Tạp chí Sông Hương -
Chèo Hà Nội chinh phục khán giả nhỏ tuổi
14:34 | 07/12/2011
Nhà hát Chèo Hà Nội đã quyết tâm chinh phục đối tượng khán giả thiếu nhi đầy tiềm năng, bắt đầu bằng vở Ăn khế trả vàng, công diễn từ tháng 11. Theo đạo diễn, NSƯT Tuấn Hải - tác giả vở chèo Ăn khế trả vàng, quan tâm, chăm sóc thiếu nhi chính là đầu tư nuôi khán giả tiềm năng của chèo trong 5 - 10 năm tới.
Chèo Hà Nội chinh phục khán giả nhỏ tuổi

Thiếu nhi là đối tượng khán giả tiềm năng nhưng chưa được nhiều nhà hát quan tâm. Tại Hà Nội, hầu như mới chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ hướng tới đối tượng khán giả nhỏ tuổi, nên cung chưa đủ cầu. Vì thế, việc Nhà hát Chèo Hà Nội đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này là hướng đi đúng đắn, trong nỗ lực tìm và nuôi khán giả cho chèo. Hơn thế, việc đưa những câu chuyện cổ tích dân gian như Cây tre trăm đốt, Cuội, Cây khế, Thạch Sanh...vào sân khấu chèo cũng rất phù hợp. Vấn đề là đưa chèo vào thế nào, liều lượng ra sao để khán giả nhỏ tuổi cảm thấy hấp dẫn, dễ hiểu, chứ không thể đưa chèo nguyên bản vào.

Vở Ăn khế trả vàng của tác giả, đạo diễn Tuấn Hải là thử nghiệm đầu tiên trong hành trình chinh phục khán giả nhỏ tuổi của Nhà hát Chèo Hà Nội. Dựng lại một trong những câu chuyện hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Cây khế, trong đêm diễn ra mắt,Ăn khế trả vàng đã được các em cũng như các bậc phụ huynh đón nhận nồng nhiệt. Đạo diễn Tuấn Hải chia sẻ: làm sân khấu cho thiếu nhi, những yếu tố ly kỳ, thần thoại được sử dụng tối đa. Anh đã xử lý cho cây khế như một con người, cũng cất lên lời cám ơn người có công chăm khế, cũng có mắt, có miệng, vui buồn cùng người em tốt bụng. Khi cây đọc thơ hay cất lên tiếng hát cùng những quả khế, mắt cây xanh biếc và chớp chớp mừng vui. 10 diễn viên trong vai những quả khế trên cây đã ào xuống nhảy múa tưng bừng rộn rã cùng người. Đây là cảnh diễn tạo được niềm vui và sự xúc động cho tất cả người xem.

Do thời lượng và tiết tấu không cho phép nên chỉ 3 bài hát có giai điệu hay nhất của chèo được chọn đưa vào vở diễn, nhằm giúp các em dễ cảm nhận. Như bài Con gà rừng tiết tấu nhanh, giai điệu đẹp, trong chèo được thể hiện ở tình huống nhân vật điên loạn, rối rít, giả dối hoặc khi rối bời không biết làm thế nào, khi lắp vào vở diễn này được đặt trong tình huống vợ chồng người anh chiếm được cây khế, nửa mừng nửa lo xem đại bàng có đến không, nó đến thì chửi thế nào. Còn bài Cách cú tâm thức trong sáng, chân thành, được lắp vào tình huống sau khi vợ chồng người anh chiếm cả gia tài chỉ cho người em cây khế, hai vợ chồng người em khấn trời phật, tổ tiên để tĩnh tâm trở lại. Hay bài Tứ quý được người em ngâm khi bị người anh đuổi đi và chỉ còn một cây khế. Bên cạnh đó, vở diễn còn “chế lời” một số bài hát thiếu nhi nổi tiếng như Năm ngón tay ngoanQuả và Chú ếch con, đem lại sự vui nhộn, cuốn hút các em vào từng hoạt cảnh. “Đây không phải là đánh lừa, mà đưa các em tiếp cận nghệ thuật dân tộc một cách khéo léo. Chúng tôi sử dụng ba bài hay nhất của chèo, đặt đúng tình huống nên các em xem rất thích thú. Hy vọng các em sẽ quen dần và yêu thích các làn điệu chèo” - đạo diễn Tuấn Hải nói.

Thiếu nhi là đối tượng khán giả không hề dễ tính, bên cạnh đó còn phải thuyết phục cả các bậc phụ huynh để họ đưa con em đi xem. Vì thế, không chỉ chế lời những bài hát thiếu nhi nổi tiếng, đã quen thuộc với nhiều thế hệ, êkíp còn cố gắng đưa hơi thở hiện đại vào vở diễn, làm cho khán giả cảm nhận câu chuyện của thời nay chứ không phải đang diễn kịch. Sự tham gia của nghệ sỹ hài nổi tiếng Minh Vượng cũng là một cách để kéo khán giả tới rạp. Tuy nhiên, như đạo diễn Tuấn Hải khẳng định, nghệ sỹ Minh Vượng cũng phải gắn kết chặt chẽ với các diễn viên khác và tuân thủ những quy định của chèo, từ động tác đến cách hát...

Sau thử nghiệm với Ăn khế trả vàng, Nhà hát Chèo Hà Nội đã có kế hoạch dựng tiếp một số vở khác, lấy từ kho tàng truyện cổ tích dân gian Việt Nam, nhằm chủ động kéo khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi đến với chèo.

Theo Nguyên Anh - ĐBND












Các bài mới
Các bài đã đăng