Tạp chí Sông Hương -
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống phải đặt dưới cái nhìn biện chứng
07:28 | 08/12/2011
Sân khấu truyền thống là di sản văn hóa quý báu của dân tộc song loại hình nghệ thuật này đang dần mất khán giả, vai trò trong đời sống xã hội ngày càng giảm sút. Trước thực trạng trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của sân khấu truyền thống trở thành vấn đề cấp bách. Song trước khi đi tìm các giải pháp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống, việc đầu tiên cần làm là xác định cho được đối tượng cần bảo tồn và phát huy của nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống phải đặt dưới cái nhìn biện chứng
Ảnh: Internet
Đối tượng bảo tồn : những lựa chọn khó khăn

Việc xác định đối tượng bảo tồn của nghệ thuật sân khấu truyền thống thoạt tiên như một việc làm thừa, tưởng như trong câu hỏi đã có câu trả lời. Nhưng khi đi sâu vào đặc trưng loại hình của sân khấu truyền thống thì thấy đây là việc không đơn giản.

Sân khấu truyền thống là loại hình văn hóa đặc sắc, bao gồm các loại hình nghệ thuật chủ yếu như tuồng, chèo, múa rối. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, luôn được tái tạo và phát triển không ngừng và mang tính phi vật thể rõ rệt, gắn với cá nhân, cộng đồng trong một thời gian và không gian nhất định. Một vở diễn thành công luôn gắn với người diễn viên, khán giả … mà không thể lặp lại nguyên dạng, cho dù cũng là không gian, thời gian, diễn viên, khán giả ấy. Đó chính là tính chất “động”, tính chất  luôn luôn thay đổi của vở diễn sân khấu. Còn những giá trị được hình thành, phát triển và định hình trong lịch sử lâu dài trở thành cái riêng, các cố định của từng vở diễn chính là tính chất “tĩnh” của sân khấu truyền thống. Tĩnh và động luôn song hành với nhau, tạo nên sức sống cho các vở diễn sân khấu truyền thống. Chẳng thế mà người dân Việt Nam xem vở chèo Quan Âm Thị Kính qua bao nhiêu năm, không biết bao nhiêu lần mà lần nào cũng thấy mê, cũng thấy mới lạ. Bởi họ xem là xem cô Thị Màu này đỏng đảnh như thế nào, cô Thị Màu kia lẳng lơ ra sao… nhưng ai cũng biết chỉ có một Thị Màu trong kịch bản mà thôi. Đó chính là tính dị bản của nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Mặt khác, theo đà phát triển của xã hội, sân khấu truyền thống cũng có những bước chuyển để đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống. Nhiều vở diễn truyền thống đã được chỉnh lý, cải biên cho phù hợp với thời đại. Bên cạnh các vở diễn truyền thống còn xuất hiện thêm các vở diễn cổ đã được chỉnh biên. Tác phẩm sân khấu truyền thống vốn đã có tính dị bản, nay càng phong phú hơn nữa. Đây chính là cái khó cho công tác bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Bảo tồn trong phát triển


Vấn đề đặt ra, bảo tồn là giữ nguyên vẹn những gì đã có, vốn có của truyền thống hay chỉ bảo tồn những cái đã qua quá trình thẩm định, chọn lọc, tức là đã cải biên, chỉnh lý. Bảo tồn vở diễn, trích đoạn, làn điệu, bài bản cổ truyền… cụ thể hay bảo tồn những đặc trưng, cốt cách, cấu trúc nghệ thuật của sân khấu truyền thống. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật sân khấu truyền thống không phải là một thực thể nhất thành, bất biến, mà luôn luôn vận động, biến đổi, kế thừa tạo thành truyền thống theo dòng chảy phát triển của thời gian. Do đó, những giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng không thể nhất thành, bất biến mà cũng phải tuân theo quy luật phát triển của bản sắc văn hóa dân tộc vừa chuyển  động, vừa phát triển.

TS Đinh Quang Trung thì cho rằng, bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống là bảo tồn các tích diễn, vở diễn, làn điệu… cụ thể chỉ có thể được sự đồng thuận khi trả lời thỏa đáng các câu hỏi như: Bảo tồn tích diễn, làn điệu nào? Tác phẩm ấy thực sự là cổ chưa? Bảo tồn nguyên dạng những gì cha ông để lại hay bảo tồn cả tác phẩm đã được chỉnh biên? Nếu nhiều địa phương cùng có một trích cổ thì bảo tồn tích diễn của địa phương nào?..

Cũng cần nói thêm là, sân khấu truyền thống vốn gốc là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, sự đặc sắc của nó thể hiện trong môi trường diễn xướng; người diễn viên được nói, được kể, được ca, được giao lưu gần gũi với khán giả, và cũng chính khán cũng góp phần làm nên thành công của một đêm diễn. Những vở diễn, trích đoạn… sân khấu, với đặc thù của nghệ thuật diễn xướng, là duy nhất, không lặp lại. Theo PGS Tất Thắng, việc bảo tồn nó xem ra là một việc làm bất khả thi. Ông cho rằng, tính phù du của vở diễn sân khấu đã khiến cho ta khó có thể nắm bắt được nó, tái hiện phục dựng nó với tư cách của một tác phẩm nghe và nhìn, nhìn và nghe như nó từng hiện diện trên sàn diễn.

Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta có thể cố định, lưu giữ các tác phẩm sân khấu mẫu mực, chuẩn mực cho đời sau. Nhưng biện pháp đó lại phá vỡ đặc trưng của sân khấu là sự tham gia và đồng sáng tạo của khán giả. Khi không có khán giả, tác phẩm sân khấu trở lên thiếu sức sống, thiếu không khí của một đời sống đích thực. Lúc đó sân khấu sẽ không là sân khấu; và công việc bảo tồn sẽ trở nên ít hiệu quả. Điều đó cho thấy, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống có hiệu quả, cần phải bảo tồn qua các vai diễn, vở diễn, làn điệu… bằng sự nối tiếp nhau của các nghệ sỹ với tài năng, sự sáng tạo và cảm hứng nghệ thuật của họ. Điều này cho thấy sự truyền nghề giữa các thế hệ nghệ sỹ là việc làm vô cùng có ý nghĩa. Công tác bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sỹ sân khấu kế cận cũng cần được đẩy mạnh, bên cạnh đó Nhà nước cũng cần chăm lo, đãi ngộ thỏa đáng của đối với các nghệ sỹ lão thành, những cây cao bóng cả trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, để họ có thể toàn tâm, toàn ý truyền dạy những tinh hoa của sân khấu truyền thống cho thế hệ đi sau.

Từ văn hóa, bằng văn hóa, vì văn hóa

Sân khấu truyền thống là một hình thái của văn hóa, là sản phẩm của văn hóa. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, muốn tìm hiểu, phát huy bất kỳ nền nghệ thuật sân khấu nào thì trước hết phải bắt đầu từ văn hóa, bằng văn hóa và vì văn hóa. Nếu tách khỏi văn hóa, mọi nhận thức về nghệ thuật sân khấu sẽ bị phiến diện và thiếu biện chứng.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống còn nhiều hạn chế, lúng túng và thiếu khoa học. Một phần là do công tác bảo tồn ít quan tâm đến những mối liên hệ khách quan, biện chứng giữa nghệ thuật sân khấu truyền thống với văn hóa, mà phần lớn chỉ nhìn nghệ thuật sân khấu truyền thống dưới góc độ chính trị, đạo đức. Điều này khiến cho việc chỉnh biên một số tác phẩm sân khấu đã làm mất đi những nét nghệ thuật đặc sắc của vở diễn.

PGS.TS Trần Trí Trắc đưa ra ví dụ, trong vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ, Châu Long là vợ Ba của Dương Lễ được chồng cử đi nuôi bạn ăn học. Cái hay của vở diễn là Châu Long là vợ thứ Ba, đã bị sửa thành người vợ duy nhất của Dương Lễ. Bởi đặt trong số phận là vợ Ba, lại trong hoàn cảnh kề cận chàng trai hào hoa, phong nhã Lưu Bình, tác phẩm đã làm nổi bật lên hình tượng người phụ nữ thủy chung, có tấm lòng Bồ Tát cao đẹp Châu Long.

Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cần phải đặt dưới cái nhìn biện chứng giữa tác phẩm sân khấu và phông văn hóa chung nơi nó sinh ra. Muốn vậy, nhà quản lý văn hóa cần có bản lĩnh văn hóa lớn để am hiểu sâu sắc môi trường văn hóa đã sinh ra nghệ thuật sân khấu truyền thống và việc nghệ thuật sân khấu truyền thống là con đẻ của nền văn hóa, xã hội như thế nào. Mặt khác, với sự phát triển và giao lưu văn hóa hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng cần có cái nhìn sâu rộng để nghệ thuật sân khấu truyền thống không bị mất gốc văn hóa và không bị tụt hậu với văn hóa thời đại.

Theo Phạm Liên - ĐBND


































Các bài mới
Các bài đã đăng