kịch, giữa lúc phải chạy vào bệnh viện khi vừa nghe cậu con trai mình bị gãy tay phải bó bột. Ngay diễn viên nam chính Huy Phong có bữa cũng mang nước mắm đến góp vào cuộc “tái sinh” kịch này. Cô nàng Nguyễn Xuân Chi bảo chứng kiến cảm xúc với kịch của mấy “chú” mà cô “nhiễm” vào tự nhiên, thấy “như thể mình gắn bó với kịch nghệ từ thuở nào xa lắm”, dù nay mới là lần đầu đến với kịch nói. Nữ trí thức tốt nghiệp trường luật này hân hoan: “Giờ mới biết kịch là một cuộc chơi thật sang trọng, trí tuệ và lành mạnh. Ước gì được chơi mãi với nó”.

Nhìn vẻ mặt non tươi và phơi phới của cô gái trẻ lần đầu bước vào thế giới kịch nói hàn lâm Uyên Thao mỗi khi diễn, càng tin vào cơn khát kịch luôn âm ỉ ở Ðà Lạt. Uyên Thao như mở lòng: “Lâu nay tôi ước được diễn kịch trước đám đông, được thả lòng trong thế giới kịch trường, được phân thân, nhập vai... khác với đời thật của mình, nhưng không biết gửi cơn thèm khát ấy vào chỗ nào. Gặp nhóm chơi kịch lãng tử này tôi như cá gặp nước...”.

Họa sĩ Nguyễn Ðăng Lộc cho rằng: “Một xứ văn minh, trung tâm du lịch quốc tế danh tiếng như Ðà Lạt nhưng lại vắng kịch là kỳ lạ. Tại sao kịch vẫn còn là một thứ xa xỉ và xa vời với “tiểu Paris” - Ðà Lạt đến thế!?”.


Vậy đó, đạo diễn Lương Mạnh Hùng cứ bảo: “Chơi lãng tử vẫn cứ sang trọng trong nghệ thuật. Những ngày qua chẳng có gì là khổ cực, lam lũ cả vì như thế mới thú vị”.

Quan điểm chung của cả nhóm là có kịch bản nào đáp ứng được cảm xúc, vì nghệ thuật thật sự thì dựng, không cần số lượng, mà cũng không ai có thể ép dựng, ép diễn, hay dựng, diễn vì tiền, dựng để kinh doanh hoặc “làm sang” cho cơ quan, đơn vị, tổ chức nọ kia. Gần hai tháng trôi qua, họ tự lo dinh dưỡng cho những buổi kịch cũng như mọi “cơ sở hạ tầng” khác của một “đoàn kịch” tài tử. Và hằng ngày vẫn dựng kịch, vẫn diễn, niềm mê say vẫn chảy, lan tỏa ra ngoài căn biệt thự cổ kia...

Sân khấu ở đâu?

Ðạo diễn Hùng ước ao kịch nói sẽ xuất hiện hằng tuần ở thành phố du lịch Ðà Lạt sang trọng. Tâm huyết là có, tài hoa là có, con người có thể quy tụ, không tiền không gạo vẫn dựng ra kịch, nhưng sẽ mang nó ra diễn ở đâu đây khi mà ngay cả cái rạp chiếu bóng Giải Phóng cũng đã bán cho người ta đập đi xây khách sạn, rạp Ngọc Lan đập bỏ để thêm phòng cho khách sạn mới và rạp cuối cùng còn lại là rạp Ba Tháng Tư cũng sắp cho phá đi để lấy mặt bằng? Có người đùa: “Thì các ông...đưa ra rừng thông mà diễn!”. Khổ nỗi rừng thông nào ở Ðà Lạt gần đây cũng đã “gả” sạch cho nhà đầu tư xây cất resort, đều đã giăng rào lại cả. Có người lại giới thiệu với nhóm kịch biến hội trường Trường ÐH Ðà Lạt, sảnh phòng khách của khách sạn Palace hoặc hội trường Ðài PT-TH tỉnh Lâm Ðồng thành sân khấu kịch. Phải quẫy đạp để tìm chỗ diễn chứ, vở kịch đầu tiên dựng sắp xong rồi!

Lại anh chàng bảo vệ ở Hội Văn nghệ Lâm Ðồng, “khấu sĩ” Trần Phạm Lợi chống cằm lên bao sân: “Yên tâm đi. Bí quá chúng ta tìm đến nhờ không gian của hội trường Ðài PT-TH Lâm Ðồng để diễn. Miễn được diễn là sướng rồi!”. Nhóm kịch cử người gặp ông Lê Công - phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Lâm Ðồng - nhờ hội này làm bà đỡ để vở kịch được đến với công chúng hợp pháp. Ông phó chủ tịch Hội Văn nghệ “OK” bằng cách hình thành “câu lạc bộ sân khấu” trực thuộc hội - hội văn nghệ duy nhất trong cả nước có kiểu câu lạc bộ thế này. Ðạo diễn Lương Mạnh Hùng tin tưởng: “Chúng tôi có thể chỉ diễn cho một nhóm du khách “xứng đáng để được xem kịch”, dù chỉ diễn ngay trong một gian phòng khách sạn...”.

Theo NGUYỄN HÀNG TÌNH - TTO














Các bài mới
Các bài đã đăng