Tạp chí Sông Hương -
'Trung Quốc cần tác phẩm giá trị hơn là tác phẩm ăn khách’
07:32 | 08/12/2011
Việc nhà văn Colombia Garcia Marquez đứng đầu danh sách những nhà văn nước ngoài kiếm tiền giỏi nhất tại Trung Quốc được cho là dấu hiệu mang đến hy vọng rằng, độc giả nước này đang chuyển từ những tác phẩm thương mại vô hồn sang các áng văn chương thực sự
'Trung Quốc cần tác phẩm giá trị hơn là tác phẩm ăn khách’
Quách Kính Minh dẫn đầu các nhà văn thu nhập cao nhất Trung Quốc năm 2011

Marquez đánh bại J.K Rowling - tác giả Harry Potter - để dẫn đầu danh sách các nhà văn nước ngoài thu lợi nhất ở Trung Quốc năm 2011. Thống kê này ban đầu chỉ dành riêng cho các nhà văn bản địa, nhưng nay được mở rộng ra cả tác giả nước ngoài. Quách Kính Minh kiếm tiền giỏi nhất trong số các cây bút Trung Quốc.

Danh sách năm nay cho thấy, độc giả trưởng thành ở Trung Quốc bắt đầu tìm đến những tác phẩm sâu sắc, khám phá cuộc sống và tâm hồn con người, chứ không chỉ là những ánh văn giải trí đại chúng. "One Hundred Years of Solitude" (Trăm năm cô đơn) đã ra đời cách đây 44 năm, nhưng vẫn giữ được sức hấp dẫn với những giá trị vĩnh cửu. Trong khi đó, một số tác phẩm thời thượng của văn học Trung Quốc vẫn hấp dẫn độc giả nhưng bằng thứ ngôn từ hoa mỹ chứ không đi sâu vào lòng người.

Bất chấp doanh thu và lợi nhuận khổng lồ mà thị trường sách mang lại, các chuyên gia văn hóa đọc vẫn cho rằng, các giá trị cốt lõi của văn học đã bị người Trung Quốc lãng quên. Bằng chứng là sự vắng mặt hoàn toàn của những cây đại thụ làng văn trong danh sách Những nhà văn kiếm tiền giỏi nhất năm 2011.

Liu Binjie, Cục trưởng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc, đã cảnh báo về sự thiếu hụt tính sáng tạo trong những tác phẩm văn học nội địa. Liu cho rằng, khoảng 90% các tác phẩm văn học xuất bản tại Trung Quốc hiện nay là “sản phẩm đạo và bắt chước”. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông, là do sự thiếu vắng các giá trị cốt lõi trong cuộc sống tinh thần của người dân trên cả đất nước. Chẳng hạn, những cuốn sách dành cho độc giả trưởng thành hoàn toàn thiếu đi sự hướng đến các giá trị thắp sáng tinh thần.

Sự nông cạn của đời sống văn hóa có thể giải thích từ phương diện nhân khẩu học. Giới trẻ là lực lượng đọc đông đảo nhất tại Trung Quốc hiện nay. Trong khi đó, thị phần sách cho những độc giả lớn tuổi là khá hẹp.

Lượng sách văn học chính trên thị trường xuất phát từ những tác giả nông cạn, chạy theo lợi nhuận nhằm phục vụ cho lớp độc giả trẻ thiếu chiều sâu. Những cây bút như thế chỉ tạo ra được các tác phẩm ăn khách chứ không sáng tạo được những tác phẩm lớn, có giá trị văn học đích thực. Nếu các giá trị văn hóa bị hạ cấp nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nó sẽ không chịu nổi sự thử thách của thời gian.

Là một sản phẩm của trí tuệ, văn học thỏa mãn nhu cầu giải trí của người đọc đồng thời là nơi tác giả gửi gắm quan niệm của mình về các giá trị cuộc sống. Những nhà văn nhạy cảm sẽ nắm bắt được thị hiếu công chúng, tạo ra các giá trị khiến công chúng hướng theo. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay lại vẫn đang thiếu các nhà văn nhạy cảm.

                                                        Theo Hà Linh - Evan





























































Các bài mới
Các bài đã đăng
"Tâm hồn mẹ" (08/12/2011)